Sunday, July 24, 2016

KHỔNG HỌC ĐĂNG (孔學燈)

Mấy tháng trước tôi có post một bài giới thiệu về Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long. Người chủ xướng xây dựng công trình này là Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông.


Hôm nay tôi đọc được một bài của anh Bulukhin Nguyễn giới thiệu về quyển Khổng Học Đăng (孔學燈 ) do cụ Sào Nam-Phan Bội Châu (巢南-潘佩珠) viết. Trong phần mở đầu cụ viết: "Nếu ai chưa đọc quyển sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay, thời xin chớ đọc".

Mời các bạn đọc để thấy cái thâm thúy của các cụ ngày xưa. (LKH)

.....

Ai viết sách cũng muốn sách mình có nhiều người đọc, riêng cụ Sào Nam Phan Bội Châu với quyển Khổng Học Đăng thì không hẳn thế...
Khổng Học Đăng (孔學燈) là đèn Khổng học, với bốn nguồn sáng là Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử. Theo cụ Phan thì bản thân tư tưởng Khổng học chính thống là một hệ thống triết học mang tính nhân bản rất sâu sắc, phát huy được những phẩm chất cao cả của con người, nhằm phục vụ cho một cuộc sống tốt đẹp của một xã hội bình đẳng.


Dưới đây bu tui chép lại phần Phàm lệ (trang 13, 14) của bộ sách Khổng Học Đăng (941 trang), nxb Văn hóa Thông tin 1998.
KHỔNG HỌC ĐĂNG (孔學燈)
PHÀM LỆ (凡例)
1- Mục đích người làm bản sách này là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc.
2- Lại cốt phát huy chân lí để duy trì nhân tâm; bởi vì nhân tâm còn xấu thời thế đạo chẳng bao giờ tốt. Vậy nếu ai đã mất hết nhân tâm thời chắc không muốn đọc bản sách này, mà tác giả cũng xin chớ đọc.
3- Tác giả lại muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải là trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho đến tinh thần thời ví như làm nhà: học cũ là nền tảng mà học mới tức là tài liệu; hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà; và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách này là muốn điều hòa học cũ với học mới; hai bên tương thành cùng nhau mà quyết không tương phản.


Nếu ai chưa để mắt vào bản sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới, hễ có ý ấy thời xin chớ đọc.
4- Tác giả nói học cũ là nói chân lý của Á Châu từ thuở xưa; nói học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.
Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu! Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hót gạt mề đay kim khánh đâu! Vậy nên tác gỉa xin thề trước với ba hạng người


a- Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng;
b- Hạng người muốn lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc
c- Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân.
Ba hạng người ấy, tác giả xin chớ đọc quyển sách này; mà tác gỉa cũng chắc trước rằng họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái giá trị rất cao, là muông chim, là lục súc, là ma quỷ, yêu tinh, thời bản sách này nói nhân đạo họ đọc làm gì?
5- Hễ ai đọc bản sách này, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: “Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta Khang Đức (Immanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền, ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi”. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách này mới thích.


Nếu ai chưa đọc quyển sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay, thời xin chớ đọc.
Huế, mùa xuân Kỷ Tỵ (1929)
SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU


Bulukhin Nguyễn
(Sưu tầm trên mạng)