Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?
Lần đầu tôi nghe nói tới Miệt Thứ từ một người bạn quê ở Cà Mau, lúc đó tôi ngỡ ngàng hỏi “Miệt Thứ là ở đâu vậy ta?”, bạn tôi cười nói “Miệt Thứ xa lắm”, nơi này hồi xưa hoang vu và trắc trở, nên có câu ca:
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
***
Cà Mau là phần cuối cùng nằm trong khu vực mà người xưa gọi là “Miệt Thứ”, trải dài từ các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn chạy tới vịnh Rạch Giá, dài xuống huyện U Minh (Cà Mau).
Cuốn Phương ngữ Nam bộ của Nam Chi Bùi Thành Kiên viết: Miệt U Minh là vùng đất cực nam Tổ quốc còn nhiều hoang sơ, chưa tiếp xúc với văn minh đô thị nhiều, “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”.
Miệt Thứ, được Đại Nam Nhứt Thống Chí chép là vùng “Lâm Sác”, vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na đó là Miệt Thứ, là ven U Minh. Thập Câu là 10 con rạch mang tên là rạch thứ Nhứt, rạch thứ Hai cho tới rạch thứ Mười, chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển, gọi là “thập” nhưng trong thực tế có hơn 10 con rạch. Người địa phương lần hồi khai thác và khám phá thêm, thí dụ như rạch thứ Chín rưỡi (giữa rạch thứ Chín và thứ Mười) hoặc rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy… Thời trước vùng đất này rất xa xôi, hiểm trở có nhiều thú dữ và bệnh tật, là nơi dừng chân cuối cùng của người dân Việt trên con đường Nam tiến, người dân chỉ đến khai thác vùng này từ sau năm 1870.
Ông Bùi Đức Tịnh (1923-2008), một nhà nghiên cứu quê ở Ba Tri, Bến Tre, viết: “Thứ” là danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba… cho đến Thứ Chín.
Cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là “Miệt Thứ” thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, lấy mật ong, được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.
Miệt Thứ, ngày xưa hoang vu và cách trở là vậy, nên khi nhắc tới Miệt Thứ, người ta lại nhớ đến những câu ca buồn rười rượi:
Đêm đêm ra đứng hàng ba,
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
Miệt Thứ ngày nay, giao thông đã thuận tiện hơn nhiều, đặc biệt đoạn đường mới Bạc Liêu – Cà Mau rất tốt, rút ngắn đến phân nửa thời gian đi xe (trước đây là 2 tiếng). Tiếp đó, trên quốc lộ 63 từ Kiên Giang qua Cà Mau vừa khánh thành hai cây cầu Cái Lớn và Cái Bé thay cho phà Tắc Cậu trước đây, nên việc đi lại càng thông thương hơn nữa. Với xu hướng phát triển đô thị hóa, nhiều khu dân cư, nhà cao tầng mọc lên, biết đâu sau này những cụm từ như “Miệt Vườn, Miệt Thứ” sẽ dần dần bị mai một.
Người mới đến Miệt Thứ sẽ cảm thấy lạ lẫm nhưng ngay sau đó sẽ trở nên thân quen và thích thú. Tôi hỏi vì sao, anh bạn ấy nói, khi đến đó người ta sẽ có cảm giác như trút hết bao lo toan của đời thường để hòa mình vào thiên nhiên trong lành bởi cảnh vật nguyên sơ và sự chân chất, hồn nhiên của người dân nơi đó, đặc biệt, các cô gái Miệt Thứ, dáng vẻ mảnh khảnh lái vỏ lãi gắn máy chạy phăng phăng trên kinh rạch như xe hơi chạy bon bon trên đất liền vậy.
Và sau hết nhưng vô cùng hấp dẫn, mọi người sẽ được thưởng thức các món ngon đặc trưng của vùng đất Mũi như món gỏi nhộng ong U Minh, chuột đồng chiên sả ớt, bồn bồn Cà Mau, cá lóc nướng trui, cháo cá kèo…
HUYỀN VĂN
Tài liệu tham khảo:
– Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt Vườn, Sơn Nam, NXB Trẻ – 2014.
– Lược khảo nguồn gốc Địa danh Nam bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP.HCM – 1999.
– Phương ngữ Nam bộ của Nam Chi Bùi Thành Kiên.
– Tự điển Từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín.