Sunday, July 31, 2016

NHÂN HUỆ VƯƠNG TRẦN KHÁNH DƯ


Từ bản án thông dâm đến nghề buôn nón, bán than…không nhòe danh “hổ tướng”!
Trần Khánh Dư có công không nhỏ trong công cuộc giữ vững đất nước mở rộng bờ cõi. Ông trực tiếp tham gia kháng chiến chống quân Man, quân Chiêm Thành đặc biệt với 3 lần phá tan quân Mông Nguyên. Tuy là bậc hiền tài, tinh thông thao lược, là một viên hổ tướng dũng mãnh giữa trận mạc nhưng Trần Khánh Dư có vướng vào bản án thông dâm, có “sở thích” nghề nghiệp khiến người đời không ngờ tới.
Bản án thông dâm
Trần Khánh Dư là con trai của Trần Phó Duyệt. Vì mến tài năng, trí lược và những chiến công oanh liệt nên vua Trần Thánh Tông nhận Khánh Dư làm con nuôi, phong làm “Thiên tử nghĩa nam” – Nhân Huệ Vương, Phiêu kỵ đại tướng quân.
Thời gian làm quan trong triều, Khánh Dư có thông dâm với Thiên Thụy (vợ của Trần Quốc Nghiễn, tức con dâu Trần Quốc Tuấn). Sự việc bị lộ, khiến Khánh Dư bị bắt, phải chịu bản án thông dâm. Với tội danh này Trần Khánh Dư sẽ bị xử tội chết. Tuy vậy, việc thi hành án với Khánh Dư là một việc khó bởi có nhiều nguyên do ẩn chứa bên trong.


Theo ý kiến các nhà sử học cũng như tác giả cuốn Đại Việt sử ký đều bàn luận: Nếu không xử Trần Khánh Dư tội chết thì luật pháp không nghiêm và sẽ gây ra nỗi hậm hực của Trần Quốc Nghiễn. Hơn nữa vì vua Thánh Tông phải nể mặt Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người đức cao, có công lao lớn với đất nước. Nhưng không thể giết Khánh Dư vì Khánh Dư là con của Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt và là con nuôi của vua Trần Thánh Tông; Ngoài ra Khánh Dư lại là người có tài, công lao lớn trong các cuộc kháng chiến; Mặt khác trước đây Trần Quốc Tuấn cũng mắc tội thông dâm mà không bị xử, chẳng lẽ bây giờ lại kết tội chết với Trần Khán Dư !.
Vua thương tiếc người con nuôi này nhưng làm cách nào vừa để phạt tội Khánh Dư, vừa giữ vững quân pháp, vừa để Khánh Dư được sống lại vừa làm đẹp lòng phía Trần Quốc Tuấn ?. Lúc này vua Trần Thánh Tông đã ra lệnh dùng cực hình, gán tội thông dâm vào mức phạt 100 trượng, đánh ngay tại bờ Hồ Tây. Theo luật bấy giờ quy định, “đánh 100 roi mà không chết là thiên mệnh cho sống”. Vua Thánh Tông liền ngầm ra lệnh cho quan sai nha đánh chúc gậy xuống khiến Khánh Dư đủ đau chứ không chết. Như vậy mọi người đều công nhận Khánh Dư sống là do thiên mệnh còn soi sáng. Cách này vừa hợp lòng người vừa hợp lòng vua, tuy nhiên Khánh Dư lại bị tịch thu tài sản, phế truất binh quyền, buộc phải về quê cha ở Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống.


Buôn nón, bán than
Theo sử cũ còn ghi, vua Trần Thánh Tông đi dạo, thấy bến Bình Than đẹp nên thả neo đậu ở đó. Vua chiêm bao thấy thuyền lật, đang lúc nguy khốn thì lập tức có một người mặt mũi, dáng vẻ đại tướng đã nâng thuyền lên cứu giúp. Vua giật mình tỉnh dậy mới biết mình nằm mơ. Hôm sau vua đi lên bờ thì gặp trẻ nhỏ hát:
“Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi chi bán đó gửi rằng than…
…Ở với lửa hương cho vạn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan”
Vua hỏi ra thì mới biết câu hát đó là của người bán than, tên là Khánh Dư, họ Trần, là con của Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, sống bằng nghề bán than chứ không sống bằng bổng lộc của cha. Vua nói chuyện thấy tâm đầu ý hợp nên triệu về kinh, qua những trận chiến ác liệt Trần Khánh Dư tỏ ra là một tướng giỏi vua bèn nhận làm con nuôi.
Sau bản án thông dâm, Trần Khánh Dư tiếp tục với nghề bán than. Khi quân Mông Nguyên sang xâm lược nước ta lần nữa, vua Trần Nhân Tông họp ý kiến các tướng soái tại Bình Than. Vua trông thấy chiếc thuyền chở than đi qua liền cho quân đuổi theo gọi lại.


