Thursday, July 21, 2016

KHÔ CÁ LAU KIẾNG


Bây giờ Cần Thơ thay đổi nhiều quá, tôi có một người bạn mới về Cần Thơ cứ ỷ y đây là chốn cũ nên đi thăm một người bạn khác, anh vẫn nghĩ mình còn nhớ như in phố xá Cần Thơ và anh đã đi lạc, không đến được nhà bạn và phải điện thoại kêu bạn ra dẫn mình về. Nhà cửa, phố xá, cầu đường đổi mới, nhiều kiến trúc cao tầng được xây dựng, mọi nơi mọi thứ đều phát triển để bắt kịp trào lưu tiến hóa của xã hội ngày nay, ở đây chúng ta nên đứng về mặt tích cực để đánh giá Cần Thơ.
Xa quê và về thăm lại, có lẽ cái mà người về thích nhất vẫn là muốn ăn lại những món ăn thấm thía tình quê những thứ mà ở nước ngoài có tiền vẫn chưa chắc đã ăn được. Ngoài những món đặc sản đó, bây giờ đồ ăn Cần Thơ có những đột phá mới với những món mà bây giờ mới nghe qua.


Hôm nay đọc bài nói về "cá lau kiếng" những biến chế để làm thành thực phẩm ngon cho mọi người. Tôi hết sức ngạc nhiên, hồ cá ngày trước ở nhà tôi có nuôi mây con cá lau kiềng cở bằng ngón tay, tôi phải mua mỗi con khoảng $10 đô, để nó hút rong rêu bẩn bám trên kiếng, nhỏ xíu như thế mà làm sao mà ăn và đây là một giống thuộc loại cat fish thì chắc chắn là tanh lắm. Lên mạng tìm về loại cá này ở Cần Thơ thì quá là sửng sốt vì con cá lau kiếng to bằng hoặc còn to hơn con cá lóc với kỳ đầy gai coi quái dị. Vậy mà bây giờ nó đang và sẽ trở thành mon ngon đặc sản của Cần Thơ, mời các bạn đọc bài sau đây:

KHÔ CÁ LAU KIẾNG:

“Dạo này tui bán khô cá lau kiếng còn nhạy hơn khô gà”, ông Bửu Việt, chủ quán Ven Sông ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều TP.Cần Thơ đồng thời là cha đẻ loại khô mới lạ này cho biết.


Cũng như con ốc bưu vàng, có thể sắp tới loại cá xấu xí này sẽ trở thành con “xóa đói giảm nghèo” vùng sông nước Cần Thơ, Hậu Giang... Bởi hiện nay, cá nhỏ cá lớn đều “làm” ra tiền.
Vốn mê các loại khô từ nhỏ, nên ông Bửu Việt thử nghĩ ra cách chế biến thành “khô nai nước” từ con cá ô sin, thay vì mang hầm sả, dịp tết Đoan Ngọ vừa rồi.
Chọn phần thịt cá phi lê đem xả tanh, ướp các loại gia vị thông thường gồm: sả (nặng), ớt (nhẹ), rắc ít hạt nêm và đường. Phơi 3 nắng.
Nướng lên vừa vàng rồi ép giập, tỏa hương vị tựa khô nai. Cứ 5 - 6kg thịt cá nguyên liệu, được 1kg thành phẩm.
Một số người dân Tây Đô cho rằng, mặt hàng này có độ ngọt, chắc thịt hơn cả khô thịt gà đất nuôi chuồng. Giá lại rẻ hơn 100.000 đồng/kg (300.000 đồng/kg), nên không ít người chọn dùng.


Mặc dù vậy, vì còn quá mới nên không phải thực khách địa phương nào cũng mỉm cười chấp nhận.
Anh Nguyễn Văn Toản, chủ một quán nhậu bình dân ở quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, mỗi ngày bán khoảng 1kg.
“Khách ăn khen ngon lạ. Hỏi khô gì, tui nói khô cá - hàng xuất khẩu đi Nhật đàng hoàng đó mấy cha!”, anh Toản cười ngất kể.
Trong Hội chợ ẩm thực chủ đề Hương Vị Quê Nhà, tại khách sạn Vân Phát 1, TP.Cần Thơ ngày 20.5.2014, do Ban tổ chức “Chiếc Thìa Vàng” 2014 thực hiện, sản phẩm khô cá lau kiếng được nhiều người chú ý.


Đến cuối ngày thì cháy hàng. “Nhiều người níu áo hỏi mua, nhưng tui còn có 8 ký. Chủ yếu là mấy chủ hàng quán, đầu bếp các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Vĩnh Long..., kể cả Ban tổ chức Cái Muỗng Vàng”, bà chủ quán Ven Sông mừng rỡ kể.
Một đồng nghiệp ở đây cho biết, năm trước, nông dân mỗi khi rải chài xuống sông rạch là dính toàn lũ cá báo hại này.
Họ sợ nó “xanh mặt”, không khác thời xưa dân Bạc Liêu sợ cá chốt nổi đầu từng bầy, rộng vài chiếc đệm.
Báo đài từng cảnh báo đó là, loại cá ngoại lai đáng sợ, do tốc độ sinh trưởng và di cư nhanh, cạnh tranh thức ăn mạnh với nhiều loài thủy tộc bản địa.
Thế nhưng “không đến nỗi đâu!”, ông Bửu Việt nhận định khác. Cũng như con ốc bưu vàng, có thể sắp tới loại cá xấu xí này sẽ trở thành con “xóa đói giảm nghèo” vùng sông nước Cần Thơ, Hậu Giang... Bởi hiện nay, cá nhỏ cá lớn đều “làm” ra tiền.


Cỡ 3 - 4 con/kg, đã lột da, bỏ đầu và nội tạng giá khoảng 35.000 đồng/kg, hợp với các món hầm sả, làm khô. Cá nhỏ hơn thì mang quết chả, giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, tại chợ Thốt Nốt.
Đến nay, ông Bửu Việt đã bán khoảng 70kg khô cá khoái dọn dẹp rong rêu, tương đương cỡ 420kg cá tươi.
Tấn Tới
(Sưu tầm trên mạng)