Theo ghi chép của một nhà sử học Trung Hoa cổ đại, "Tới độ tuổi năm mươi, một con cáo có thể biến thành một người phụ nữ. Độ tuổi một trăm, nó biến thành một thiếu nữ xinh đẹp, một phù thủy tà mị hoặc một người đàn ông quyến rũ; nó có thể biết những chuyện đang xảy ra cách mình cả trăm dặm, bỏ bùa con người, khiến nhân loại lạc lối và đánh mất tâm trí. Khi nó một ngàn tuổi sẽ đắc đạo, trở thành hồ tiên."
Hồ ly tinh là một trong những loài yêu tinh nổi tiếng trong thần thoại Trung Hoa. Được biết, hồ ly tinh có thể biến thành những người phụ nữ trẻ đẹp, quyến rũ đàn ông, vì thế đôi khi "hồ ly" còn là từ dùng để miêu tả những cô gái có mị lực quyến rũ hơn người. Trong văn hóa châu Á, hồ ly tinh đã xuất hiện trong vô số phim ảnh, truyện tranh, tiểu thuyết và thậm chí là game.
Huli jing trong thần thoại Trung Quốc
Trong thần thoại Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, người ta tin rằng thứ gì cũng có thể biến thành người, sở hữu sức mạnh ma thuật và sự bất tử, với điều kiện là phải tu luyện thành công. Hồ ly tinh, vốn là do những con cáo (hồ ly) tu luyện thành yêu quái, lấy hình dáng con người, thường là phụ nữ xinh đẹp.
Nổi tiếng nhất là nhân vật Đát Kỷ trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Là con gái của một tướng soái, nàng buộc phải thành thân với Trụ Vương. Tuy nhiên, trên đường rước dâu đã bị hồ ly tinh nhập xác, thực hiện nhiệm vụ của Nữ Oa giao cho là làm cho Trụ Vương mê muội và nhà Thương sụp đổ, tạo điều kiện cho nhà Chu thu phục thiên hạ.
Kitsune – Thần thoại về Cửu Vĩ Hồ
Trong văn hóa Nhật Bản, hồ ly tinh được gọi là Kitsune, hay Cửu vĩ hồ, một con yêu quái (yokai) 9 đuôi sở hữu trí thông minh vượt trội, tuổi thọ cao và sức mạnh ma thuật. Vì là một loại yêu tinh, Kitsune không nhất thiết phải tốt hay xấu.
Tuy nhiên, người Nhật vẫn phân Cửu vĩ hồ ra thành 2 loại. Một là Zenko, những con hồ ly tốt, đôi khi còn được gọi là hồ ly Inari. Mặt khác, Yako được xem là những con Cửu vĩ hồ xảo quyệt, thích lừa gạt, thậm chí làm hại người. Ngoài ra còn có một loại được gọi là Ninko, chỉ có thể được nhìn thấy bởi người chúng đi theo.
Kitsune có 9 đuôi, khác với hồ ly tinh Trung Quốc, lại thường xuất hiện ở dạng một con cáo. Chúng càng có nhiều đuôi thì càng mạnh, một số truyền thuyết cho rằng Cửu vĩ hồ cứ 100 năm sẽ mọc thêm một cái đuôi. Sau khi sống được 1000 năm và mọc cái đuôi thứ 9, cơ thể nó sẽ chuyển sang màu trắng hoặc vàng, được gọi là "tenko", tương đương với hồ tiên.
Kumiho, hồ ly tinh trong văn hóa Hàn Quốc
Trước sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Kumiho xuất hiện trong thần thoại Hàn có nhiều điểm tương đồng với hồ ly tinh và Cửu vĩ hồ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc và Nhật Bản, hồ ly có thể tốt hoặc xấu, ranh giới này khá mờ nhạt bởi chúng có tính cách giống người. Nhưng Kumiho lại được xem là một loại yêu quái vồ cùng xấu xa, đáng sợ, nửa người nửa yêu, lang thang ngoài đường ban đêm và ăn tim người.
Trong câu chuyện cổ tích "Chị em hồ ly", chúng đã giết chết và ăn gan của cả một gia đình. Xem xét các tài liệu được viết vào năm 1675, một số người suy đoán rằng hình tượng bạo lực này của Kumiho bị ảnh hưởng trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản tại Hàn Quốc.
Ở các nước phương Tây, hồ ly không phổ biến, nhưng có thể được xem là một loại yêu tinh, thú nô tương tự với tiên.
Theo: Helino