Monday, June 15, 2020

APAK KHOJA TOMB - LĂNG MỘ HƯƠNG PHI

Thăm nơi an nghỉ của Hàm Hương có thật ngoài đời

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, Hàm Hương được chôn cất trong lăng mộ chung của gia đình - lăng Apak Khoja.

Tạo hình của nhân vật Hàm Hương trong phim "Hoàn Châu Cách Cách".

Cuộc đời thực tế của nhân vật nàng Hàm Hương nổi tiếng vẫn là chủ đề gây tranh cãi của nhiều người. Dù cho hình tượng Hàm Hương đã được khẳng định là có thật trong lịch sử.

Nhưng xung quanh nhân vật này vẫn tồn tại nhiều câu chuyện khác nhau về thân thế, số phận của người con gái xứ Hồi xinh đẹp tuyệt vời, giỏi ca múa và là mối tình của vua Càn Long này.

Chúng ta hãy cùng tìm về quê hương và thăm lăng mộ của vị công chúa xứ Hồi nổi tiếng trong bộ phim “Hoàn Châu Cách Cách” qua bài viết dưới đây.


Một số tài liệu sử sách ghi lại rằng, hình tượng Hàm Hương lấy nguyên mẫu từ Dung Phi của hoàng đế Càn Long. Dung Phi không phải là vợ góa của thủ lĩnh người Hồi chống lại triều Thanh như trong truyền thuyết mà là con gái của gia đình có công với triều đình trong cuộc bình định Tân Cương.

Năm 1759, Dung Phi theo người anh trai là Đồ Nhĩ Đô về Bắc Kinh nhận sắc phong "Phụ quốc công", sau đó nàng được tuyển vào hậu cung, phong là Hòa quý nhân theo tên họ gốc, sau được thăng lên hàng tần phi.


Theo một số tài liệu sử sách khác lại nói, vào năm 1734, Hương Phi cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình quý tộc, có cha là đầu mục tôn giáo ở Kashgar. Tương truyền, từ lúc sinh ra, thân thể nàng như cành hoa thơm ngát nên mới có tên là Yiparhan, nghĩa là hương thơm, sau này Càn Long phong nàng là Hương Phi nhà Thanh. Đến hơn 20 tuổi, năm 1756, Hương Phi được Càn Long rước về làm cung phi.

Nhưng điểm chung mà hai tài liệu này cùng đề cập đến đó là, trước khi lên kiệu hoa, Hương Phi ra ba điều kiện với sứ giả nhà Thanh: một là dù có ở trong cung điện nhà Thanh nhưng phải để nàng sống theo lối sống của nước mình; hai là theo nàng về kinh phải có người anh trai đi cùng và cuối cùng, nếu nàng chết thì phải đưa thi thể về cố hương an táng. Tất cả những yêu cầu trên đều được vua Càn Long chấp thuận.


Song song với những truyền thuyết khác nhau về cuộc đời của Hàm hương là bí ẩn về nơi chôn cất thi thể của cô. Một phần những câu chuyện được kể về Hàm hương khẳng định rằng, sau khi từ trần, nàng được đưa về an táng tại quê nhà Khách Thập (Kashgar) và chôn cất trong lăng mộ chung của gia đình - lăng Apak Khoja.

Khu lăng mộ rộng lớn này nằm cách thành phố Khách Thập 5km về phía Tây Bắc. Nơi đây còn được gọi là khu mộ Hương Phi và được xây dựng làm lăng mộ của dòng họ Apak Khoja (A bá Hòa Trác). Theo đó thì toàn bộ dòng họ thống trị qua năm triều đại đều được mai táng tại đây.


Đây là lăng mộ lớn nhất Trung Quốc với tổng diện tích lên đến 20.000 m2. Nơi đây được xây dựng vào khoảng năm 1640 bởi chính ông tổ của Hương Phi.

Lăng Apak Khoja thực sự là công trình biểu tượng cho kiến trúc đạo Hồi tại Khách Thập. Mái vòm của khu lăng chính có đường kính 17m, cao 26m và dài 39m.


Tường và mái vòm ở đây được bao phủ bởi những tấm gạch men xanh, trang trí với nhiều họa tiết đặc sắc. Bên trong nhà vòm này được chia thành nhiều khu mộ riêng biệt, mỗi khu đều được trang trí với vải lụa.

Hành lang bên trong lăng mộ.
Những họa tiết được trang trí tinh xảo trên tường và cột gỗ thuộc lăng mộ.

Trên tổng thể, bên cạnh khu lăng mộ chính thì Apak Khoja bao gồm 4 phòng cầu nguyện, một giảng đường và một khu nghĩa địa rộng lớn mang tên “Thành phố của người chết”. Mỗi khu thuộc lăng mộ đều được xây dựng như một ngôi đền với kiến trúc đạo Hồi đặc trưng kết hợp với những cột gỗ được gọt đẽo điêu luyện.

Bên trong khu mộ này được cho là nơi yên nghỉ của của 72 người dòng họ A bá Hòa Trác. Tuy nhiên vào năm 1960, một cơn động đất đã xảy ra trong vùng gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu lăng mộ.

Ngôi mộ được phủ vải lụa là những người thuộc dòng họ Apak Khoja.

Mái vòm của khu lăng chính đã bị sụp xuống đồng thời nhiều ngôi mộ bị phá hủy. Sau đó, người ta có cho tu sửa lại khu mộ nhưng những ngôi mộ cũ không thể được phục hồi. Chính vì vậy nên nếu bạn có dịp đến thăm nơi này bạn sẽ chỉ đếm được 58 ngôi mộ mà thôi.


Ngôi mộ riêng được cho là của Hàm Hương nằm về phía Đông của khu lăng mộ. Phía bên ngoài ngôi mộ này còn có khắc tên của Hương Phi bằng cả tiếng Hồi Cương và tiếng Trung. Ngôi mộ được xây dựng bằng gạch xanh làm bằng thủy tinh có khắc các họa tiết hoa tỉ mỉ. Nó đại diện cho sự tôn trọng đối với người chết và người ta cho rằng, nó cũng góp phần bảo vệ ngôi mộ.

Khu mộ riêng của Hương Phi.

Nằm phía bên ngoài về phía Bắc và phía Đông của khu mộ dòng họ A bá Hòa Trác, ta có thể tìm thấy một nghĩa địa nổi với hàng ngàn ngôi mộ to bé khác nhau.

Khu “Thành phố của người chết” được sử dụng như khu nghĩa trang của vùng và nó từng bao phủ một vùng đất rộng xung quanh lăng mộ. Tuy nhiên để thích ứng với nhu cầu du lịch, khu nghĩa trang này đã dần cắt giảm "quân số" và không tiếp nhận thêm người chết nào nữa.


Khu lăng mộ Hương Phi Apak Khoja này là một di tích lịch sử và danh thắng quan trọng của Khách Thập. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu lịch sử lại đề cập rằng, Hương Phi được mai táng và chôn cất trong một ngôi mộ bí mật tại Bắc Kinh, trên bia khắc một bài thơ đau buồn thảm thiết. Bởi lẽ đó, sự thật về nơi yên nghỉ của nàng phi tần này vẫn là một dấu hỏi lớn trong lịch sử.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: FarWestChina, History Cultural China, Wikipedia...

Bích Đào / Theo: Thí Thức Trẻ