Khi quân gọi thì người bán than mặc áo ngắn, đội nón lá mới trả lời: “Lão là người buôn bán có việc gì mà phải triệu”. Quân về báo lại với vua, vua khẳng định – “đúng là Nhân Huệ Vương đấy, ta biết người thường không dám nói thế”. Vua truyền lệnh ban áo mũ, ghế ngồi cùng bàn việc nước. Lúc này Trần Khánh Dư đã đưa ra chiến lược, kế sách rất hay vừa hợp với vua và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nên Khánh Dư nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ quan trọng dù trước đó ông cùng mấy người hèn hạ, lái đò bán than.
Theo Đại Việt sử ký, dẹp giặc xong Trần Khánh Dư giữ chốt ở Vân Đồn. Vùng đất này lấy buôn bán làm nghề sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng đều theo phong tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân trang thấy vậy liền ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ (chỉ quân phương Bắc). Không thể đội nón của người phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (tên người đan nón), ai làm trái tất phải phạt”.


Vì “tính” kinh doanh vẫn còn nên “Trần Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng”. Lệnh vừa ban ra, liền ngầm sai hai người phao ra tin đồn trong trang rằng: “Hôm qua thấy trước vùng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu đang chuẩn bị bán”. Vậy là dân trong vùng chờ sẵn chuẩn bị tiền mua nón. Ban đầu nón bán rất rẻ, chưa đến một xu. Sau đắt dần lên cứ một cái nón đổi một tấm vải. Dân trong vùng cũng bắt đầu học buôn bán theo, kinh tế phát triển lên.
Không nhòe danh “hổ tướng”
Tuy làm nghề hèn mọn nhất trong “sĩ, nông, công, thương” nhưng Trần Khánh Dư là danh tướng thuộc hàng bậc nhất trong triều. Đại Việt sử ký còn ghi rõ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3: Khi ấy thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương. Nhưng quân mai phục của ta bị lộ nên trúng kế của địch, Thượng Hoàng sai trung xứ xiềng Trần Khánh Dư giải về kinh để trị tội. Khánh Dư nói – “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu búa rìu cũng chưa muộn”.


Trần Khánh Dư liệu biết trước quân giặc sẽ đi qua, thuyền vận tải tất yếu theo phía sau, nên thu thập tàng binh bày trận đợi giặc. “Quả nhiên khi thuyền lương của giặc đến, Khánh Dư bày kế, cho quân phá tan địch lấy hết quân lương, khí giới, bắt sống giặc, thật là thắng lớn không thể kể”, chiến thắng này có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến thắng lợi của quân ta, đè bẹp âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên.
Đấy là tài dùng binh trên chiến trận, ngoài ra Trần Khánh Dư còn là một người uyên thâm về văn sử. Ông cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết nên cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Trong đoạn mở đầu Trần Khánh Dư viết: “Người giỏi cầm quân thì không bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…”. Ông còn phân tích từng chiến lược rất cụ thể, sâu sắc, gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam cát…dùng để trấn ngự phương Hung Nô phương bắc, uy hiếp Lâm Ấp phía Nam.


Cho đến khi đất nước bình yên, Trần Khánh Dư có bỏ tiền khai khẩn đất hoang, lập nên các vùng Trường Yên (Ninh Bình), Lý Nhân (Hà Nam), Ý Yên (Nam Đinh). Quả thật, tuy mắc tội thông dâm, làm nghề bán than, bán nón nhưng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư vẫn không hổ danh là một chủ tướng của nước Việt.
Khánh Linh