Wednesday, February 1, 2017

NHIỀU KHI NẠN NHÂN LÀ....THỦ PHẠM !


Đãng trí là hình ảnh được gán cho người cao tuổi. Từ khi thầy thuốc phát hiện bệnh quên hết mang tên Alzheimer, tình trạng này thậm chí trở thành định kiến về người già, theo đó hễ già phải lú lẫn, càng lớn tuổi phải càng lẫn lộn. Không sai vì người già rõ ràng thường dễ quên. Nhưng nếu tưởng đó là chuyện trời kêu ai nấy dạ thì sai! Càng sai hơn nữa nếu tưởng bộ nhớ của người cao tuổi bị hủy hoại khiến người già thậm chí mất khả năng tư duy. Bằng chứng là người cao tuổi tuy khó nhớ chuyện nóng hổi nhưng lại không quên kỷ niệm xa xưa. Nhiều mô hình nghiên cứu cho thấy người thậm chí đến tuổi 80 vẫn còn khả năng học tập và sáng tạo nếu như họ có cơ hội tập luyện bộ não hàng ngày qua trò chơi ô chữ, học nhạc, vẽ tranh…, thay vì ngồi yên chờ ký ức bị bôi xóa theo dòng thời gian. Nói cách khác, đừng cho não ở không nếu muốn não không mất phong độ.
Có thực mới vực được đạo, não mà suy dinh dưỡng còn gì là não. Nhưng không thiếu dưỡng chất vẫn chưa đủ để đảm bảo chất lượng của chức năng tư duy. Bằng chứng là không thiếu người ngày nào cũng dùng thuốc đa sinh tố – đa khoáng tố, thực phẩm tăng lực… nhưng bộ não vẫn mệt cầm canh, thể hiện qua hình ảnh mau quên, khó tập trung, dễ đau đầu khi cần suy luận và nhất là mất ngủ!


Chức năng tư duy từa tựa như món ăn ngon. Đủ thịt cá hảo hạng nhưng thiếu gia vị thì món ăn có trình bày đẹp mắt thế nào cũng chỉ để làm cảnh! Theo kết quả nghiên cứu ở CHLB Đức, hơn 60% đối tượng không thiếu dưỡng chất vẫn không hài lòng với chức năng tư duy vì gặp khó khăn trong công việc trí óc thường ngày. Tệ hơn nữa là số đối tượng tuy đủ ăn đủ mặc, tuy đang thành đạt nhưng lại rơi vào tình trạng bỗng dưng không muốn gì hết, bỗng dưng hết pin giữa đường, bỗng dưng trống rỗng đầu óc khi cần phải động não. Y sĩ đoàn ở các nước phương Tây ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi từ nhiều năm qua liên tục gióng cao tiếng chuông báo động về “hội chứng mệt mỏi kinh niên” đang phát tán với vận tốc đáng ngại trong giới doanh nhân, thầy giáo, nghệ sĩ…


Rõ ràng là “dưỡng chất” cho não khó lòng được nâng cấp thành “hoạt chất” cho hệ thần kinh nếu dẫn truyền thần kinh lạc đường tín hiệu, nếu tế bào thần kinh rối loạn biến dưỡng vì thiếu dưỡng khí. Đó chính là động cơ tại sao thầy thuốc ở các nước châu Âu, nơi chắc chắn không thiếu thuốc hóa chất tổng hợp, đang đồng lòng trở về với dược liệu thiên nhiên khi điều trị suy nhược thần kinh ở người còn trẻ, bề ngoài coi rất khỏe nhưng “trong héo ngoài tươi”.


Trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng hiện nay nếu không đãng trí mới là chuyện lạ! Đáng nói hơn nữa là nhiều người chưa già càng lúc càng dễ quên, mới nghe đã quên, vừa nói xong cần nhắc lại, rồi vẫn quên! Không có gì khó hiểu. Theo nguyên lý dẫn truyền thần kinh ưu thế của Utomski, tín hiệu nào cũng thế, dù là hình ảnh hay âm thanh, dù là thực thể hay trừu tượng, muốn được đưa vào bộ nhớ phải có cường độ lấn át các kích ứng khác trong cùng thời điểm. Do đó, kích ứng thần kinh càng dồn dập với cường độ tương tranh sát sao thì tín hiệu trước đó dễ bị bôi sạch trong khi tín hiệu vừa đến sau cũng không khá gì hơn! Hậu quả là chẳng có tín hiệu nào biến thành ký ức. Người đang căng thẳng, cũng tương tự như học trò bị hành hạ vì học ngày học đêm lại còn học thêm, tuy nghe nhiều, nhìn nhiều, nhưng nhớ chắng bao nhiêu, thậm chí không nhớ gì hết!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng (06/11/2011)