Friday, April 28, 2017

NGƯU CHỬ GIANG (牛渚江)


Hồi tối xem chương trình "Đừng để tiền rơi" phát sóng 26/04/2017, với câu hỏi cuối cùng thứ 8 như sau: "Hình ảnh dòng sông nào được vua Minh Mạng chọn làm biểu tượng để khắc lên Cao Đỉnh - chiếc đỉnh lớn nhất đặt trong Thế Miếu ở Huế?" - Có 2 đáp án để chọn:

1. Thạch Hãn giang
2. Ngưu Chử giang

Theo phương pháp loại trừ người chơi đã đặt hết tiền vào ô Thạch Hãn giang. Tôi cũng nghĩ vậy vì tôi nhớ có đọc qua một bài thơ của Lý Bạch có nói qua cái tên Ngưu Chử trong bài thơ Dạ bạc Ngưu Chử hoài cổ (夜泊牛渚懷古) để nói về bến trên sông Trường Giang ở TQ. Nhưng cuối cùng đáp án đúng là Ngưu Chử Giang (牛渚江) vì đó là cái tên khác của sông Bến Nghé.

Bây giờ mời các bạn tìm hiểu chút về nó qua bài viết sau đăng trong Cần Thơ Online. (LKH)

Cửu đỉnh
HÌNH ẢNH SÀI GÒN VÀ NAM BỘ TRÊN CỬU ĐỈNH HUẾ

Cửu Đỉnh ở Đại Nội Huế là báu vật bằng đồng vô giá của nước ta. 9 đỉnh: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có khắc 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái v.v... đặc trưng 3 miền Việt Nam, tổng cộng có 153 hình ảnh. Trong sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” (NXB Thi Thức, 1-2011), nhà văn Dương Phước Thu đã có một phát hiện thú vị: Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9: 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn; 9 loài chim; 9 loài hoa, 9 loài cây lương thực... Đất nước Việt Nam ta núi thì nhiều, sông cũng lắm, chọn 9 ngọn núi, 9 con sông thôi là sự lựa chọn rất khó khăn. Vua Minh Mạng chọn khắc những ngọn núi, con sông có vị trí rất đích đáng trong lịch sử dân tộc.

Trong 153 hình ảnh được chọn khắc trên Cửu Đỉnh, có nhiều sản vật chung của cả nước mà Nam Bộ cũng có như cây lúa tẻ, lúa nếp, cá lóc (lục hoa ngư), cá rô (Đăng Sơn Ngư), con ngao, con sò huyết, hoa sen, hoa lài, hoa hồng, quả xoài, quả mít, củ tỏi, củ gừng, củ nghệ... Cùng những hình ảnh lớn như sông, cửa khẩu, khu vực Sài Gòn -Nam Bộ được chọn nhiều hình ảnh rất đắc địa. Trong 9 con sông được khắc trên đỉnh, Sài Gòn - Nam Bộ được chọn 3: Sông Bến Nghé, sông Tiền, sông Hậu. Trong 9 con kênh đào, Nam Bộ được chọn 1: Kênh đào Vĩnh Tế.

Cao đỉnh
Cao Đỉnh là đỉnh lớn nhất trong 9 đỉnh, nặng 2,604 tấn; chiều cao (cả chân): 2,49 mét, đường kính thân 1,61 mét... Đỉnh đặt ở chính giữa. Trên Cao Đỉnh có 17 hình tượng biểu trưng của Đại Việt như: Đông Hải (Biển Đông, thể hiện chủ quyền biển); Mặt trời, Đại pháo, con hổ, con Rồng, cây gỗ Lim.v.v... Núi có Thiên Tôn Sơn tức núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, nơi có Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích Vương triều Nguyễn; Kênh đào Vĩnh Tế, sông Bến Nghé (tức sông Sài Gòn). Ở Nhân Đỉnh còn có Nam Hải (biển phía Nam); ở Thuần Đỉnh có Cần Giờ Hải Khẩu (cửa khẩu Cần Giờ).

Ngưu Chử Giang, tục gọi là sông Bến Nghé, còn gọi là sông Tân Bình vì chảy qua huyện Tân Bình xưa. Khi người Pháp chiếm Sài Gòn và lục tỉnh, họ gọi là sông Sài Gòn. Nguồn sông chảy từ Bương Bầm- Lộc Ninh, chảy song song với sông Bé, về Nhà Bè thì gặp sông Đồng Nai, rồi chảy vào cửa biển Cần Giờ. Sông rộng và sâu, dài khoảng 256 cây số. Từ đầu thế kỷ XIX, nhiều tàu thuyền của các nước và các tỉnh, trấn của Đại Việt ra vào sông này buôn bán tấp nập. Tục truyền, sông gọi là Ngưu Chử vì xưa kia hai bên bờ hoang vắng, có nhiều cá sấu sinh sống, chúng thường đuổi cắn nhau, tiếng kêu như tiếng trâu nghé rống. Còn theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, thì nơi đây có cái bến có nhiều trâu rừng, nghé rừng đến uống nước, mới có tên gọi. Địa danh Bến Nghé cũng được dùng để chỉ thành Gia Định. Thành này xưa tiếp giáp với thủ phủ Sài Gòn và là trung tâm thương mại Chợ Lớn do Hoa Kiều lập nên. Thời vua Tự Đức, 1850, sông Bến Nghé được liệt vào hạng sông lớn, nổi tiếng của đất nước, được đưa vào trong từ điển. Hàng năm triều đình cử quan viên đến tế thần sông. Sông Sài Gòn là con sông có lưu lượng tàu thuyền lưu thông lớn nhất nước ta hiện nay.

Ngưu Chử giang
Vĩnh Tế Hà là kinh Vĩnh Tế. Thời trước, vùng này sình lầy, đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thoại, quê Điện Bàn, Quảng Nam- định cư ở Vĩnh Long, có công phò tá chúa Nguyễn Ánh, được triều đình Huế trọng dụng, phong tước Hầu, dân quen gọi là ông Thoại Ngọc Hầu. Năm 1818, ông được vua Gia Long bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm Long Xuyên và Cần Thơ). Tại đây ông đã thiết kế và đốc suất dân binh đào kênh Đông Xuyên rất lợi ích. Kênh ấy được nhà vua cho gọi theo tên ông là Thoại Hà. Nhân thấy bờ phía Đông gần đây có ngọn Khâu Sơn, vua bèn cho tên là Thoại Sơn để biểu dương công lao của ông. Lập đền thờ sơn thần ở chân núi... Đầu năm 1820, ông lại được lệnh đào con kênh nối từ vùng Châu Đốc đến xứ Hà Tiên. Trong thời gian đào kênh, bà Châu Thị Vĩnh Tế, quê Vĩnh Long, vợ của Thoại Ngọc Hầu, đã hết lòng lo liệu cùng chồng đốc suất dân binh để đào bằng xong con kênh này. Cảm phục trước công sức khó nhọc của bà, sau khi công trình hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên bà đặt cho con kênh này là Vĩnh Tế.

Kênh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi do chính Thoại Ngọc Hầu thiết kế và tự thân vợ chồng đốc thúc 80.000 dân binh làm việc ngày đêm. Qua 5 năm (1820-1824) kênh đào hoàn thành. Con kênh này đem lại lợi ích cho vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc. Khi kênh đào xong, vua Minh Mạng hoan hỉ lắm, sai dựng bia bên bờ sông để ghi sự tích. Kênh Vĩnh Tế lúc mới đào rộng 15 tầm, sâu 6 thước, dài 200 dặm.

Vĩnh Tế hà
Kênh này hiện nhiều đoạn được nới rộng, sâu và dài hơn xưa, chảy từ Châu Đốc, Tri Tôn, tỉnh An Giang, tới Kiên Lương gặp sông Giang Thành chảy tới của Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, cách biên giới 3 cây số. Dưới chân núi Thoại Sơn, nhân dân đã lập đền thờ ông bà Thoại Ngọc Hầu, bốn mùa hương khói tri ân.

Cần Giờ Hải Khẩu (cửa biển Cần Giờ), còn gọi là cửa Ô Cấp được khắc trên Thuần Đỉnh. Cửa rộng 5 dặm, buổi sáng nước sâu 5 trượng 5 thước. Cảng khẩu sâu rộng nên rất thuận tiện cho tàu bè ra vào. Là một cảng thương mại lớn nằm sát nách Trung tâm phố thị Gia Định xưa. Do tính chất quan trọng của cửa biển này, năm Triệu Trị thứ 2, triều đình cho xây thành, đắp lũy bảo vệ, canh gác. Cửa biển Cần Giờ có vị trí chiến lược kinh tế, quốc phòng và lịch sử phong phú của vùng đất Nam Bộ trong buổi đầu mở cõi.

Tiền giang và Hậu giang
Hậu Giang - Tiền Giang, là hai con sông chính chảy qua nhiều tỉnh, bồi đắp phù sa cho cả đồng bằng Nam Bộ. Sông Hậu - Sông Tiền đều bắt nguồn từ sông Mê Công, đoạn rẽ dòng ở gần Thủ đô Pnôm Pênh. Sông Hậu chảy vào nước ta qua xã Khánh An, An Phú, tỉnh An Giang. Từ đây sông chảy qua Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Đến đoạn ngang Phụng Tường, sông chia làm 2 nhánh: Một nhánh dọc theo địa giới Trà Vinh, đổ ra cửa Định An; một nhánh chảy qua huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đổ ra cửa Trần Đề.

Sông Tiền vào Việt Nam tại địa giới huyện Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đến hết huyện Tân Châu thì rẽ ngoặt sang trái, đi sâu vào địa bàn Đồng Tháp, xuống Cái Bè, Tiền Giang. Từ đây sông Tiền chia làm 2 nhánh: Nhánh phải là sông Cổ Chiên là biên giới Bến Tre và Vĩnh Long, ra biển. Nhánh trái chảy trên ranh giới tỉnh Tiền Giang, thêm một đoạn nữa lại chia làm hai: nhánh phải là sông Hàm Luông chảy vào giữa địa phận Bến Tre; nhánh trái chảy xuống huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, gặp cù lao Tấu, nhánh sông này chia đôi dòng đổ ra biển qua Cửa Tiểu và Cửa Đại.

Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu ở Huế
Như vậy từ sông Tiền, sông Hậu khi chảy vào nước ta đã tạo thành 9 dòng sông gọi là Cửu Long Giang. Từ những cửa sông này, mỗi năm đất liền lại được bồi thêm phù sa, lấn ra biển hàng trăm mét vuông. Năm 1836, vua Minh Mạng cho chạm hình tượng cửa sông Hậu, cửa sông Tiền thành một hình ảnh chung trên Huyền Đỉnh.

Ngô Minh
10.09.2012
Theo: Cantho Online