Saturday, January 29, 2022

BÍ QUYẾT "BÁCH ĐỘC BẤT XÂM"

Tại sao con người ngày nay càng ngày càng đông lên, và càng ngày càng sớm mắc các loại bệnh tật?


Theo lý thuyết, nhận thức của chúng ta đối với sức khỏe càng ngày càng cao, điều trị y học cũng càng ngày càng tiến bộ, các phương pháp dưỡng sinh cũng nhiều vô kể, có rất nhiều các phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, như lượng tử trị liệu, trí tuệ nhân tạo, chụp cộng hưởng từ… bệnh tật lẽ ra phải càng ngày chữa trị càng tốt lên chứ, nhưng tại sao bệnh tật càng ngày xuất hiện càng nhiều? Người bệnh thì cũng ngày càng đông lên? Cũng có rất nhiều người, muốn tiền thì có tiền, muốn gì có nấy, hoàn toàn có khả năng mua những loại thuốc tốt nhất, đắt nhất, có thể mời những vị thầy thuốc giỏi nhất, ở những loại giường bệnh đắt đỏ nhất, nhưng tại sao vẫn không thể chữa khỏi bệnh?

Hãy nghĩ xem chúng ta thật đáng buồn, chúng ta phải thức khuya, phải chịu áp lực rất lớn đang đè nặng lên mình, đối mặt với hoàn cảnh phức tạp nhất. Thế nhưng chúng ta lại không biết được rằng biết đâu vào một ngày nào đó sẽ mắc trọng bệnh, mà chúng ta lại hoàn toàn bất lực!

Chúng ta có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, chúng ta cũng đã có thể du hành vũ trụ, đi đến mặt trăng, nhưng khi sinh mệnh của chúng ta bị đe dọa thì chúng ta lại tay không tấc sắt, chỉ có thể ngồi chờ chết. Liệu có phải nền văn minh hiện đại ngày nay đang giống như gông cùm trói buộc chúng ta lại? Vậy nguyên nhân sâu xa đằng sau đó là gì? Thực ra, có rất nhiều loại bệnh ngày nay không chỉ đơn thuần là do vấn đề thể chất của thân thể, mà là kết quả do nhiều phương diện như trạng thái tâm lý, vận hành xã hội… gây ra, nó trở thành là một vấn đề ở tầng sâu rồi.

Trước tiên hãy lấy một ví dụ:

Tại sao một người lại bị loét dạ dày? Đó là do chỗ đó của dạ dày của anh ta bị thiếu máu tươi mới, bởi vì máu tươi mới là công cụ sửa chữa phục hồi tốt nhất, nó có chứa kháng thể, có các thực thể, các chất dinh dưỡng v.v. Vậy tại sao trong dạ dày lại bị thiếu máu tươi mới? Trong “Hoàng đế nội kinh” có viết: sự tức giận sẽ ảnh hưởng đến gan, một người nếu thường xuyên tức giận và oán trách, thì sau một thời gian trong gan sẽ tích tụ khí đục. Chúng ta biết rằng, gan và túi mật được liên kết với nhau, nên khí đục ở gan sẽ chạy sang túi mật, sau đó sẽ từ túi mật được chuyển đến dạ dày. Khi lượng khí đục này ở trong dạ dày nhiều lên sẽ làm giảm lưu lượng máu ở trong dạ dày, dẫn đến việc máu tươi sẽ không thể lưu thông được trơn tru, do đó dạ dày sẽ bị nhiễm vi khuẩn và vi-rút. Do đó, có rất nhiều bệnh là do tâm phát ra.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).

Trước tiên, hãy nhìn vào những thành tựu khoa học của phương Tây. Năm 2007, một cuốn sách bán chạy nhất đã được giới thiệu ở Mỹ có tên: “Bệnh do tâm sinh”. Tác giả cuốn sách này là một bác sĩ nội khoa. Ông đã tóm tắt một quy tắc dựa trên nhiều thập kỷ kinh nghiệm y học của mình, nói rằng, gần 80% bệnh của con người là do yếu tố tâm lý, và chỉ có khoảng 20% bệnh là do các yếu tố bên ngoài như nhiễm khuẩn, vi-rút…

Còn có người thí nghiệm: treo một con khỉ lên và sau đó chốc chốc lại dùng điện kích khiến con khỉ luôn ở trong tâm trạng rất sợ hãi. Chẳng bao lâu con khỉ ấy bị loét dạ dày. Khi nội soi dạ dày, dùng tia X, điện não đồ và sinh hóa để nghiên cứu cơ chế bệnh lý của dạ dày, người ta thấy rằng sự xuất hiện của bệnh dạ dày có liên quan chặt chẽ đến sự ức chế quá mức của vỏ não và rối loạn chức năng thần kinh thực vật.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).

Chúng ta hãy tìm hiểu về nền y học phương Đông, trong “Hoàng đế nội kinh” có viết: “Tức giận sẽ tổn hại gan, vui mừng quá tổn thương tim, suy tư quá tổn thương lá lách, buồn quá tổn thương đến phổi, sợ hãi tổn thương đến thận”. Mọi bệnh tật đều từ tâm mà ra, từng ý từng niệm đều ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái thân thể của chúng ta, chúng tích tụ theo thời gian, và thông qua cơ quan bên ngoài cơ thể mà biểu hiện ra, cuối cùng hình thành bệnh. Do đó, “tu tâm” và “trị bệnh” có mối quan hệ mật thiết với nhau, thiếu đi một cũng không được.

Nếu như một cá nhân không biết tu tâm, thì cho dù có uống linh đan diệu dược cũng không kéo dài được thọ mệnh. Tần Thủy Hoàng quyền lực đến như thế, ông ấy đã dốc hết sức lực của quốc gia mà vẫn không tìm được linh dược giúp ông trường sinh bất tử. Thực ra, linh đan diệu dược ở ngay trong tâm, nhưng ông ta nhìn không thấy. Cũng như vậy, con người ngày nay bị quyền lực và tiền tài che mờ mắt. Chúng ta cứ đi truy cầu, tìm tòi những thứ ở bên ngoài, mà không nhìn vào bên trong mình, tâm lý bất an, nóng nảy, ham muốn, oán hận chính là căn nguyên của mọi bệnh tật.

Tranh vẽ Tần Thuỷ Hoàng (trái) và bức minh hoạ thuyền của Từ Phúc ra khơi năm 219 TCN để tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử (ảnh: Wikimedia Public Domain).


Điều tối kỵ thứ nhất
đối với tâm là:

LOẠN

Tâm loạn thì tất cả thứ khác cũng trở nên bất thường. Tâm bình thì khí hòa, khí hòa thì máu được lưu thông, máu lưu thông tốt thì tinh khí đầy đủ, tinh khí đầy đủ thì tinh thần mạnh mẽ. Con người sống thì phải chú trọng dưỡng “tinh, khí, thần”, khi đó lực đề kháng và hệ miễn dịch của chúng ta sẽ rất mạnh mẽ. Đây không phải là duy tâm hay mê tín, mà nó được gọi là sĩ khí, giống như khi hai đội quân chiến đấu, đội quân nào có sĩ khí mạnh mẽ thì nhất định sẽ chiến thắng. Trên thực tế, dù là bạn đánh trận, buôn bán hay bắt đầu khởi nghiệp… thì bạn cần phải có một tâm thái cao mới có thể vượt qua được khó khăn.

Vì vậy, đối với trị bệnh thì cần lấy Tâm làm chủ. Thực sự có những người quá yếu đuối, ví như khi họ biết mình bị mắc trọng bệnh, hay ung thư, thì ngay lúc đó tinh thần họ đã suy sụp rồi, thế thì phiền phức rồi. Khi con người mắc bệnh, thì không nên oán hận, trách móc Trời Đất bất công với mình, phàn nàn về số phận thật quá bất hạnh, thay vào đó bạn nên tiếp nhận nó một cách bình tĩnh, trái tim của bạn lúc này cần ổn định, thì những vấn đề còn lại không còn lớn nữa.

Tại sao những người hiểu thấu Đại Đạo lại có một thân thể rất khỏe mạnh? Bởi vì họ đã thấu hiểu được sự vận hành của vạn vật, họ hiểu được rằng, đau khổ là một phần của cuộc sống, có thăng có trầm đó là trạng thái bình thường mà con người sẽ gặp phải, vì vậy khi họ thất bại hay gặp khó khăn, họ sẽ không phàn nàn mà bình tĩnh đối mặt với nó.

