GỎI KHÔ BÒ XƯA NHẤT SÀI GÒN
Để hoài niệm về những món ăn chơi gần nước mía Viễn Đông ngày trước, người ta thường tìm đến số nhà 107 Nguyễn Văn Thủ (phường Đa kao, quận 01) để ăn bằng được món gỏi khô bò xưa nhất Sài Gòn.
Tại sao phải kỳ công đến thế? Những người ưa hoài niệm trả lời rằng: những món ăn nhuốm màu thời gian, người bán dành cả đời người chỉ làm một món, dãi nắng dầm mưa... đã tạo nên đầy đủ gia vị cho món ăn đó, không đáng thưởng thức hay sao?
Trong cái ồn ào của một Sài Gòn ngày trở nên đông đúc, những âm thanh đường phố hầu như không còn nữa, và hàng rong phải bắc cái loa điện thì bạn đừng mơ nghe thấy tiếng “xập xập”, “cách cách” của tiếng kéo cắt gỏi khô bò, đã đi vào bộ nhớ của người Sài Gòn sống buổi giao thời.
Nhưng bạn sẽ nghe thấy âm thanh hiếm hoi đó ở xe gỏi của ông Năm bây giờ. Tiếng kéo của ông không còn mạnh mẽ như xưa nữa, nhưng bàn tay chậm chạp chế biến món gỏi từ đầu đến cuối mà không cần ai phụ là hình ảnh quý giá của quá khứ Sài Gòn trong hiện tại.
Ông Năm rất kiệm lời khi nói về mình và quá khứ. Ông cho biết, có giai đoạn xe gỏi khô bò này bán ngay góc ngã tư Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó thì thuê được mảnh sân của ngôi nhà 107 Nguyễn Văn Thủ này.
Theo hồi ức của một người Sài Gòn xưa thì trước năm 75, gần nước mía Viễn Đông và mâm phá lấu ở góc đường Lê Lợi - Pasteur (quận 01, đối diện với tòa nhà Sài Gòn Center bây giờ) có xe thịt bò khô nổi tiếng của ông Năm. Sau năm 75, ông mới dời về đường Tự Đức (nay đã đổi tên là đường Nguyễn Văn Thủ).
Nếu bình chọn món ăn vặt đặc trưng Sài Gòn nhất thì gỏi khô bò rất dễ nằm đầu bảng. Bởi hiếm có món ăn nào hội tụ được đủ vị chua, cay, ngọt, bùi, mằn mặn như món ăn chơi này. Chưa kể nó còn tạo ra được nét quyến rũ trong cái sự nhai của thực khách: độ giòn tan của sợi đu đủ bào, giòn rụm của hạt đậu phộng, dai dai của miếng khô bò... Tín đồ của món này ăn xong phải uống luôn cả nước gỏi - như một đòn hiểm “đánh gục” cuối cùng thì mới vuốt bụng đứng lên.
Món gỏi khô bò của ông Năm khiến cho các hàng gỏi khác chạy dài ở đằng sau vì ông tạo được nhiều cung bậc cho miếng thịt bò toàn màu đen này. Nếu các hàng gỏi khác thì thịt và gan cùng đen như nhau, mùi khá giống nhau thì miếng thịt bò do ông Năm tạo ra vẫn khác nhau về hương vị và cả độ rắn, mềm.
Đặc biệt miếng gan bò ở đây bùi và béo, thoang thoảng đặc trưng của bò nhưng lại không bị nặng mùi. Miếng gan được chiên vừa độ, không bị đen cháy như nhiều xe khô bò khác ở Sài Gòn.
Gỏi đu đủ khô bò còn hơn thua nhau ở nước trộn gỏi. Hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Ông Năm thì pha giấm, nước tương và nước xốt ớt theo kiểu cũ, từng thứ được xịt vào dĩa gỏi theo thứ tự quen thuộc. Pha nước gỏi theo cách này hơi chậm nhưng bù lại theo sát gu ăn của khách ưa chua nhiều, thích mặn một chút hay thật cay để vừa ăn vừa hít hà.
Ở tuổi 83, ông Năm vẫn chưa chịu cho người khác đứng bán, mà chỉ có thêm người phụ bàn, rửa chén. Bàn tay xập xập chiếc kéo, nếu đếm số lần, chắc sẽ là một con số khổng lồ.
Một quán khá thú vị để khám phá món gỏi khô bò xưa cũ nhất của Sài Gòn. Hương vị của thời gian, bên cạnh vị ngon sẵn có trong ký ức, đôi khi còn là những hoài niệm vô tận...
Giang Vũ
Note: Bài này tôi post đã khá lâu, bây giờ không biết có còn không và nhất là mấy tháng nay có ảnh hưởng tới quán với việc giải tỏa lề đường ở quận 1 hay không?