Thursday, December 8, 2022

KOSOVO, CRIMEA VÀ NHỮNG "TIỀN LỆ" NGUY HIỂM

Ngày 24/3, có một sự trùng hợp tình cờ khi Nga ký Hiệp ước công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của nước này cũng chính là ngày thế giới kỷ niệm 15 năm NATO ném bom Nam Tư – mở đầu “tiền lệ” Kosovo.


Đã 15 năm trôi qua nhưng những cuộc thảo luận của giới học giả chính trị quốc tế về tính hợp pháp, hay nói cách khác là sự sai lầm của NATO khi sử dụng một chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn để chấm dứt sự kiểm soát của Serbia đối với tỉnh Kosovo và mở đầu cho sự ly khai dẫn đến việc thành lập một nhà nước Kosovo độc lập vào năm 2008 – vẫn chưa kết thúc.

Bước sang năm 2014, những cuộc thảo luận này lại có thêm một trường hợp nữa để tranh cãi khi Crimea chính thức tuyên bố ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Bất chấp sự phản đối và cả những biện pháp trừng phạt, cô lập về kinh tế, ngoại giao của Mỹ và EU, Nga khẳng định việc họ làm là hoàn toàn tuân thủ theo các luật pháp quốc tế đồng thời “phản công” lại rằng chính Mỹ và NATO mới là những kẻ “thường xuyên bỏ qua luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình bằng con đường bạo lực”.

Nếu ngẫm nghĩ những tuyên bố trong bài diễn văn lịch sử của ông Putin trước Quốc hội Nga hôm 18/3 vừa qua thì có thể tạm hiểu rằng Nga đang hành động theo chính những “tiền lệ” mà Mỹ và phương Tây đã tạo ra trước đó.

Tất nhiên, sự việc Kosovo và Crimea không hoàn toàn giống nhau. Điều quan trọng là Nga đã sai khi tách Crimea ra khỏi Ukraine cũng giống như trước kia phương Tây đã rất sai lầm khi can thiệp quân sự vào Serbia và công nhận sự độc lập của Kosovo.

Tuy vậy, đến giờ này Mỹ và phương Tây đang khó lòng có thể phủ nhận rằng Kosovo đã tạo ra một tiền lệ để những “ông lớn” khác khai thác khi cần thiết. Việc khởi tạo ra cuộc chiến tranh Kosovo và sau đó là công nhận sự độc lập của vùng lãnh thổ này có thể hiểu theo một công thức đơn giản rằng: Một nhà nước hay một nhóm các nhà nước (Mỹ và NATO) có thể bất hợp pháp ép buộc một nước khác (Serbia) yếu hơn, từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với một phần trong lãnh thổ của họ (Kosovo) để giải quyết một vấn đề nội bộ nào đó. Sau đó, các “ông lớn” này sẽ tác động để phần lãnh thổ đó ly khai, tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương.

Theo tác giả Daniel Larison viết trên tờ “The American Conservative” – tạp chí của Viện Tư tưởng Hoa Kỳ - ở Crimea, Nga đang áp dụng đúng chiêu bài này của phương Tây để “tát vào mặt EU và Mỹ”, một phần là vì Moscow nhìn thấy cơ hội để trả miếng phương Tây sau vụ can thiệp quân sự vào Kosovo hồi năm 2008 và coi đây là một “đòn đánh” để cả thế giới nhìn thấy cái gọi là “tiêu chuẩn kép” (mình làm thế được nhưng người khác không được phép làm thế) của Mỹ.

Sự can thiệp vào Kosovo là một trong những ví dụ nghiêm trọng nhất của “tiêu chuẩn kép” của phương Tây về luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia trong suốt 25 năm qua. Nó cho thấy, bất cứ khi nào một “tiền lệ” hay một tiêu chuẩn kép nào đó được các nước lớn lập ra, vẫn đề còn lại chỉ là thời gian và hoàn cảnh để một chính phủ khác sử dụng nhằm biện minh cho sự can thiệp của họ vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.


Trở lại với vấn đề Ukraine và Crimea. Nhà báo Daniel Larison viết trên tờ “The American Conservative” rằng, ngoài chuyện “tiền lệ” thì Nga cũng có nhiều lý do khác để “thu nạp” Crimea bất chấp việc Kosovo có xảy ra hay không.

Nga đã hành động vì những lý do riêng của mình để đáp ứng với một loạt các sự kiện cụ thể, vì vậy nước này hoàn toàn có thể hành động theo “kiểu NATO” giống như những gì khối này đã làm ở nơi khác. Mặc dù vậy, cuộc chiến tranh Kosovo 15 năm trước, thực sự là một sự nhạo báng đối với các cam kết của phương Tây về luật pháp quốc tế.

Thực tế là NATO tiến hành các cuộc chiến tranh bất hợp pháp cũng đã tạo cho Nga một lý do mới về sự cảnh báo đối với ý độ mở rộng NATO về phía Đông (nhằm bao vây Nga). Trong trường hợp này, Nga hoàn toàn có thể hành động để “phòng thủ từ xa” và kết quả là Ukraine bị “tan đàn xẻ nghé”.

Sự nguy hiểm của thiết lập tiền lệ là việc chính các cường quốc như Mỹ và NATO không thể ngăn chặn các chính phủ khác “sử dụng ví dụ Kosovo” để biện minh cho hành động bất hợp pháp của họ.

“Mỹ và NATO đã sai, Nga cũng đã sai và những người chọn sử dụng “tiền lệ Kosovo” cho mục đích riêng của họ có thể sẽ phải hối tiếc sau này”, Daniel Larison kết luận.

Lương Minh / Theo: infonet
(26/03/2014)
Link tham khảo: