Welcome to the Hotel California
Such a lovely place (Such a lovely place)
Such a lovely face
Plenty of room at the Hotel California
Any time of year (Any time of year)
You can find it here
Sẽ không sai khi nói rằng album Hotel California không thể trở thành một album bán chạy nhất lịch sử ghi âm pop-rock nếu như nó đã không được dọn đường trước bởi album Their Greatest Hits 1971-1975 mà The Eagles tung ra vào đầu năm 1976. Đúng như tựa của nó, đĩa này có tất cả ca khúc thành công nhất của The Eagles và là một tuyển tập ngự trị trên Billboard Top 200 Album trong suốt 50 năm sau đó, được công nhận là album nhạc Rock Mỹ bán chạy nhất thế kỷ 20.
The Eagles (trái sang): Don Felder, Don Henley, Joe Walsh,Glenn Frey, Randy Meisner (ảnh: RB/Redferns)
Khi tung album Hotel California, rõ ràng The Eagles không trong “cơn đói” tuyệt vọng tìm kiếm cơ hội thăng hoa vì thực tế là họ đã đạt được quá nhiều. Họ đang đứng trên đỉnh thành công. Ngoài tuyển tập ấy ra, The Eagles cũng thành công lớn về mặt sáng tác nghệ thuật với album chất lượng nhất vào thời điểm ấy, One Of These Nights, với cặp Glenn Frey (người tiểu bang Michigan) và Don Henley (người tiểu bang Texas) đảm nhận hầu như toàn bộ việc biên soạn sáng tác.
Trong tuyển tập hàng đỉnh Their Greatest Hits 1971-1975 không có ca khúc “chữ ký” lưu danh sử xanh nhạc trẻ của The Eagles, vì bài ấy, Hotel California, sẽ chỉ được sáng tác, ghi âm và phát hành gần một năm sau đó và cũng là bài ca “gột rửa” sạch âm hưởng gốc rễ country-rock ra khỏi nhạc của The Eagles.
Cần nhắc lại, sự chuyển biến chất nhạc của The Eagles – từ country buổi ban đầu (sau thời gian đàn phụ họa cho nữ hoàng nhạc country Linda Rondstadt) và thu hút được trái tim thính giả với Take It Easy và Witchy Woman rồi Peaceful Easy Feeling, đến lúc chuyển hẳn qua rock với album Hotel California – là nhờ có sự xuất hiện của một “new kid in town” (như tựa một ca khúc trứ danh khác trong album Hotel California): Đó là Joe Walsh, thay chỗ cho tay guitar Bernie Leadon vốn là một thành viên sáng lập nhóm.
The Eagles, 1979 – trái sang: Glenn Frey, Don Henley, Joe Walsh và Don Felder(ảnh: Fotos International/Getty Images)
Từng là cột trụ nhóm James Gang và bản thân chơi solo hard rock nên Joe Walsh đã nhanh chóng “áp” dấu ấn mình vào nhạc của The Eagles. Mỗi lần chúng ta nghe phần intro của bài Hotel California với âm thanh guitar thật tuyệt thì nhớ rằng đó chính là “dấu ấn” Joe Walsh, với sự phụ họa “nhuyễn nhừ” của tay guitar Don Felder.
Ngày nay, với sự tự do dễ dàng truy cập thông tin, chúng ta biết được nhiều hơn về các chàng “Đại bàng”. Cụ thể, nay mới rõ rằng, trong một lúc ngẫu hứng, Joe Walsh và Don Felder cùng khẩy guitar mào đầu và ghi vào băng cassette gửi cho Don Henley và Glenn Frey nghe thử. Chính khúc dạo guitar ấy đã là nốt nhạc đầu mở ra sự chào đời của bài Hotel California. Dấu ấn Joe Walsh càng đậm nét trong bài Victim of Love, ca khúc có thể nói là bài mà The Eagles chơi gần nhất với thể loại heavy metal (trong khi bài tiếp sau, Life in the Fast Lane lại có chút gì đó mang phong cách disco).
Joe Walsh, Los Angeles, 1976 (ảnh: Richard Creamer/Michael Ochs Archives/Getty Images)
Album ghi âm studio thứ năm Hotel California trở thành đĩa nhạc để đời của The Eagles nhờ ba bài: New Kid In Town (ca khúc hạng nhất Billboard Hot 100 vào Tháng Hai 1977); Hotel California (ca khúc hạng nhất Hot 100 vào Tháng Năm 1977) và Life in the Fast Lane (hạng 11). Cả ba ca khúc là bức tranh mô tả những cuộc “rong chơi” phù phiếm thâu đêm ngất trời của giới nghệ sĩ pop-rock Mỹ thập niên 1970. Rượu (Pink Champagne on ice); nhảy múa (How they dance in the courtyeard, sweet summer sweat, some dance to remember, some daance to forget); tiệc tùng (And in the master’s chambers, they gathered for the feast); và cả ma túy (những dòng đầu của bài Life in the Fast Lane).
Trong cơn lốc vui chơi quay cuồng ấy, Don Henley bỗng tỉnh thức, hát thật chua chát, báo hiệu rằng rồi đây bữa tiệc vui sẽ tàn, mọi sự hào nhoáng sẽ kết thúc, cuộc sống hưởng thụ kiểu “American Dream” sẽ là chuyện của ngày hôm qua. Đó là The Last Resort, bài cuối của album. Vài tháng sau khi ghi âm hoàn tất album Hotel California, tay guitar bass Randy Meisner rời ban và chỉ bốn năm sau nữa, The Eagles bắt đầu tan rã, để lại bao lưu luyến, tiếc nuối cho giới hâm mộ. “They call it paradise/I don’t know why/You call someplace paradise/Kiss it goodbye” – như Don Henley đã hát.
Album ‘One of These Nights’ (1975) – một kiệt tác nữa của The Eagles (với các ca khúc không thể quên: One of These Nights, Too Many Hands, Lyin’ Eyes, Take It to the Limit…)
Năm 1994, The Eagles tái hợp và tung ra album Hell Freezes Over. Đĩa này có các bài mới, nghe rất hay, từ ca khúc rock Get over it đến bài ballad trìu mến Love Will Keep Us Alive rồi bài country The Girl From Yesterday... Từ thời điểm ấy trở đi, The Eagles trở thành ban nhạc chuyên du diễn và hốt bạc, kể cả sau khi Glenn Frey qua đời năm 2016 vì bệnh đường ruột. Nay người thay chỗ là chính con trai của anh, Deacon Frey. Ngoài ra có thêm một đại bàng mới là nghệ sĩ country tài hoa Vince Gill. Năm 2022 này, The Eagles sẽ lại tung cánh trên các không gian biểu diễn lớn ở London, Dublin, Edinburgh, Liverpool, và nhiều thành phố lớn ở Mỹ.
Nhóm Rascal Flatts trình diễn ‘Hotel California’ vinh danhThe Eagles tại lễ trao giải Grammy lần thứ 49, năm 2007 (ảnh: KMazur/WireImage)
Trở lại với Hotel California. “Hotel California là một đĩa nhạc với nội dung bao trùm lên tất cả những gì nước Mỹ đã có và sắp mất. Nó như một miền Viễn Tây xưa với những chàng cao bồi nhưng là chuyện thực tế của nước Mỹ vào thời điểm 200 năm sau ngày lập quốc” – Don Henley giải thích như vậy với ZigZag, một tạp chí xuất bản bên Hà Lan. “Vì tên nhóm của chúng tôi là đại bàng và đại bàng lại là biểu tượng của nước Mỹ nên chúng tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để ghi dấu 200 năm ngày Mỹ quốc hình thành. Và California chính là miền đất vàng, biểu tượng chung cho toàn nước Mỹ. Chúng tôi muốn gửi đi thông điệp giục mọi người hãy tỉnh giấc mộng đẹp, tự thay đổi cuộc đời và qua đó thay đổi nước Mỹ, nếu không sẽ chẳng còn nước Mỹ tốt đẹp, chẳng còn American Dream nữa”.
Timothy B. Schmit, Glenn Frey và Joe Walsh trong mộtshow tại Washington DC (ảnh: R. Diamond/WireImage)
Với ca khúc Hotel California, đây sẽ luôn là bản thu âm nổi tiếng nhất lịch sử The Eagles. Năm 1998, đoạn coda guitar dài của Hotel California đã được độc giả Guitarist bình chọn là bản độc tấu guitar hay nhất mọi thời. Ca khúc Hotel California đã được trao giải Grammy hạng mục Ghi âm của năm vào năm 1978. Tạp chí Rolling Stone xếp Hotel California ở vị trí thứ 49 trong danh sách “500 ca khúc hay nhất mọi thời đại”. Năm 2015, nó cũng được tạp chí Guitar World xếp vị trí số một trong danh sách những ca khúc thể hiện với guitar 12 dây hay nhất mọi thời. Hotel California đã được trình diễn khoảng 2,204 lần bởi 167 nghệ sĩ khác nhau tính đến cuối năm 2021; trong đó có ít nhất 1,057 buổi biểu diễn live của The Eagles, 202 buổi biểu đơn ca của Don Felder và 187 buổi solo của Don Henley…
Trái sang: Vince Gill, Timothy B. Schmit, Don Henley, Scott F. Crago, Deacon Frey,Joe Walsh và Steuart Smith trong show diễn tại MGM Grand Garden Arena;Las Vegas, ngày 27 Tháng Chín 2019 (ảnh: Ethan Miller/Getty Images)
Đúng như một đoạn trong ca khúc: “We are programmed to receive / You can check out any time you like / But you can never leave!”. Never leave – có lẽ chẳng bao giờ ca khúc này rời khỏi tâm trí người yêu nhạc, cho dù với thế hệ nào, cho dù thế giới có thay đổi ra sao, cho dù ngày mai “My head grew heavy and my sight grew dim”…
P. Nguyễn Dũng / Theo: Saigonnhonews