Thursday, April 27, 2017

LÀNG CỔ HAHOE

Hôm qua tôi có giới thiệu với các bạn tập 13 của "Chị ơi, đi Hàn Quốc", trong tập này nói về làng cổ Hahoe và trải nghiệm sống ở đây trong một ngôi nhà cổ hơn 250 năm tuổi. Hôm nay có một bài giới thiệu khác về ngôi làng này và nhiều chi tiết hơn nên xin share lại với mọi người. (LKH)


Làng cổ hơn 600 tuổi ở xứ Hàn

Độc đáo

Làng cổ Hahoe được gia tộc họ Ryu xây dựng từ hơn 600 năm trước, là ngôi làng tiêu biểu cho việc bảo tồn những ngôi làng của các gia tộc lâu đời ở bán đảo Triều Tiên, loại hình đặc trưng trong giai đoạn đầu của triều đại Joseon. Làng Hahoe với quy hoạch tổng thể cùng với các cụm nhà ở của tầng lớp quý tộc ( Yangban) và bình dân đã phản ánh sự tác động sâu sắc của triều đại Joseon đến cấu trúc xã hội, truyền thống, văn hóa cũng như sức mạnh và ảnh hưởng của nó đến Văn học, Triết học… của bán đảo Triều Tiên. Trải qua thời gian, làng cổ Hahoe nổi tiếng bởi nó vẫn lưu giữ được gần như toàn bộ những nét kiến trúc nguyên thủy qua các lớp học, trường dạy Nho giáo, các gia trang, những ngôi nhà mái lá truyền thống.



Nếu như trước đây trong làng có 350 gia đình sinh sống thì nay chỉ còn 150 gia đình, với 437 ngôi nhà, hợp thành 127 cụm, trong đó có 12 ngôi nhà là báu vật quốc gia của Hàn Quốc. Tiêu biểu nhất ở khu nhà thôn Bắc Bukchondaek là khu nhà có quy mô rất lớn của tầng lớp quý tộc xưa, với 72 gian, gồm các gian nhà trong, nhà bếp tiếp khách, biệt đường… Đáng chú ý có Yangjindang là một trong những ngôi nhà cổ nhất của làng, được mệnh danh là báu vật thứ 306 của quốc gia, nó thuộc về Seong reong (1542-1607), người đứng đầu dòng họ Ryu. Ngoài ra, còn có Seong Reong(1542-1602), Bộ trưởng Tòa án nổi tiếng, người đã góp công bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của Nhật Bản năm 1592. Cho đến nay, hậu duệ của dòng tộc này vẫn sinh sống nơi đây để gìn giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà tổ tiên họ để lại.


Ngoài ra, trong chính giữa làng cho đến nay vẫn tồn tại một cây Cứ cổ thụ, theo các cụ cao niên cây đã tồn tại trên 600 năm, gốc cây to, cành lá tỏa bóng mát. Tương truyền rằng cây là nơi ngự của nữ thần Sam Sin phò trợ việc sinh sản, nuôi dưỡng trẻ em của làng. Nơi đây, khi du khách đến tham quan, đều viết giấy buộc vào các cột, dây chăng dưới gốc cây cầu xin sức khỏe, may mắn trong cuộc sống.


Lễ hội múa mặt nạ


Cho đến nay, làng cổ Hahoe vẫn bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, như mặt nạ Hahoe- loại mặt nạ duy nhất được công nhận là bảo vật quốc gia của Hàn Quốc (thường được sử dụng trong các lễ hội thờ thần linh ở làng), tiêu biểu là mặt nạ Gaksi- mặt nạ duy nhất còn lại của Hàn Quốc và tượng gỗ Jangseung (thần bảo vệ của làng). Ngôi làng cũng nổi tiếng với Hahoe Pyolshin Gut- múa mặt nạ dân gian, xuất hiện trong nghi thức Shaman giáo ở làng Hahoe, có quan hệ mật thiết với nghi thức thờ cúng Thành hoàng làng, để cầu sự bình yên cho dân làng.


Ngày nay, người dân ở làng nói riêng và Thành phố Andong nói chung vẫn thường xuyên biểu diễn múa mặt nạ và tổ chức lễ hội múa mặt nạ quốc tế hàng năm, với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ từ ý tưởng tổ chức hai ngày lễ hội tôn vinh Văn hóa Hàn Quốc vào năm 1997, lễ hội ngày càng thu hút đông đảo du khách và đã trở thành một hoạt động văn hóa kéo dài tới 10 ngày vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 hằng năm. Ở Andong có 11 loại mặt nạ truyền thống: Yangban: Quý tộc; Sonbi: Học giả; Chung: Nhà sư; Paekchong (người bán thịt) là những mặt nạ có thể cử động được khớp hàm, để thể hiện cảm xúc. Ngoài ra, còn có Kakshi: Cô dâu; Pune: Thiếu nữ thích tán tỉnh; Halmi: Bà lão; Choreangi: Người láu táu; Imae: Kẻ ngốc và hai mặt nạ sư tử.


Ngoài biểu diễn múa mặt nạ, khi đến đây du khách còn được chiêm ngưỡng màn múa giao lưu của nhiều quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Indonesia, Philippines… Những bạn trẻ yêu thích tìm hiểu nghệ thuật làm mặt nạ truyền thống cũng có thể tham gia vào những buổi dạy vẽ mặt nạ truyền thống miễn phí. Chính từ sự độc đáo, hết sức ấn tượng, làng cổ Hahoe thường xuyên đón du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, giao lưu. Ngôi làng cũng đã vinh dự được đón Nữ hoàng Anh Elizabeth II đến thăm năm 1999.


Mạnh Hà
Link tham khảo thêm: