Có một vị cư sĩ đến chùa lễ Phật xong, liền đến nhà khách nghỉ ngơi. Vừa ngồi xuống, bèn nghe thầy Tri khách trẻ tuổi đứng bên cạnh thiền sư Vô Đức tuổi đã già, nói :
- Thưa thầy ! Có khách đến, mời thầy châm trà !
Lại nghe thầy Tri khách trẻ tuổi gọi :
- Thưa thầy ! Bụi nhang trên bàn Phật quá nhiều, xin thầy lau chùi sạch sẽ ! Bình hoa trên bàn quên châm nước ! Giờ ngọ nhớ mời khách dùng cơm !
Cư sĩ thấy thầy Tri khách chỉ huy thiền sư Vô Đức già, một chút chạy qua Đông, một chút chạy qua Tây, bèn hỏi thiền sư Vô Đức :
- Bạch thầy ! Thầy Tri khách vừa sai bảo thầy làm việc, có quan hệ gì với thầy không ?
Thiền sư Vô Đức :
- Ông ấy là đệ tử của ta.
Cư sĩ không hiểu thế nào, hỏi :
- Thầy Tri khách trẻ tuổi đã là đệ tử của thầy, vì sao đối với thầy không lễ phép như thế ? Một chút sai thầy làm việc này, một chút sai thầy làm việc nọ ?
Lão thiền sư rất vui vẻ, nói :
- Ta có đồ đệ tài năng như thế, đó là phước của ta, khi khách đến, chỉ cần ta mời trà không cần ta giảng dạy; bình thường hương trên bàn Phật hoặc thay nước đều là ông ta làm, ta chỉ lau quét bụi bặm thôi. Ông ấy chỉ bảo ta mời khách ở lại dùng cơm mà không bảo ta nấu cơm, nấu trà. Trong chùa từ trên xuống dưới tất cả đều do ông ta sắp đặt. Ông ấy để cho ta được bình yên, nếu không ta rất khổ !
Cư sĩ nghe xong vẫn chưa hiểu, lòng còn hoài nghi, hỏi :
- Chẳng hay các thầy già lớn hay nhỏ là lớn ?
Thiền sư Vô Đức nói :
- Đương nhiên già là lớn, nhưng nhỏ cũng hữu dụng chứ !
Lời bình :
Tục ngữ có câu : “Hòa thượng muốn được già, già rồi mới là quý”. Cư sĩ cúng dường tăng chúng, đa số là cúng người già chứ không cúng người nhỏ, hộ trì tăng chúng cũng hộ trì người già mà không hộ trì người nhỏ. Bởi vì tâm của người cư sĩ đều cho người già là lớn, bé là nhỏ mà không biết rằng vương tử tuy bé nhưng sau này có thể thống lãnh quốc gia. Sa-di tuy nhỏ, tương lai sẽ thành pháp vương !
Như thiền sư Vô Đức không dám khinh kẻ hậu học, mà nhìn qua một khía cạnh khác, tùy duyên biết đủ, đó là cái nhìn bình đẳng của thiền.
(theo Giai thoại Thiền)