“Mình đã đến Ban Mê”
Cũng là đất cao nguyên mà sao Buôn Ma Thuột và Đà Lạt khác nhau đến thế, khác qua âm hưởng điện ảnh, âm nhạc, văn học đã đành, khác cả phong vị đời thực nữa. Đà Lạt lãng mạn, sang trọng và quyến rũ với hoa cỏ mây trời vẩn vơ quanh những biệt thự, đồi thông. Còn Ban Mê hoang dã với những cánh rừng đầy voi, với dòng Serepok cuộn chảy, các cánh đồng bạt ngàn cà phê và cả những con người huyền thoại như Ama Kong. Thế rồi, ngước nhìn bầu trời trong trẻo với những cuộn mây trắng bông đang vấn vít dãy núi đàng xa, thoáng mỉm cười thỏa mãn: “Mình đã đến Ban Mê”.
Mỗi người thích gọi thành phố này bằng một kiểu khác nhau, theo tên cũ trước năm 1975 là Ban Mê Thuột hoặc tên hành chính hiện hành là Buôn Ma Thuột, nhưng cách nào thì cũng gợi lên hình ảnh ấm áp, nóng bỏng của những ly cà phê thơm lừng mời mọc. Ban Mê có cả trăm quán cà phê và hẳn một Làng cà phê Trung Nguyên. Cây cà phê không có gì đặc sắc, quả của nó tròn và kết vào nhau từng chùm như trái bòn bon.
Dọc những con đường ngoại ô đẹp tuyệt trần dẫn lên hồ Lăk, những trái cà phê xanh, hồng được phơi dọc hai bên lề đường, giống như cách người Lạng Sơn phơi hồi, quế. Khó mà kết nối được thứ trái cây không mùi nhang nhác quả dại đó với bột cà phê nâu thơm nức mũi, càng chẳng liên quan chút nào đến ly cà phê đắng mỗi sáng trên bàn ăn.
Buôn Ma Thuột là một thành phố xinh đẹp, nhàn tản và dễ chịu. Tôi thích không khí của nó giống như một thị trấn vậy. Và chỉ cần rẽ vào một lối nhỏ bên hông thành phố, người ta đã có thể nhìn thấy một bản làng hầu như nguyên vẹn: Buôn Ako Dhong, còn gọi là Buôn nhà ngói, nằm ngay đầu nguồn con suối Ea Nhon.
Buôn trong lòng thành phố, cũng giống như làng trong phố ở Hà Nội vậy. Những nhà sàn dài lặng lẽ nằm chờ đợi khách. Hầu hết cư dân trong buôn Ako Dhong đều theo đạo Thiên Chúa, lại sống giữa thành phố nên phần nhiều tập tục của thiểu số cao nguyên chỉ còn được duy trì phục vụ khách du lịch. Cuối buôn cũng có một khu du lịch sinh thái, trông sơ sài và vắng khách.
Đi cầu treo ở bản Đôn
Có lẽ ai đã đến du lịch Buôn Ma Thuột cũng đều chỉ mong ngóng được đến bản Đôn, dù nó nằm cách thành phố gần 40 cây số. Tôi thuê một chiếc xe máy chạy về bản. Địa danh này, hình như nổi tiếng là qua một bài hát trẻ nít về chú voi con, nhưng giờ cũng đã thành khu du lịch. Không khí bản Đôn vui đáo để. Những chú voi chạy sầm sập trên con đường phủ đầy đất đỏ xuyên qua bản, trên lưng cõng theo các du khách mặt mũi hớn hở vì chưa được cưỡi voi bao giờ. Những ngôi nhà dài nguyên bản bán đồ lưu niệm và các bài thuốc bí truyền. Dòng Serepok đỏ ngầu và cây cầu treo bắc ngang qua những rễ già thâm niên u tối.
Hoạt động vui nhất ở bản Đôn vẫn là đi cầu treo. Cây cầu dài gần cây số được kết bằng các vật liệu tre nứa bắt cố định trên bụi gừa cổ thụ với những rễ khổng lồ có tuổi đời cả thế kỷ bao trùm cả 1ha đất. Đi cầu treo, ai nấy đều thả chân trần để da thịt được tiếp xúc với những ống nứa mát lạnh đã bóng chân người. Phía bên kia là rừng đại ngàn Yok Don, nơi có khi chẳng còn mấy voi nữa.
Dòng Serepok đục ngầu nước đỏ bazan chảy ùng ục dưới cầu treo trông thế thôi mà đã từng là điểm giao thương quan trọng của ba nước Đông Dương. Cũng vì thế, ốc đảo trên sông Serepok này đã lọt vào mắt xanh của những người Lào đi ngược dòng để buôn bán. Họ ở lại và cùng người Ê đê gây dựng một buôn làng mới. Bản Đôn trong tiếng Lào nghĩa là “Làng Đảo”. Đa số những cư dân đầu tiên của Làng Đảo là người Nam Lào, trong đó có vua voi Khun Ju Nốp và hậu duệ Ama Kong cũng gốc Lào.
Khách lạ thường hay dạo bộ về phía cuối bản để thăm mộ vua voi được xây hình chóp theo kiểu Lào và sơn phết nhiều màu rợ mắt. Thực ra đó là cái nghĩa địa của bản, nằm ở ngoài rìa khu dân cư. Tôi chẳng thích ngắm nghĩa địa cho lắm, cả ngôi nhà cổ 130 trăm năm tuổi âm u mấy đời nhà Vua voi nữa. Ngôi nhà ấy được dựng theo kiến trúc Lào, bằng những loại gỗ tốt nhất của đại ngàn Yok Don, là nơi trú ngụ của huyền thoại Ama Kong và giờ thành viện bảo tàng do gia đình ông quản lý.
Huyền thoại Ama Kong
Du lịch Buôn Ma Thuột bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị về Ama Kong. Nhắc đến Ama Kong, ngoài số voi săn bắn, sức khỏe phi thường và bài thuốc bí truyền thì không thể bỏ qua sự giàu có của dòng tộc vua voi. Gia tộc nhà Ama Kong (1910-2012) giàu có đến độ phải vi phạm cả luật tục của bản mà kết hôn với người cùng huyết thống để gia sản không thể lọt ra cho người ngoài. Tiếng là ở sâu trong bản nhưng đại gia Ama Kong là một tay chơi có tiếng thời bấy giờ.
Vua voi Ama Kong (ảnh tư liệu)...
Đầu thập niên 60, tay chơi sành điệu Ama Kong thường xuyên đáp máy bay từ Buôn Ma Thuột lên Sài Gòn chỉ để đánh bạc. Ngồi sòng ba ngày thì cháy túi hết cả con voi, số tiền đủ tậu 10 căn nhà sàn xa xỉ. Ama Kong nổi tiếng khắp vùng vì cao to, đẹp trai, giàu có, hào hoa, phóng khoáng, hoang dại, tài ba, chơi được nhiều loại nhạc cụ, lại khỏe đến nỗi săn được 300 con voi và hơn 80 tuổi vẫn có thể “yêu”, vẫn lấy vợ, có con nên được các cô sơn nữ mê như điếu đổ.
Nhưng một trong những huyền thoại có thật khiến tôi nể Ama Kong hơn cả ấy là cách ứng xử rất đáng mặt đàn ông. Năm Ama Kong 30 tuổi, người vợ đầu H’Nố và cũng là chị em họ của ông mất sớm vì hậu sản, ông kết hôn với em vợ là H’Hốt theo tục lệ nối dây. Sống với H’Hốt một thời gian, Ama Kong yêu một người đàn bà khác nhưng H’Hốt ghen tuông không cho ông lấy thêm vợ nữa.
Theo luật của bản, khi người đàn ông khăng khăng bỏ vợ thì phải để lại toàn bộ của cải cho vợ nuôi con, chưa kể khoản nộp phạt rất lớn nữa. Những gì còn sót lại từ chế độ mẫu hệ của các tộc người trên cao nguyên đã bảo vệ quyền lợi phụ nữ là thế, văn minh chả khác gì phương Tây. Ama Kong chấp nhận, ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, để lại toàn bộ gia sản dồi dào cho vợ cũ và bắt đầu cuộc hôn nhân với người vợ thứ ba. Vua voi làm lại từ đầu bằng nghề săn voi và có nhiều mối quan hệ mật thiết với các nhân vật hoàng gia như Vua Thái Lan, Vua Lào…
Đến năm vua voi 75 tuổi thì người vợ yêu thương của ông cũng mất, Ama Kong sống cảnh góa được vài năm thì phải lòng một cô gái mới 25 tuổi. Hai người cách nhau gần 60 tuổi nhưng vô cùng hạnh phúc. Khi làm đám cưới lần thứ tư, Ama Kong chẳng còn là đại gia, không đất đai, tài sản, thậm chí hết cả tiền để tổ chức đám cưới nên chỉ mổ con gà. Vậy mà người vợ cuối cùng vẫn theo về với ông và sinh cho chồng một đứa con gái.
Vua săn voi Ama Kong đã ra đi tại căn nhà cổ của mình trong sự tiếc thương của gia đình, buôn làng... - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Ông tiếp tục làm cha ở tuổi bát tuần, có tổng cộng 21 người con và 118 cháu chắt. Với tuổi thọ 102, tuổi sinh con ngoài tám mươi, tuổi “yêu” vợ trẻ kéo dài được cả thế kỷ nên bài thuốc tráng dương bổ thận của Ama Kong được đàn ông khắp nước Việt tin sái cổ. Tôi chẳng nhớ giá của nó là bao nhiêu nhưng những túi thuốc “quý” gói bọc trong túi nilon với nhãn mác đơn sơ in bằng giấy xấu, mực đỏ rẻ tiền được bán đại trà khắp bản làng buôn Đôn.
Nghe đâu bài thuốc này được tổng hợp từ những vị thuốc hiếm do Ama Kong tìm được giữa rừng sâu Yok Don rồi mang về tự chế. Nhưng giờ chẳng hiểu các hậu duệ của ông sao tẩm thế nào. Thôi thì dẫu sao nó cũng đã biến thành món quà lưu niệm. Người đi bản Đôn mua vài gói về làm quà cho người ở nhà, chả bổ thứ này thì khỏe thứ kia, coi như uống thay trà thảo mộc, xem ra cũng chả thiệt hại gì, mà lại có được niềm tin mình sắp thành Ama Kong.
Theo: IVIVU