Friday, April 28, 2017

TRUNG HOA TỨ ĐẠI MỸ NHÂN


天地風塵
紅顏多屯

"Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân"



Đặng Trần Côn đã mở đầu Chinh Phụ Ngâm Khúc (征婦吟曲) với mấy câu thơ thương xót cho thân phận "hồng nhan" mà bà Đoàn Thị Điễm còn làm cho ta thấm thía hơn vời lời diễn Nôm;

"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên."

Ngày xưa phận đàn bà đã khổ và đàn bà đẹp lại càng khổ nhiều hơn. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Lịch sử TQ và VN có cùng một thông điễm này.

Hôm qua tôi giới thiệu với các bạn TQ Tứ Đại Xú Nữ nhưng họ lại rất hạnh phúc với chồng. Hôm nay tôi muốn kể lại TQ Tứ Đại Mỹ Nhân nhưng không ai có một kết cục tốt đẹp mà còn mang lời bình phẩm của con người. Tôi nghĩ đó chỉ là những đố kỵ của người xưa trong một xã hội bảo thủ của tư tưởng phong kiến TQ.



Dầu sao đi nữa chúng ta phải đọc lại để biết, nói về "Tứ Đại Mỹ Nhân" ai cũng biết nhưng chưa chắc biết hết được những gì tôi post hôm nay. (LKH)

TRUNG HOA TỨ ĐẠI MỸ NHÂN
中華四大美人


Trong lịch sử Trung Quốc có bốn người con gái được mệnh danh là tứ đại mỹ nhân (四大美人), có sắc đẹp làm khuynh đảo cả một đất nước, thay đổi cả lịch sử. Nhan sắc của họ được ca ngợi là "trầm ngư" (沉魚 cá chìm sâu dưới nước), "lạc nhạn" (落雁 chim nhạn sa xuống đất), "bế nguyệt" (閉月 Mặt Trăng phải giấu mình) và "tu hoa" (羞花 khiến hoa phải xấu hổ). Các tài liệu lịch sử về họ cũng bị ảnh hưởng nhiều do một số truyền thuyết và lời đồn dân gian. Họ nổi tiếng và được gọi là tứ đại mỹ nhân do sắc đẹp và ảnh hưởng của họ đối với các vị hoàng đế Trung Quốc và làm thay đổi lịch sử Trung Quốc. Tất cả bốn người mỹ nhân đều có những kết thúc không có hậu hoặc vẫn còn là bí ẩn. Số phận họ đúng như các câu dân gian "phụng nhân bạc mạng" (phục vụ và cống hiến hết sức cho dân nhưng kết cục khổ) và "hồng nhan bạc mệnh" (có sắc đẹp thì số xấu).

Theo thứ tự thời gian, bốn người đó là:

1. Đại mỹ nhân trầm ngư
là Tây Thi. Thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ 7-thế kỷ 6 TCN.


TÂY THI (西施)


Tây Thi nổi tiếng là mỹ nữ xinh đẹp mỹ miều, khiến bao đấng nam nhi nghiêng ngả, chao đảo. Nàng là một trong "tứ đại mỹ nhân" nổi tiếng trong lịch sử.

Trong bài “Vịnh Tây Thi”, nhà thơ thời Đường Vương Duy từng viết: “Triêu vi Việt khê nữ, mộ tác Ngô cung phi” (Dịch thơ: Sáng còn giặt lụa đầu khe/Chiều buông đã được cận kề Ngô vương). Tây Thi vốn dĩ là một cô gái giặt lụa bên bờ sông Trữ La nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Nàng đã có mối tình sét đánh với Phạm Lãi là quan đại phu nước Việt. Sau này Ngô - Việt tương tranh, và nước Việt bại trận. Tây Thi được đưa sang nước Ngô, dâng lên Ngô Vương Phù Sai, đúng là đã một bước lên trời. Thế nhưng, canh cánh với nỗi đau mất nước, Tây Thi đã không phụ lòng người, nàng hợp sức với quân thần nước Việt thực hiện thành công nghiệp lớn phục quốc hưng bang.

Chính vì mê nữ sắc mà Phù Sai đem lòng yêu Tây Thi, chểnh mảng triều chính. Và cũng chính vì chuyện này mà nước Ngô đại bại. Sau khi làm nước Ngô đại bại, Phù Sai tự vẫn, Tây Thi cùng Phạm Lãi rút êm khỏi chốn công danh, cùng nhau cao chạy xa bay, sống cuộc đời ẩn cư êm ả bên hồ Ngũ Lý thanh vắng. Vậy là Tây Thi đã có kết cục “Trước là Ngô Vương Phi, sau làm vợ thứ dân”.

Thời TQ cổ đại, đạo quân - thần xem như cha - con, cho nên dù là quân đoạt thần thê, hay thần hưởng quân phi, đều thuộc hành vi loạn luân. Đầu tiên là Tây Thi bị Ngô Vương Phù Sai nạp làm cung phi, sau lại lấy Phạm Lãi - kẻ từng xưng thần với Ngô Vương Phù Sai, bởi vậy Tây Thi đã không thể tránh khỏi tiếng loạn luân.

2. Đại mỹ nhân lạc nhạn
là Vương Chiêu Quân. Thời nhà Tây Hán, khoảng thế kỷ 1 TCN.


VƯƠNG CHIÊU QUÂN (王昭君)

Vương Chiêu Quân cũng là một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Vương Chiêu Quân còn có tên là Vương Tường, là con gái của Vương Nhượng người nước Tề. Vương Chiêu Quân sống cách đây hơn 2.000 năm, thời vua Hán Nguyên đế (năm 49 - 33 TCN).

Thi thánh thời Đường Đỗ Phủ từng có thơ: “…Thiên tải tỳ bà tác hồ ngữ, phân minh oán hận khúc trung luận.” (Dịch thơ: Muôn thuở tỳ bà lưu điệu rợ/Khúc đàn ai oán mạch sầu tuôn) để nói về nỗi niềm xa xứ của Minh Phi Vương Chiêu Quân.

Năm 17 tuổi được tuyển vào hậu cung của Hán Nguyên Đế Lưu Thức, làm đãi chiêu cung nữ chốn thâm cung. Do không chịu hối lộ họa sư cung đình Mao Diên Thọ, nên đằng đẵng 3 năm sống giữa hậu cung mà nàng vẫn chưa một lần được Nguyên Đế sủng hạnh.

Về sau, khi Đan Vu (vua Hung Nô) đến Bắc Kinh để xin cầu hòa kết thân, Hán Nguyên Đế đã hạ dụ xuống hậu cung trưng tuyển cung nữ tự nguyện dâng mình hòa thần (làm vợ vua Hung Nô). Vương Chiêu Quân đã “thản nhiên đứng ra” nhận lấy sứ mạng này.

Khi gặp Chiêu Quân, Nguyên Đế đã sững sờ trước bậc giai nhân dung nhan như tiên, hậu cung đệ nhất này, cộng thêm đối đáp chừng mực, cử chỉ cao nhã của nàng, càng khiến nhà vua tiếc ngẩn ngơ, nhưng hiềm nỗi danh tính đã định, không thể đổi thay.

Trong nỗi tức giận, Nguyên Đế đã đem chém đầu bêu chợ tên Mao Diên Thọ để xả hận. Từ đó Vương Chiêu Quân lấy chồng Hung Nô, sống nơi nước Hồ xa xôi, tạo nên giai thoại thiên cổ.

Thế rồi sau bao năm sống tại xứ người, Vương Chiêu Quân đã nghiễm nhiên trở thành một thành viên Hung Nô. Theo phong tục Hung Nô, sau khi vua chết, toàn bộ giang sơn của cải, kể cả người vợ đều do Đan Vu con kế thừa, dù là bậc vương phi tôn quý như Vương Chiêu Quân cũng không thể miễn trừ. Theo quan điểm luân lý Trung Hoa, điều đó đích thực là loạn luân rồi.

3. Đại mỹ nhân bế nguyệt là Điêu Thuyền. Thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ 3.


ĐIÊU THUYỀN (貂蟬)

Điêu Thuyền vốn là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa. Nhắc tới cái tên này, người ta sẽ hết lòng ngợi ca bởi sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Dù chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng việc cô làm được thật sự không nhỏ chút nào. Đến tận bây giờ, tên của cô vẫn được lưu truyền.

Lá Quán Trung rất thành công khi phác họa hư cấu hình ảnh một mỹ nữ đẹp ‘bế nguyệt’, làm sinh động và phong phú thêm cho cốt truyện của mình. Dù thế, người ta vẫn tin rằng cô là nhân vật có thật và muốn truy tận gốc những thăng trầm trong cuộc đời của cô và kết cục của người con gái ấy.

“Tư Đồ khéo tính nơi hồng quần/Chẳng dung đao kiếm chẳng cần binh/Tam chiến ải Hổ uổng công sức/Ca khúc khải hoàn Phụng Nghi Đình”. Với lời thoại trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” này, La Quán Trung đã mô tả sống động sự đóng góp vô song của mỹ nữ Điêu Thuyền trong cuộc đấu trí trừ khử Đổng Trác.

Cuối đời Đông Hán, tên Hán tặc Đổng Trác chuyên quyền bạo ngược. Con nuôi Lã Bố của hắn cao lớn tuấn tú, khua một cây kích Phương Thiên, cưỡi một con chiến mã Xích Thố, là một hổ tướng nổi danh thiên hạ.

Người ta thường ví “nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố”, có thể thấy địa vị của Lã Bố khi ấy. Trận chiến ải Hổ Lao, 18 đạo quân chư hầu cũng không thể địch nổi cây kích Phương Thiên của Lã Bố. Kể cả trận quần chiến nổi tiếng “Tam anh chiến Lã Bố “ của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi cũng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng quân chư hầu tan tác, quần thần triều đình có bất mãn với Đổng Trác cũng đành buông tay ngậm miệng.

Rường cột triều đình là Tư Không Vương Doãn lại đặt trọng trách ngàn cân trừ Đổng Trác lên vai cô gia nhân xinh đẹp Điêu Thuyền. Nhiệm vụ gian khó đến thế, nhưng mỹ nhân Điêu Thuyền đã hoàn thành xuất sắc. Điêu Thuyền được gả cho Đổng Trác làm thiếp trước, sau đấy lại làm luôn vợ Lã Bố, tất nhiên là không thoát được tội danh loạn luân.

4. Đại mỹ nhân tu hoa là Dương Quý Phi. Thời nhà Đường, 719-756.


DƯƠNG NGỌC HOÀN (楊玉環)

Người ta thường nhắc đến Dương Quý phi như là một trong bốn mỹ nhân đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, mỹ nhân họ Dương đình đám này cũng để lại không ít tiếng xấu.

Trong tuyệt tác “Trường Hận Ca”, Bạch Cư Dị viết: “Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành/Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức” (Con gái họ Dương tuổi dậy thì/ Sống trong chốn phòng khuê ít người biết). Nhân vật chính được nhà thơ mô tả như một cô gái trinh trong trắng.

Dương Quý Phi cũng giống như Tây Thi, chịu tội danh loạn luận vì bà lấy cả bố lẫn con của vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Kỳ thực, Dương Ngọc Hoàn đã từng là “Thọ Vương Phi”, là con dâu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Sắc đẹp của Ngọc Hoàn làm Huyền Tông động lòng, và muốn chiếm hữu nàng. Vua bèn giáng chỉ đưa nàng xuất cung làm nữ đạo sĩ, mấy năm sau lại đón nàng vào hoàng cung nạp làm phi.

Thế là từ đó “ …Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi, tùng thử quân vương bất tảo trào. Thừa hoan thị yến vô nhàn giả, xuân tòng xuân du dạ chuyên dạ. Hậu cung giai lệ tam thiên nhân, tam thiên sủng ái tại nhất thân.” (Đêm xuân sao ngắn trời ngỡ sáng, từ đó ông vua bỏ triều sáng, yến tiệc hoan lạc không ngừng nghỉ, tràn trề tình xuân đêm lại đêm. Hậu cung giai nhân trên 3 ngàn, 3 ngàn yêu chiều dồn mình nàng).

“Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị miêu tả lênh láng đến tận cùng sự sủng ái mà Đường Huyền Tông đã dành cho Dương Ngọc Hoàn. Thế nhưng, việc Đường Huyền Tông sủng hạnh Dương Ngọc Hoàn, thực chất là đã chiếm đoạt vợ của con trai. Mà Dương Ngọc Hoàn bước từ Phủ Thọ Vương lên giường trong tẩm cung của Đường Huyền Tông cũng đích thị tội danh loạn luân rồi.

Trong xã hội phong kến nam quyền cổ đại, đồng thời với sự chiếm đoạt mỹ nữ, người đàn ông còn đổ mọi tội danh lên người đàn bà nhan sắc. Kỳ thực, thủ phạm chính là những người đàn ông đương quyền tham lam vô độ bất chấp tình nghĩa anh em, cha con, miễn là đạt được mục đích của mình.

(Sưu tầm trên mạng: kết hợp nhiều nguồn khác nhau)