Monday, February 19, 2024

BÀI THƠ THIÊN CỔ "DU TỬ NGÂM" ĐÃ ĐƯỢC VIẾT NHƯ THẾ NÀO?

Ai nói lòng tấc cỏ, báo được nắng ba xuân – Những vần thơ về tấm lòng hiếu thảo trong sáng của thi nhân khiến thiên hạ trên dưới đều đồng cảm, trở thành áng thơ bất hủ qua các thời đại.


“Du tử ngâm” (Khúc ngâm của đứa con lãng du) được viết bởi Mạnh Giao, một thi nhân giữa thời Đường. Mạnh Giao, tự Đông Dã, sinh vào năm Thiên Bảo thứ 10 ở Vũ Khang, Hồ Châu (còn gọi là Lạc Dương). Ông cá tính ngay thẳng chính trực, hơi gàn dở, có thiên phận nghệ thuật trong thi ca. Các nhà phê bình cho rằng phong cách thơ của ông cổ xưa và thanh đạm, Hàn Dũ tán thưởng bài “Thiên ba thổ kỳ phân” của Mạnh Giao.

Mạnh Giao trong đời đã viết hơn 500 bài thơ, trong đó, “Du tử ngâm” nổi danh qua ngàn năm. Mỗi năm vào Ngày của Mẹ, sự ái mộ đối với bài thơ lại càng tăng, càng khiến người ta cảm động. Mạnh Giao làm sao có thể viết được bài thơ bất hủ này? Nó thực sự phản ánh câu chuyện cuộc đời ông, ngưng đọng nỗi lòng nửa cuộc đời ông.

Cha của Mạnh Giao là huyện úy Côn Sơn, một chức quan phụ tá cho huyện trưởng thời cổ, quản lý việc tróc nã đạo tặc, điều tra phạm pháp tác loạn, duy hộ trị an của địa phương. Mẹ của Mạnh Giao quán xuyến việc nhà, tự thân làm mọi việc, sống đạm bạc. Cuộc sống của gia đình họ không thể gọi là khá giả, thậm chí nói là nghèo khó cũng không ngoa. Gia cảnh bần cùng không khiến Mạnh Giao cúi đầu, cũng không thể hạn chế tài năng thi phú tràn trề của ông, ông đã hoàn thành rất nhiều bài thơ. Tuy nhiên, Mạnh Giao không có ý định theo đuổi sự nghiệp khoa cử sĩ đồ, khi còn trẻ sống ẩn cư trong núi Tung Sơn, tự xưng Xứ sĩ.

Mạnh Giao có một bài thơ “Du Trung Nam sơn”, trong đó viết “Đáo thử hối độc thư, triêu triêu cận phù danh”. Hiển nhiên, ông thích lối sống chất phác, an nhiên tự tại trong thiên nhiên, công thành danh toại trong thiên địa chỉ như một làn khói thoáng bay qua mắt.

Tuy nhiên, Mạnh Giao trong tâm vẫn luôn bận tâm đến nỗi vất vả của cha mẹ mình, năm tháng trôi qua, sự bận tâm đó ngày càng thâm sâu. Là một ẩn sĩ lang thang như đám mây phiêu bạt, cuộc sống của ông không an ổn, không thể báo đáp cha mẹ. Câu thơ tự họa “Nhất sinh không ngâm thơ, bất cảm thành bạch đầu” (Một đời chỉ ngâm thơ, không ngờ đầu đã bạc) của ông phản ánh điều gì, bận tâm điều gì? Hóa ra ông nhớ đến cha mẹ, không muốn làm họ thêm lo lắng, ở tuổi gần bốn mươi, cuối cùng ông cũng hướng đến con đường khoa cử.

Vào năm Đường Đức Tông Trinh Nguyên thứ bảy, Mạnh Giao trở về cố hương Hồ Châu, ông được châu huyện tuyển cử, liệt kê trong danh sách hương cống của triều đình. Tuy nhiên, trong hai năm tiếp theo, ông lên kinh đô tham gia khoa cử đều lạc bảng.

Được mẹ khuyến khích, Mạnh Giao tham gia kỳ thi lần thứ ba, cuối cùng đăng bảng tiến sĩ. Ông khi đó đã bốn mươi lăm tuổi.

Tràn đầy hiếu tâm, bài thơ lưu thiên cổ “Du tử ngâm”

Niềm vui đăng tiến sĩ không thay đổi được tính cách cô trực của Mạnh Giao, ông không chạy theo đám đông, không để ý đến ánh mắt của kẻ quyền quý. Trước khi được phong quan, ông rời Trường An về quê. Vào năm Trinh Nguyên thứ mười bảy (năm 801), Mạnh Giao khi đã 50 tuổi, được phong làm huyện úy huyện Lật Dương (nằm ở phía tây huyện Nghi Hưng, Chiết Giang). Mặc dù chỉ là quan phụ tá, nhưng cuối cùng ông cũng có được thu nhập ổn định lần đầu tiên trong đời, có thể mua một mẫu ruộng xấu, dựng được một ngôi nhà đơn giản. Lúc này, Mạnh Giao cuối cùng cũng có thể hoàn thành tâm nguyện báo đáp công ân cha mẹ, có thể đón mẹ về phụng dưỡng. Bài thơ nổi tiếng “Du tử ngâm” của Mạnh Giao được viết để nghênh tiếp mẹ khi ông đang giữ chức huyện úy huyện Lật Dương. Bài thơ viết:


Từ mẫu thủ trung tuyến, 
Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng, 
Ý khủng trì trì quy. 
Thùy ngôn thốn thảo tâm, 
Báo đắc tam xuân huy.

遊子吟

慈母手中線
遊子身上衣
臨行密密縫
意恐遲遲歸
誰言寸草心
報得三春暉

Tạm dịch

Sợi chỉ trong tay mẹ, con đi mặc trên thân.
Đường chỉ giăng khin khít, như sợ con chậm về.
Ai nói lòng tấc cỏ, báo được nắng ba xuân?


“Thốn thảo tâm” trong bài thơ biểu hiện công sức nhỏ bé của con cái phụng dưỡng, báo ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mạnh Giao khi đã ngoài năm mươi tuổi, đã có thể phụng dưỡng cha mẹ, “Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy” dường như muốn nói thay cho ông: Chút hồi báo như thế này có đáng kể gì so với công lao chăm sóc vô tư vô tận của cha mẹ? “Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” – công đức cha mẹ bao la như trời biển, muốn đền đáp cũng không có cách nào.

Mạnh Giao trải qua nửa đời trong khổ hạnh, nhìn thấy ân đức của cha mẹ cuối cùng cũng được chút báo đáp, trong lòng bỗng chợt hoan hỉ, đó là vinh dự gấp bội của bản thân ông! “Du tử ngâm”, xuất phát từ chiêm nghiệm nửa cuộc đời của Mạnh Giao, đã được truyền tụng hàng nghìn năm, trong ngôn từ có hạn mà biểu đạt ý tứ vô cùng. Cuốn “Thoại tử viên thi thoại hựu biên” của Hạ Thường thời nhà Thanh đã ca ngợi bài thơ này là “Đệ nhất toàn Đường”. Những vần thơ về tấm lòng hiếu thảo trong sáng của thi nhân khiến thiên hạ trên dưới đều từ bản tâm thiện lương mà đồng cảm, trở thành áng thơ bất hủ qua các thời đại.


Tài liệu tham khảo: “Tân Đường thư”, “Toàn Đường thi”, “Đường tài tử truyền”

Doãn Gia Huy, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch