Từ bao đời nay, mưa đã rơi trên Trái Đất. Trong mưa có chứa CO2 hoà tan đến từ không khí bao quanh hành tinh, khiến cho nước mưa mang tính acid nhẹ có nguồn gốc từ acid carbonic – được tạo thành từ CO2 và nước. Mưa rơi trên đá và acid trong nước mưa phân huỷ đá, tạo ra dạng hòa tan của các muối (ion). Những ion này được những con suối, dòng sông mang ra các đại dương.
Theo ông Galen McKinley, giáo sư khoa học đại dương và khí quyển, thuộc Trường Đại học UW-Madison (Mỹ), độ mặn của nước biển đến từ các muối khoáng hòa tan, chính là sodium, chloride, sulfur, calcium, magnesium và potassium.
Trong đó, hai ion hiện diện nhiều nhất trong nước biển là chloride và sodium, chiếm tỉ lệ lên đến 90% trong tổng số ion hòa tan trong đại dương.
Một phần lớn những ion hòa tan này được các sinh vật trong đại dương tiêu thụ và bị loại ra khỏi nước. Số còn lại được tích tụ trong một thời gian rất dài và nồng độ của chúng trong nước biển tăng dần.
Nhờ đó, độ mặn (tức nồng độ muối) trong nước biển hiện nay ở vào khoảng 35 phần ngàn. Nói cách khác, 3,5% trọng lượng nước biển là các muối hòa tan, và trong một dặm khối (khoảng 1.600m3) nước biển có khoảng 120 triệu tấn muối.
Tuy nhiên, theo giáo sư McKinley, “hàng năm, lượng ion do nước mưa mang xuống đại dương chỉ làm lượng muối sẵn có trong đó tăng ở tỉ lệ thấp, chỉ 0,00005% mà thôi”. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu lấy tất cả muối trong đại dương rải đều lên mặt đất thì người ta sẽ có một lớp muối dày đến 166 mét, tức bằng chiều cao của một tòa nhà 40 tầng.
Theo giáo sư McKinley,“có những chứng cứ địa chất học cho thấy tính mặn của nước biển đã có lịch sử ít nhất là 1 tỉ năm”.
Nhưng chúng ta đừng nghĩ biển chỉ có muối không thôi nhé! Trong 1.600m3 nước biển còn có đến 25 tấn vàng và 45 tấn bạc!
Quang Thịnh
Theo Science Daily, USGS, Vietnamnet
Link tham khảo: