Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa
Năm 1954 nhiều người từ Bắc vào Nam bỏ lại Hà Nội với bao nhiêu kỷ niệm của thời thanh niên mà có lúc nhớ về Hà Nội với tấm lòng nặng trĩu. Tôi là người miền Nam, tôi có dịp đi ra Bắc thăm Hà Nội, Hà Nội đẹp lắm,nên thơ, nhẹ nhàng, êm đềm, một lần đi chưa đủ vì có rất nhiều phong cảnh đẹp.
Cũng trong năm 1954, một chàng thanh niên bỏ Hà Nội vào Nam khi mới 16 tuổi, tư lập, tự học và trở thành nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam. Đó là nhà thơ Viên Linh,chắc ông chưa về Hà Nội nên có làm bài thơ sau cho ta thấy những ký ức tuyệt vời về một Hà Nội ngày ấy. (LKH)
EM CÓ VỀ HÀ NỘI.....
thơ Viên Linh
Em hãy đến thăm giùm bãi Nghi Tàm
Nơi thuở nhỏ anh từng chạy nhảy
Tay trộm ổi khi chân vẫn chạy
Từng bơi đùa trong nước hồ xanh.
Thăm dùm anh ngôi chùa nhỏ Đồng Nhân
Tượng Hai Bà sau bức rèm gỗ gụ
Khi tuẫn quốc Hai Bà trôi tới đó
Tuổi 12 anh đã lễ Trưng Vương.
Đã vẫy vùng trong Bẩy Mẫu Thiền Cuông
Lòng thơ dại mà tâm hồn Bác Cổ.
Có nhớ nước, tới cột cờ Thủ Ngữ
Ngó lên trời mà nhớ Thăng Long.
Hận xâm lăng em hãy tới Đường Thành
Xem lỗ đạn ngày xưa quân Pháp bắn.
Nếu biết lòng anh, hãy đi thăm Láng
Nơi mối tình niên thiếu rất ngu ngơ
Đất nước tang thương hãy hỏi Tháp Rùa
Mười thế kỷ rồi làm sao chưa hiểu?
Tâm cao khiết hãy vào Văn Miếu
Đọc văn bia tiến sĩ nhớ người xưa
Hỏi giùm anh, chữ nghĩa có bao giờ
Im lặng mãi như những hàng gạch ngói?
Nghe tiếng véo von, nhớ về Hà Nội
Nơi Trâu Vàng Ngựa Đá, Cõi Rồng Xanh
Nơi hồ thiêng, sông hiển, nước xây thành
Hội Nghị Diên Hồng, Bình Ngô Đại Cáo.
Sớ trảm gian thần, trả vua mũ áo.
Nơi Huyền Trân bỏ nước, nước giầu thêm,
Nơi vua Hùng đày xa xứ An Tiêm
Lúc về nước chở về thuyền dưa đỏ
Anh tự hỏi khi trở về nước cũ
Anh mang gì về lễ tạ hồn xưa ?
9 tháng 8, 1994
VIÊN LINH
Viên Linh (tên thật Nguyễn Nam) sinh năm 1938 tại ga Đồng Văn, Hà Nam, có truyện ngắn đăng trên trang xã hội nhật báo Tiếng Dân, Hà Nội, năm 14 tuổi.
Cũng tại Hà Nội, đã cùng Dương Nghiễm Mậu xuất bản một tờ bán nguyệt san in hai màu, khổ nhỏ, vào năm 1953.
Di cư vào Nam đêm Noel 25.12.1954.
Tự học và tự lập từ năm 16 tuổi.
Phóng viên thường trực nhật báo Ngôn Luận năm 1957.
Từ đó, chọn nghề báo, nghiệp văn, dù một thời gian đã dậy học tại Trung học Bạch Đằng, Ban Mê Thuột.
Thư ký tòa soạn Tuần báo Điện Ảnh, 1960.
Trong hơn 10 năm kế tiếp, làm Thư ký và Tổng Thư ký Tòa soạn các báo Kịch Ảnh (chủ nhiệm Quốc Phong), Nhật báo Dân Ta (chủ nhiệm Nguyễn Vỹ), Nhật báo Đất Tổ (chủ nhiệm Thích Thiện Minh).
Thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân.
Trong gần 5 năm, làm Tổng thư ký Tòa soạn Tuần báo Khởi Hành của Hội Vàn Nghệ Sĩ Quân Đội với chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng.
Giải ngũ năm 1972.
Tổng thư ký Tuần báo Diễn Đàn (chủ nhiệm Phan Huy Quát) cho đến khi tự xuất bản nguyệt san Thời Tập, từ 1973 tới Tháng 4.75.
Trong thời gian từ 1964 tới 1975, cho xuất bản gần 20 tác phẩm; cuốn Gió Thấp, bản đánh máy, được trao Giải Nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1974 (danh xưng của giải thưởng lúc đó).
Năm 1976 tại Hoa Kỳ, được trao học bổng the Ford Foundation để soạn Những Khuynh Hướng Văn Học Tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975, chưa xuất bản.
Năm 1980, cùng em trai, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, xuất bản một tập thơ vô danh gửi đi từ Hà Nội, mà ông đặt nhan đề cho tác phẩm này là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, tác giả được gọi là Ngục Sĩ. Sau được biết là Hoa Địa Ngục và Nguyễn Chí Thiện.
Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, 1991-1995.
Chủ nhiệm, chủ bút Khởi Hành tại Calif. từ 11.1996.
Đang in Thiếu Thất, tập thơ thứ ba, sau hai thi phẩm Hóa Thân 1964 và Thủy Mộ Quan 1982.
(trích trong mạng Hoc Xá đăng 10/01/2011)
(Sưu tầm trên mạng)