THUẬN THIÊN CÔNG CHÚA HAY THUẬN THIÊN HOÀNG HẬU
Là con gái trưởng của vua Lý Huệ Tông, công chúa Thuận Thiên không được vua cha truyền ngôi, Bà cũng ít được sử sách đời sau nhắc đến nhưng có lẽ cuộc đời Bà cũng đau đớn trong những bi kịch riêng – chung chẳng kém gì em gái là Lý Chiêu Hoàng. Thế chỗ của em gái trong một cuộc tráo đổi hôn nhân đẫm nước mắt, Bà trở thành vợ Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông và bà Hoàng hậu đầu tiên của nhà Trần chính là người sinh ra Thái tử Hoảng tức vua Trần Thánh Tông và Anh hùng dân tộc Thượng tướng Trần Quang Khải.
“Mùa hạ, tháng 6, hoàng trưởng nữ sinh ở bãi Cửu Liên, sau phong làm công chúa Thuận Thiên”. Vẻn vẹn một dòng chữ trong Đại Việt sử ký toàn thư nói về sự ra đời của Bà – trưởng nữ của vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung (Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung - người mà sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng: “trời sinh ra để mở cơ nghiệp nhà Trần”).
Cuộc đời sóng gió của công chúa Thuận Thiên bắt đầu ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Khi Hoàng hậu Trần Thị Dung mang thai cũng là năm giằng co quyết liệt giữa Đàm Thái Hậu, tôn thất nhà Lý và phe cánh họ Trần. Thái hậu nhà Lý lúc bây giờ coi Trần Tự Khánh là giặc, Trần Thị Dung là nội ứng của giặc nên tìm mọi cách để giết hại. Để cứu bà Trần Thị Dung và bào thai trong bụng, vua Lý Huệ Tông đã cùng Trần Thị Dung trốn đến chỗ Trần Tự Khánh. Và công chúa Thuận Thiên được sinh ra ngay ở bãi Cửu Liên (cạnh sông Hồng, thuộc địa hạt Văn Giang, Hưng Yên), nơi đóng quân của Trần Tự Khánh..
Năm 6, 7 tuổi, công chúa Thuận Thiên đã phải lấy Phụng Càn Vương Trần Liễu. Không thấy sử sách chép gì về những tháng ngày Bà làm vợ Trần Liễu, nhưng có lẽ là căn cứ vào thái độ phẫn uất của Trần Liễu sau này khi phải nhường vợ cho Trần Cảnh, một vài cuốn sách dã sử dự đoán: Thuận Thiên đã được Trần Liễu nhất mực thương yêu và chăm sóc chu đáo.
Lần thứ 2, Đại Việt sử ký toàn thư lại viết về công chúa Thuận Thiên “Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237): Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh Vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.
Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang được 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kín với Vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu hội quân ra sông Cái làm loạn.”
Đây là thời điểm bi kịch nhất của cả 2 công chúa nhà Lý, mà cũng có thể gọi là bi kịch của cả 4 người: 2 chị em công chúa nhà Lý và 2 anh em Trần Liễu – Trần Cảnh. Đây cũng là đoạn đời sóng gió nhất của công chúa Thuận Thiên. Bụng Bà đang mang thai con của Trần Liễu nhưng bị ép trở thành vợ của Trần Cảnh tức Hoàng đế Trần Thái Tông. Chồng cũ vì thương vợ mà phẫn uất đem quân nổi loạn. Chồng mới đang là Hoàng đế nhưng uất hận vì không muốn làm điều không phải với anh trai, lại cũng không muốn dứt tình với Lý Chiêu Hoàng nên muốn từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử. Còn em gái thì bị truất ngôi hoàng hậu, đưa ra khỏi cung. Chịu ngần ấy thứ, hẳn Thuận Thiên phải quằn quại trong đau đớn. Nhưng rồi Bà đã phải chấp nhận vì lợi ích của hoàng tộc. Sau này, theo tư liệu từ một số cuốn sách, Hoàng hậu Thuận Thiên đã phải cố gắng dung hoà, sao cho giữa An Sinh Vương Trần Liễu và Hoàng đế Trần Thái Tông không xảy ra xung đột. Lại phải ứng xử với em gái Chiêu Thánh sao cho đỡ tủi hờn.
Khi còn ở với Trần Liễu, Bà đã sinh được một con trai là Trần Doãn. Sau đó lúc đã lên ngôi Hoàng hâu, Bà sinh Hoàng tử trưởng là Trần Quốc Khang (về danh nghĩa là hoàng tử con vua Trần Thái Tông nhưng thực chất lại là con Trần Liễu)
Có lẽ nhờ tấm lòng của Hoàng hậu Thuận Thiên nên Trần Thái Tông yêu thương Trần Quốc Khang như con đẻ dù không lập làm Thái tử. Có một câu chuyện vẫn được sử sách lưu truyền:
“Quốc Khang thường cùng em là Thánh Tông chơi đùa trước mặt Thượng hoàng. Thượng hoàng mặc áo bông trắng, Quốc Khang múa kiểu người Hồ, Thượng hoàng định cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua Thánh Tông thấy vậy cũng múa kiểu người Hồ để đòi thưởng áo bông. Quốc Khang bèn nói: “Quý nhất là ngôi vua, con đã không tranh với em rồi. Nay Đức chí tôn cho con thứ nhỏ mọn này mà em cũng muốn lấy sao?”
Thượng hoàng Thái Tông cười nói với Quốc Khang:
Vậy ra con coi ngôi vua cũng chỉ như cái áo choàng này thôi à?
Thái Tông khen Quốc Khang, rồi ban áo cho ông”.
Sau này,Trần Quốc Khang cũng là một tướng giỏi nhà Trần, Ông được phong làm Vọng Giang Phiêu kỵ đô thượng tướng quân, giữ việc cai trị Diễn châu.
Khi Quốc Khang lên 3 tuổi, Hoàng hậu Thuận Thiên sinh Hoàng tử Hoảng; sau đó lại sinh hoàng tử Trần Quang Khải. Năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. Thái tử Trần Hoảng trở thành vua Trần Thánh Tông, một vị vua mà sử chép là bậc “thần văn thánh võ”.
Hoàng tử thứ 3 của Hoàng hậu Thuận Thiên và Hoàng đế Trần Thái Tông là Trần Quang Khải (Trần Thái Tông còn có thêm các hoàng tử khác như Trần Nhật Duật, Trần Ích Tắc, Trần Nhật Vĩnh, Trần Quang Xưởng... nhưng không phải là con bà Thuận Thiên). Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là đại tướng đời nhà Trần, làm đến chức Tướng quốc đời Trần Thánh Tông, coi cả mọi việc trong nước. Sang đời Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ tư, khi quân Nguyên xâm lăng bờ cõi nước Nam, ông được phong chức Thượng tướng Thái sư, lãnh binh trấn giữ mặt Nam đất Nghệ An, lập công lớn tại Chương Dương Độ. Khi đánh tan quân Nguyên, triều đình xét công, ông đứng vào bậc nhất. Trần Quang Khải là bậc anh hùng dân tộc, một nhà thơ lớn
Khi Hoàng hậu Thuận Thiên mất, điều đặc biệt là dù Bà đã trở thành vợ vua Trần Thái Tông nhưng người dân ở ấp A Sào (xã An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình) vẫn lập miếu thờ Bà cạnh đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu.
Phương Vũ
(Sưu tầm trên mạng)