Vạn sự vạn vật đều có quy luật, bất kể sự việc gì đều trải qua bốn quá trình sinh, trưởng, gặt hái, cất trữ. Cũng giống như mùa xuân trồng cây, mùa hè cây cối sinh trưởng, mùa thu thu hoạch trái chín và mùa đông sẽ là cất trữ, mỗi giai đoạn đều có đặc điểm riêng. Ở giai đoạn ươm mầm, thì hạt sẽ phải chôn vùi trong đất, rất khó khăn và khổ đau, đây cũng là lúc bạn tích lũy năng lượng cho mình, chớ nên nóng vội để trở thành kẻ dẫn đầu; nếu như đột nhiên bạn gặp phải khổ nạn, thì điều đó có nghĩa rằng sẽ có một điều vô cùng tốt đẹp đang chờ bạn ở phía trước. Nếu mọi người đều đạt đến được nhận thức như vậy, đạt tới cảnh giới đó, thì không khó có được một tâm thái bĩnh tĩnh.


Điều tối kỵ thứ hai
đối với tâm là:

THAM

Làm người, tuyệt đối chớ nên tham lam với những thứ không thuộc về mình, một người có tâm tham lam sẽ khiến cho tâm thần trở nên không ổn định, sẽ khiến hành vi trở nên hỗn loạn, cũng sẽ khiến cho sự vận chuyển của cơ thể trở nên rối loạn, đó quả là việc lớn rồi! Còn hễ tham lam là họ đã ứng trước thân thể mình để tìm cầu có được nhiều thứ hơn. Đằng sau sự tham lam vô độ đó chính là sự ứng trước vô độ. Khi mới mắc bệnh thì cơ thể không có biểu hiện rõ, nhưng khi nó có biểu hiện thì thường là tích tụ nặng rồi, rất khó có thể phục hồi.

Tại sao trong Đông y không có khái niệm “ung thư”? Bởi vì “Thượng công trị vị bệnh, hạ công trị dĩ bệnh”, nghĩa là: “Thầy thuốc bậc cao chữa trị khi bệnh chưa phát ra, thầy thuốc bậc thấp chữa trị khi bệnh đã phát ra”. Thầy thuốc Đông y đích thực chính là đang truyền Đạo, họ dạy chúng ta biết cách cân bằng thân thể bản thân, từ đó không nảy sinh những quả ác cực đoan. Còn bệnh ung thư lại chính là con người không biết tiết chế trạng thái thân tâm của mình, kết quả là tích lũy rất nhiều những quả ác cực đoan. Xã hội ngày hôm nay đã phá vỡ rất nhiều những giá trị truyền thống, thậm chí còn đưa con người vào ma đạo. Cái gọi là ma đạo chính là làm hàng giả, đầu cơ, lừa đảo hãm hại lẫn nhau… những thứ này càng đưa con người đến một thế giới sùng bái vật chất, đầy tham lam và dục vọng vô độ, và con người càng ngày càng xuất hiện rất nhiều bệnh nan y.


Điều tối kỵ thứ ba
đối với tâm là:

HẬN

Lúc đầu do không giải khai được về thù hận nên bệnh không chữa khỏi được. Nếu như một cá nhân cứ mãi đổ lỗi cho hết thảy những khó khăn mà họ gặp phải là đến từ bên ngoài, chứ không phải từ bản thân họ thì người đó sẽ mãi không thể nhìn thấy được những thiếu sót của bản thân họ. Họ ghét bỏ tất cả, họ ghét người khác, ghét môi trường xung quanh, họ hận rằng ông trời bất công với họ, họ hận là đã sinh ra trên đời này, những người như thế biểu hiện ra luôn đố kỵ và hoài nghi. Trái tim của họ mất cân bằng, ngôn từ và hành vi của họ cũng mất cân bằng. Những người này thường hay trầm cảm, thời gian lâu thân thể sẽ trở nên u uất, suy nhược.

“Tâm khoan một thốn, bệnh lui một trượng” có nghĩa rằng khi trái tim của bạn khoan dung bao nhiêu thì bệnh tật sẽ thuyên giảm đi rất nhiều, tha thứ lại chính là phương thuốc tốt nhất. Hãy buông bỏ những nghi hoặc trong cuộc đời, hãy mở rộng trái tim của mình, bạn sẽ thấy rằng thế giới xung quanh bạn cũng rộng mở. Khi đó, bạn sẽ nhận ra bệnh tật của mình cũng đã giảm đi rất nhiều. Đối với một người không có uất hận trong tâm, người đó sẽ có được cuộc sống thật an nhiên và tự tại.

Bí quyết tu tâm,
đó chính là:

TĨNH


So với nỗ lực làm việc thì tu tâm là quan trọng hơn cả, để có được một trái tim bất động khi đối mặt với những thay đổi của thế giới bên ngoài, thì tâm cần tĩnh tại và vô thường. Hãy để bụi trần tôi luyện trái tim bạn, hãy để những chông gai phía trước tôi luyện ý chí của bạn, khi đó, tương lai bạn trở nên rộng mở, bạn sẽ trưởng thành hơn và có năng lực hơn.

Tĩnh, đó chính là không ngừng tự đề cao năng lực thích nghi của bản thân với tự nhiên, cuối cùng đạt tới cảnh giới thiên nhân hợp nhất – con người và thiên nhiên hòa làm một. Ví như, tu thiền của Phật gia, đó là khiến cho đại não và toàn bộ tế bào của cơ thể đạt tới một trạng thái tĩnh cao độ, lúc đó não của bạn sẽ giống như một thể siêu dẫn. Đạo gia “đạt đến cực độ của hư không, giữ tĩnh lặng, hiểu cội nguồn vạn vật”, đó chính là giúp cho chúng ta thể nghiệm được quy luật tuần hoàn cực độ tĩnh tại của sự vật, từ đó mà đắc đạo.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).

Khi đạt được trạng thái tĩnh, thì cho dùng công việc có thuận buồm xuôi gió hay khi gặp sóng to bể cả thì tâm tình vẫn tĩnh tại, không nao núng, cũng không oán hận, cũng không vọng tưởng, cũng không ám ảnh, và họ có rất ít vấn đề về thể chất. Họ khoan dung người khác, tâm tình rộng mở, khoáng đạt, luôn tha thứ cho người khác, khi đó khí huyết tự nhiên lưu thông tốt.

Nhân sinh độc hại nhất chính là Tam Độc: Tham – Sân – Si. Ba chất độc này chính là kẻ thù của cơ thể. Học cách tu tâm, thì trăm thứ độc cũng không thể xâm chiếm được. Tu luyện tâm trí không liên quan gì đến thành tích, tiền bạc, và trình độ công nghệ, nó chỉ phụ thuộc vào “ngộ tính” của mỗi người. Tu luyện tâm trí không chỉ giúp cho thân thể được khỏe mạnh, mà còn mở ra trí tuệ cũng như bản năng tiên thiên của chúng ta.

Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh chính là dưỡng tâm.

Cảnh giới cao nhất của dưỡng tâm đó là tâm từ bi.

Một người có trái tim từ bi, họ có một loại năng lượng tương thích, có khả năng làm tan chảy vạn vật một cách tường hòa. Một người có trái tim từ bi , nó đến một cách rất tự nhiên, không hề cưỡng ép mà tự trong họ đã có được một sự tự tại. Một người từ bi, có mang theo một tâm thái tự tin, không phải họ cố ý mang cho người khác xem, mà tự tin của họ càng không cần phải chứng minh cho ai thấy.

Tu luyện tâm trí không chỉ giúp cho thân thể được khỏe mạnh, mà còn mở ra trí tuệ cũng như bản năng tiên thiên của chúng ta (ảnh minh hoạ: FB Dafe.Great).

Thực ra, bất kể là giàu sang hay nghèo hèn, thì con người dễ nhận ra một đạo lý: Nhân sinh không dễ có được, chỉ khi trong tâm thái an hòa thì mới có được cuộc sống hạnh phúc. Giàu nghèo không phải là căn bản, cũng không phải là vĩnh hằng. Người giàu không tạo phúc mà cứ hưởng phúc, thì chính là đang tiêu phúc. Người nghèo khi cần kiệm thì chính là đang tạo phúc cho mình.

Đời người là một chặng đường dài tu luyện, muốn trở thành một người chân chính, thì Nhân, Trí, Dũng ba điều này thiếu đi một cũng không được.

Cái gọi là nhân, chính là tâm thái từ bi thiện lương.

Cái gọi là trí, chính là năng lực nhìn thấu quy luật.

Cái gọi là dũng, chính là dũng khí đối mặt trực diện với sinh tử.

Nguyệt Hòa (biên dịch) / ĐKN
Theo Aboluowang