Friday, April 21, 2017

CẢM NHẬN "NẮNG THỦY TINH"


Năm 1968, tôi 16 tuổi, học lớp đệ tam (lớp 10). Đến lứa tuổi này, tôi bổng nhiên “chựng” lại về tánh tình. Đang là một cậu học sinh tinh nghịch, giỡn vô tư thì bỗng nhiên biết “mắc cỡ” và hơi nghiêm lại. Thưở còn nhỏ, tôi tự học nhạc và đàn hát được (phải gọi là hát hay mới đúng!) những bài hát phổ thông thì nay học đòi theo mấy đàn anh thế hệ trước bỏ hẳn những bài hát trước đây mà tập tành nghe và hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn (TCS), Cung Tiến, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương cho nó “sang”. Cũng nhờ vậy mà tôi tiếp cận được nhạc Trịnh Công Sơn. Thú thật với ngần ấy tuổi và học thức mới chỉ bằng “lá mít”, tôi đến với TCS vì muốn làm “sang”, làm “giá” hơn là cảm nhận được hồn nhạc Trịnh Công Sơn. Lần đầu nghe bài hát Nắng thủy tinh, tôi ngơ ngác: “Nắng thủy tinh là sao?”. Thủy tinh trong suốt, không màu, mà nắng thì phải có màu chứ.

Mãi đến những năm sau nữa, khi yêu lần đầu, tôi mới hiểu hết ý tứ của ca từ: “Màu nắng hay là màu mắt em, Mùa thu mưa bay cho tay mềm, Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm, Rồi có hôm nào mây bay lên.”




Lần đầu tiên của đời mình, tôi bị choáng ngợp vì một đôi mắt trong veo, ngơ ngác, ướt, đen và buồn sâu thằm, tôi thấy rõ ràng có nắng soi vào trong đôi mắt ấy, như muốn làm khô đi những giọt nước mắt cứ như sắp rơi ra. (Sau này, trong cuộc đời, tôi luôn bị ám ảnh bởi những đôi mắt ướt). Ngày khai trường luôn là mùa thu, mưa bay, gió nhẹ, nắng thênh thang, tuổi hồng hân hoan chào bạn mới, trường mới, thầy cô mới. Từ tuổi 15 sang tuổi 18, biết bao đổi thay đến ngạc nhiên. Từ một cô bé gầy gò, ngơ ngác, em trở thành thiếu nữ má đỏ môi hồng. Từ một cậu bé tung tăng quần đùi đá banh, tắm sông tôi trở thành chàng trai cao lên hẳn, lơ ngơ với tiếng vỡ giọng khàn khàn. Chúng tôi không còn sự hồn nhiên như thời học lớp đệ tam nữa, mà đã bắt đầu thấy ngượng ngùng khi tình cờ đụng vào nhau, khi nhìn nhau thấy đều khang khác. Có những đứa bạn quá thân từ nhỏ thì vẫn mày – tao hay ông – tôi, bà – tôi, nhưng những người có chút gì đó (tình ý với nhau) thì bắt đầu gọi nhau bằng tên, gọi nhau bằng bạn xưng mình. Những rung cảm đầu đời chớm nở, để lòng ta phơi phới như nắng loang qua thềm cũ, như mây bay lên trong khói chiều. Những đêm nằm ngủ chập chờn tôi mơ được nắm tay “em” rồi bị xử chết đi cũng cam lòng còn ban ngày thì đâu dám đụng chứ nói chi dám nắm tay em. Lỡ khi đụng nhằm tay em, dù chẳng dám nói gì, chỉ thế thôi mà cả hai cùng thẹn thùng bối rối. Đổi lại bây giờ, người trẻ ngày nay, họ mạnh dạn hơn nhiều, internet, điện thoại di động cho họ những cách tỏ tình vũ bão, chóng mặt và táo tợn hơn. Họ không chỉ nắm tay mà đã dám hôn nhau, gọi nhau là ông xã, bà xã và dắt nhau đi vũ trường, nhà nghỉ và chuyện gì tới cũng tới với lứa tuổi tràn trề sinh lực nhưng thiếu vắng kỹ năng sống ấy.



Ngày xưa, tuổi yêu luôn bị cấm đoán khắt khe bởi mọi thứ. Cha mẹ luôn cho rằng chúng ta cần tập trung vào học tập, đậu đại học cứ như là con đường duy nhất để vào đời. Mà duy nhất thật vì nếu thi rớt thì phải đi lính. Thời chiến tranh, di lính là đường cùn của đời mình. Vì nguy cơ bom đạn không thể biết được. Thầy cô cũng chẳng tâm lý đâu, chỉ biết dạy cho hết nội dung, chương trình và cũng chẳng dám khuyên bảo gì về những thắc mắc tâm sinh lý của học sinh mới lớn vì sợ bị mang tiếng, sợ bị cho là “vẽ đường cho hươu chạy”.



Và những con hươu non ngơ ngác cứ thế dại khờ yêu, ngây ngô đi tìm bản thể của mình. Ngày ấy, tình đầu chỉ mong manh và lãng đãng bằng những chiều hẹn hò vội vã, ngồi bên nhau dưới gốc phượng sân trường, mở sách ra vờ trao đổi bài học, để được: “Lùa nắng cho buồn vào tóc em”, để được nắm “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền”, nỗi buồn và sự ưu phiền muôn thưở của tuổi mới lớn khi chưa thể định hình tương lai, chưa khẳng định rõ ràng bản ngã chính mình. Và nhiều khi ngơ ngác, sao cũng là em, cũng là tôi, mà: “Ngày xưa sao lá thu không vàng, Và nắng chưa vào trong mắt em” để mình thấy thương thương nhớ nhớ, thấy quay quắt đợi chờ nhau?



Có nhiều chiều tan lớp, tôi ngu ngơ đứng đợi, chỉ để mong thấy: “Em qua công viên bước chân âm thầm” để thấy áo dài em bay trong nắng thu sang, để lòng tôi náo nức như: “Ngoài kia gió mây về ngàn”, để tim tôi hân hoan như: “Cỏ cây chợt lên màu nắng”.

Khi yêu lần đầu, hình như mọi thứ đều đẹp và lung linh qua lăng kính của tình yêu, ta thấy không gì đẹp hơn đôi mắt người yêu, không gì say đắm bằng cái nhìn của nhau, không gì ấm áp hơn vòng tay và làn môi ấy. Không ai còn ý nghĩa, không gì còn quan trọng, chỉ có ta và tình yêu là tất cả. Nhưng rồi một ngày: “Em qua công viên mắt em ngây tròn”, và tôi cũng đi qua em như cơn gió lạ, cho dù nắng vẫn: “Lung linh nắng thủy tinh vàng” mà “Chợt hồn buồn dâng mênh mang”. Nếu ta biết, tình đầu có khi đó chỉ là bài học vỡ lòng cho tình yêu, hay ta biết đó chỉ là một phép thử của cuộc sống, thì ta sẽ vùi lấp cơn đau trong kỷ niệm để mở lòng đón nhận những chân tình khác. Còn ngược lại, ta vẫn miên man trong nuối tiếc để mãi không bao giờ thấy hạnh phúc nơi đâu.



Thời gian trôi theo bao mùa xuân hoa nở, mùa hạ lá xanh, và “Mùa thu qua tay đã bao lần”, những kỷ niệm xưa vẫn chỉ là kỷ niệm. Một lần qua Huế, tôi ngỡ ngàng khi thấy hàng cây long não hai bên đường đứng như “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, và thấy nắng thật trong, thật tinh khôi như nắng thủy tinh. Tôi chợt nhớ lại phút chia ly em để xuống Sài Gòn học Đại học, khi em ngước nhìn tôi, đôi mắt ướt không rơi lệ vì nắng đã rọi vào ngăn đi những yếu mềm tuổi ngọc. Mỗi lần nghe câu kết: “Để nắng đi vào trong mắt em, Màu nắng bây giờ trong mắt em”, tôi lại nhớ mãi ánh mắt, như có nắng ở trong.



Dù mấy mươi năm trôi đi hay đến phút cuối của cuộc đời, dù cuộc đời xô đẩy, chà đạp, thì tôi cũng giữ những hoài niệm đẹp, trong sáng, để cảm ơn đời đã cho tôi một thời hoa bướm ngây thơ, tôi đã không vội vã buông mình vào những cuộc tình hoang dại như tuổi trẻ ngày nay, tôi cũng không ngu ngơ chỉ vùi đầu đèn sách, tôi đã biết sống và biết yêu cho đúng tuổi của mình. Và yêu là không phải nói lời hối tiếc: Love is not to say you are sorry.


Bác sĩ Lê Trung Ngân