Ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cứ vào mùa lũ rút, nội đồng bắt đầu khô cạn, cá rút xuống ao đìa, sông rạch trú ẩn cũng là dịp để bà con tát đìa bắt cá, tôm và nhiều loại khác như rắn, rùa, cua, ếch , ốc.
Nói đến ốc lúc này nhiều người chê vì cho rằng bắt ốc làm gì phải xách mỏi tay. Tuy nhiên, chỉ có dân “ghiền” hay người sành điệu, biết thưởng thức mới bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp chờ những tháng khô hay những ngày Tết mới dùng đến.
Không phải loại ốc nào cũng có thể làm thành ốc treo giàn bếp. Mà ốc lác mới chính là lựa chọn duy nhất để làm được món ăn này. Bởi ốc lát có thịt ngọt, dai sần sật, thân hình to béo, chắc khỏe; có đặc tính sống rất lâu, dù trong môi trường sống không thuộc về mình. Khi bắt được ốc lát, người ta rửa thật sách ốc rồi cho vào giỏ đan tre, treo lên trên bếp, ở nơi mà khói bếp hằng ngày có thể xông hơi lên chỗ ốc lát.
Cũng chính vì thời gian để ăn được ốc treo giàn bếp khá lâu, nên giá thành của ốc treo giàn bếp cũng không thấp. Nếu ốc lát bắt được ở nội đồng bán có giá dưới 20.000 đồng thì ốc treo giàn bếp có thể có giá đến 50.000 đồng.
Món ngon khó cưỡng
Mùa nào cũng vậy, ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Ốc lác treo giàn bếp để lâu 4-5 tháng vẫn sống. Ốc treo giàn bếp béo mập, để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu.
Ốc lác treo giàn bếp thường lựa loại to, khi cần sử dụng con nào cũng mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Chuẩn bị cho một buổi tiệc, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, ta sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước.
Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.
Những con ốc đã chín trốc mày, mề ốc vàng, mình ốc trắng tươi như bông bưởi nhìn thật bắt mắt. Nêm tí nước mắm sả ớt, nặn thêm chút chanh rồi nhanh tay bưng húp nhẹ miếng nước ốc, ngọt vô cùng. Mình ốc mềm mụp, chấm vào nước mắm sả ớt thật ngon tuyệt.
Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng.
Khi này muốn dùng ốc lát, chúng ta chỉ cần rửa sạch, cho ốc vào nồi rồi luộc khoảng 20 phút. Đến khi mài ốc hở ra thì dùng được. Những ốc lát chín đều sẽ mề màu vàng, thân trắng muốt, chấm với nước mắm chua ngọt thì ngon không sao tả được. Ngoài ra, ốc treo giàn bếp còn được nhiều người chế biến theo kiểu hấp sả, nước ngọt từ món ốc này sẽ rất thanh đạm, bổ dưỡng. Như thế những món ăn ở Đồng Tháp chế biến từ ốc treo giàn bếp rất phong phú, mang lại nhiều trải nghiệm khó quên đối với những ai có dịp thưởng thức.
Ái Vy
Theo: Làng Việt online