Monday, January 24, 2022

LOUIS PASTEUR, CHA ĐẺ NGÀNH VẮC XIN CHƯA BAO GIỜ HỌC Y

Chưa bao giờ chính thức theo học y khoa, với những đóng góp to lớn, Louis Pasteur vẫn được coi như một thầy thuốc vĩ đại và được tôn vinh thành "ân nhân của nhân loại".

Chân dung Louis Pasteur. Ảnh: Nadar.

Hiếm người cứu sống nhiều sinh mạng hơn Louis Pasteur. Những văcxin ông phát triển đã bảo vệ hàng triệu dân. Nghiên cứu của ông về vi trùng đã cách mạng hóa y tế. Ông còn tìm ra cách thức mới giúp thực phẩm an toàn để ăn. Tờ BBC nhận định, Pasteur đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của nhân loại về sinh học, trở thành "cha đẻ ngành vi sinh vật".

Sinh ngày 27/12/1822 tại Dole, Jura (Pháp), Pasteur vốn là một học sinh bình thường với niềm đam mê dành cho hội họa. Trong khi giáo viên ra sức ủng hộ Pasteur đi theo nghệ thuật, cha ông chỉ coi đó là một thú vui và muốn con chuyên tâm vào việc học tập ở trường. Pasteur từng nói cha ông muốn con "thấm nhuần sự vĩ đại của nước Pháp" ngay từ thuở mới học chữ.

Đến Đại học Strasbourg, Pasteur bắt đầu sự nghiệp hóa học và nhanh chóng gây tiếng vang. Ở tuổi 25, ông mang đến cho nền khoa học cống hiến quan trọng nhất của mình khi chứng minh phân tử giống hệt nhau có thể tồn tại như hình ảnh trong gương.

Nghiên cứu hóa học giúp Pasteur giải được một trong những bí ẩn lớn nhất ngành sinh học thế kỷ 19. Suốt 2.000 năm, con người tin rằng sự sống xuất hiện một cách tự nhiên, bọ chét lớn lên từ bụi còn giòi đến từ xác chết. Bằng một thí nghiệm chuẩn mực, Pasteur chứng minh thực phẩm hỏng do nhiễm vi khuẩn trong không khí. Ông đi đến kết luận những vi khuẩn này có thể gây bệnh. Lý thuyết gây nhiều tranh cãi bởi Pasteur là một nhà hóa học chứ không phải bác sĩ, song lại dẫn đến sự phát triển của thuốc khử trùng nhờ đó thay đổi nền y học mãi mãi.

Chú ý đến Pasteur sau lý thuyết mầm bệnh, Napoleon III giao cho ông xử lý một vấn đề mà ngành công nghiệp rượu vang của Pháp khi ấy đối mặt. Rượu vang của Pháp nổi tiếng khắp châu Âu nhưng rất hay bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Pasteur nhận thấy hiện tượng này do vi khuẩn gây ra và nếu làm nóng rượu đến 55 độ C, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt mà không phá hỏng mùi vị rượu. Ngày nay, quá trình ấy được gọi là tiệt trùng, ứng dụng để bảo vệ thực phẩm khỏi nhiễm bệnh.


Sau rượu vang, Pasteur ra tay cứu ngành công nghiệp tơ nhờ phát hiện tằm bị bệnh do ký sinh trùng. Lời khuyên cách ly, loại bỏ những cá thể mang bệnh của ông đã tạo nên cú hích cho nền kinh tế Pháp. Tiếng tăm của Pasteur ngày càng được củng cố.

Ở tuổi 45, Pasteur bị đột quỵ dẫn đến liệt một phần nửa cơ thể bên trái. Từ lúc này, ông vùi đầu vào công việc để quên đi những mất mát to lớn. Thời đại ấy, trẻ em thường tử vong do những bệnh truyền nhiễm. Bản thân nhà khoa học đã mất đi 3 con gái vào các năm 1859, 1865, 1866 do bệnh thương hàn và ung thư. Pasteur đau đớn đến mức thốt lên "thứ duy nhất có thể mang lại niềm vui là công việc". Bi kịch gia đình trở thành động lực để ông bắt đầu cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm.

Đầu tiên, Pasteur cùng đội ngũ phát triển nghiên cứu về bệnh tả gà. Ông tiêm vi khuẩn tả vào đàn gà, các con vật bị ốm nhưng không chết như mong đợi rồi sau hình thành khả năng kháng vi khuẩn độc lực mạnh. Pasteur nhận ra mầm bệnh yếu có thể giúp động vật tăng cường miễn dịch, tạo nên bước ngoặt tiếp nối thành tựu của Edward Jenner trước đó một thế kỷ.

Pasteur nảy sinh ý định điều chế văcxin cho các bệnh khác. Ông chuyển hướng quan tâm sang bệnh than và tuyên bố tìm ra văcxin hiệu quả trên 31 loại động vật.

Pasteur tiếp tục với bệnh dại, căn bệnh với các triệu chứng khủng khiếp dẫn đến cái chết đau đớn kéo dài. Ông gặp Joseph Meister, một cậu bé bị chó dại cắn. Khi đó chẳng ai chắc chắn Joseph sẽ mắc bệnh dại nhưng Pasteur vẫn liều lĩnh thử văcxin trên cậu bé dù trước đó chưa từng tiêm cho người. Kết quả, Joseph sống sót. Cuộc thử nghiệm văcxin đầu tiên trên người ngày 6/7/1885 thành công dù vấp phải nhiều phản ứng rằng Pasteur vi phạm đạo đức nghề nghiệp do không có giấy phép hành nghề y.

Louis Pasteur trong phòng làm việc. Tranh: A. Edelfeldt.

Kết quả nghiên cứu về bệnh dại được Pasteur trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vào ngày 1/3/1886. Nhân dịp này, ông đề nghị thành lập cơ sở sản xuất văcxin chống bệnh dại. Năm 1887, Pasteur nhận 2 triệu Franc Pháp tiền quyên góp. Đến năm 1888, Tổng thống Sadi Carnot cho xây dựng Viện Pasteur đầu tiên tại Pháp rồi mở rộng sang các vùng thuộc địa như Senegal, Bờ biển Ngà. Tôn chỉ của Viện Pasteur từ đó đến nay không thay đổi: nghiên cứu chế tạo văcxin và thực hiện tiêm phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Thành tựu nổi bật đầu tiên của Viện Pasteur là xác định cơ chế gây bệnh của bệnh bạch hầu. Công trình do Emile Roux cùng Alexandre Yersin thực hiện đã đưa đến phương pháp chữa trị và cuối cùng là văcxin. Ngày nay, 85% trẻ em toàn thế giới được tiêm chủng văcxin bạch hầu.

Pasteur điều hành Viện Pasteur Paris cho đến khi qua đời vào ngày 28/9/1895 ở tuổi 72. Thi hài "anh hùng quốc gia" được chôn cất ở Nhà thờ Đức Bà rồi chuyển sang trụ sở Viện Pasteur. Năm 1940 khi phát xít Đức xâm chiếm Paris, người gác cổng Viện Pasteur chính là cậu bé Joseph ngày trước đã kiên quyết không mở hầm mộ. Joseph đã tự vẫn để không bao giờ xúc phạm đến thi hài ân nhân của mình.

Giờ đây, Louis Pasteur được nhớ đến như một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông tiếp tục cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Ngày 17/02/2016, "cha đẻ ngành vi sinh vật" được UNESCO ghi vào danh sách "Ký ức Thế giới", trở thành nhà khoa học thứ 4 trên thế giới nhận vinh dự này.

Minh Nguyên / Theo: Vnexpress