“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Cà dầm tương - món ăn dân dã tưởng như thất truyền ở H.Phúc Thọ (Hà Nội) đang trở thành đặc sản "vạn người mê" khi người dân khắp các tỉnh, thành tìm mua với giá "chát" là 50.000 đồng/quả.
Cà dầm tương có giá 50.000 đồng/quả
Mặn chát nhưng vẫn “cháy hàng”Đến làng Hòa Thôn (xã Tam Hiệp, H.Phúc Thọ, Hà Nội) hỏi về món cà dầm tương, không ai là không biết gia đình ông Nguyễn Tiến Tiệp (73 tuổi). Gia đình ông Tiệp là một trong số ít những hộ dân còn giữ nghề và sản xuất cà dầm tương theo phương thức truyền thống.
Nhờ sự phát triển của mạng xã hội mà món ăn dân dã tương tưởng như đã thất truyền gần đây được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, món cà dầm tương này rất kén người ăn bởi mùi hương của cà lên men rất đặc trưng, nếu không hợp khẩu vị sẽ thấy cà mặn và khó ăn.
Ngược lại, nếu bỏ qua được hương vị đặc biệt của cà dầm, đây có thể trở thành món ăn yêu thích của nhiều người. Khi ăn sẽ không thấy gắt mà có vị ngọt. Thông thường, khi ăn cà sẽ được thái mỏng vừa miệng, trộn cùng dấm, đường, ớt, tỏi.
Ông Nguyễn Tiến Tiệp, người duy trì truyền thống làm cà dầm tương tại xã Tam Hiệp
Cà ủ trong tương 1 năm, giá trung bình khoảng 25.000 - 30.000 đồng/quả. Đặc biệt, đối với loại cà trọng lượng từ 0,5 - 1 kg, ngâm lâu trong tương giá lên tới 50.000 đồng/quả. Càng ngâm lâu cà càng ngon, giá thành càng cao.
Các cơ sở sản xuất cà dầm tương ở xã Tam Hiệp như gia đình ông Tiệp luôn nhận được rất nhiều đơn hàng, nhiều khi còn không có hàng để bán. Khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc tìm đến Tam Hiệp để mua cà.
Ông Tiệp chia sẻ: “Vài tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi không thể mang cà dầm tương đến các hội chợ được, lượng cà bán ra cũng giảm đi nhiều. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh của gia đình tôi chưa bao giờ vắng khách đến mua”.
Cà sẽ được ép kiệt nước bằng máy trong thời gian 1 ngày 1 đêm
Món ăn độc đáo từ nguyên liệu quen thuộc
Món ăn nghe tên có phần dân dã nhưng ít ai biết để cho ra món cà dầm tương Hòa Thôn, người làm phải trải qua những công đoạn cầu kỳ và mất thời gian ít nhất 7 tháng.
Cà được đem ngâm tương không phải cà thông thường mà là cà bát trắng. Cà được chọn nặng 3 - 6 lạng mỗi quả, nhiều quả lên đến 1 kg. Sau khi ướp 20 ngày với muối, cà được ép hết nước rồi thả nguyên quả vào chum tương.
Chum ngâm tương phải được làm từ đất nung và tráng men thủ công
Lựa chum ngâm tương cũng công phu, cầu kỳ. Ông Tiệp cho biết: “Tương ngâm trong chum được sản xuất công nghiệp dễ bị lên men, sủi bọt do lớp men tráng mỏng. Vì vậy, để làm được tương ngon, chum ngâm tương phải được đặt sản xuất bằng tay, tráng men thủ công”.
Để làm nên món cà ngon một phần do chất lượng tương ủ. Tương được ủ từ gạo nếp và bột ngô theo cách gia truyền, có mùi hương đặc trưng. Nhờ công thức đặc biệt này mà món cà dầm tương của gia đình ông Tiệp thu hút nhiều thực khách tìm mua hơn so với các hộ kinh doanh khác.
Theo ông Tiệp, gạo được ngâm trong nước 7 tiếng, sau đó trộn với bột ngô và đem lên đồ khoảng hơn 1 tiếng. Hỗn hợp này được ủ mốc khoảng 6 ngày. Cuối cùng trộn mốc với muối và đỗ, ủ trong vài ngày. Khi tương ngấu, cà được cho vào dầm trong thời gian từ 5 - 7 tháng.
Cà dầm càng lâu vị càng đậm đà, càng ngon
Các bậc cao niên trong làng kể lại, cà dầm tương là sản phẩm truyền thống của làng Hòa Thôn vốn chỉ để tiến vua.
Ngày nay, món cà dầm tương được nhiều người biết đến, trở thành món ăn bình dân thu hút nhiều thực khách.
NGUYỄN THƯƠNG