Bên ngoài nhà tù Fuchu. Ảnh: The Japan Times
Nhìn từ bên ngoài, một khu phức hợp màu nâu nhạt ở ngoại ô thành phố Fuchu, Tokyo dễ dàng bị nhầm lẫn với tòa thị chính. Nhưng khi bước qua một cánh cửa nặng nề, được canh gác cẩn mật, bạn sẽ thấy đây rõ ràng là một nhà tù. Chính xác thì đây là nhà tù Fuchu – nơi giam giữ dành riêng cho nam giới lớn nhất Nhật Bản.
Ngoài các tù nhân người Nhật, tính đến tháng 12/2023, nhà tù Fuchu giam giữ 353 tù nhân nước ngoài với 58 quốc tịch và nói 52 ngôn ngữ. Người Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất với 20,1%, tiếp theo là tù nhân Việt Nam với 17,8%.
Những tù nhân nổi bật tại Fuchu có thể kể đến: Kenichi Shinoda - Thủ lĩnh của Yamaguchi-gumi, tổ chức tội phạm hùng mạnh nhất Nhật Bản; Michael Taylor - cựu lính đã giúp ông trùm ô tô Carlos Ghosn trốn thoát khỏi Nhật Bản; Richard Hinds - người bị kết tội siết cổ đến chết một sinh viên trao đổi người Ireland ở Tokyo vào năm 2012…
Ông trùm Kenichi Shinoda là tù nhân tại nhà tù Fuchu. Ảnh: The Guardian
Không gian bên trong Fuchu
Trong chuyến tham quan gần đây của giới truyền thông, các phóng viên đã có cơ hội hiếm hoi được nhìn vào bên trong nhà tù, nơi giam giữ khoảng 1.200 tù nhân.
Bầu không khí tĩnh lặng và trật tự, những căn phòng có khăn trải giường gấp gọn gàng, những chồng sách và những bức tường xanh bạc hà.
Khu giam giữ tù nhân. Ảnh: The Japan Times
Hàng rào kim loại ở đầu cầu thang nhằm mục đích ngăn chặn tự tử và đội bảo vệ đứng ở mọi góc là lời nhắc nhở rằng tòa nhà này thực sự là một nhà tù.
Trong khi tù nhân Nhật Bản có phòng giam chung tùy thuộc vào mức độ phạm tội của họ, tù nhân nước ngoài thường có phòng riêng để tránh xung đột có thể xảy ra do khác biệt văn hóa. Họ cũng có thể chọn phòng có giường thay vì phòng có nệm futon.
Một phòng giam mô phỏng để cho truyền thông tham quan vào tháng 2/2024. Ảnh: AFP
Không chỉ vậy, nơi đây còn có khu vực dành cho tôn giáo: “Những người theo đạo Thiên chúa có những căn phòng riêng để họ tụ họp, và định kỳ sẽ có các linh mục đến để cầu nguyện”, ông Takada cho biết.
Cuộc sống của các tù nhân tại Fuchu
Theo lời kể của tù nhân Taylor – người thụ án một năm tại Fuchu trước khi chuyển về nhà tù ở Mỹ: “Nhiệt độ khắc nghiệt, thiếu nước và một danh sách dài các quy tắc và quy định được áp dụng cho tất cả các tù nhân bất kể tuổi tác. Có thể kể đến: Không được nói chuyện với các tù nhân khác trong giờ làm việc hoặc bữa ăn; Quyền thăm viếng bị hạn chế; Chỉ được tập thể dục 30 phút mỗi ngày; Tù nhân tắm ba lần một tuần, mỗi lần 15 người tắm chung một bồn tắm công cộng lớn…”.
Ngày càng có nhiều người lớn tuổi tại nhà tù Fuchu. Ảnh: The Economist
Hằng ngày, tù nhân thức dậy lúc 6h45, ăn sáng và đến các xưởng khác nhau để làm việc từ 8h00 – 16h40, ngoại trừ giờ nghỉ trưa. Ở đó, họ làm mọi thứ từ sửa xe đến sản xuất đồ nội thất bằng gỗ và in bưu thiếp. Đến 21h00 đèn sẽ tắt để mọi người nghỉ ngơi.
Những người điều hành nhà tù Fuchu cho biết tại đây không xảy ra tình trạng quá tải, sử dụng ma túy hay bạo lực như nhiều nơi. Để làm được điều này thì “kỷ luật thép” là điều cần thực hiện.
Theo giám đốc của Fuchu - Yuiichiro Kushibiki, việc duy trì trật tự là sự đánh đổi giữa an ninh và quyền tự do cá nhân: “Nơi này hoạt động vì mọi người đều được đối xử như nhau. Không có sự phân cấp giữa tội phạm ở đây. Hãy nhìn xung quanh… có khoảng 60 người đàn ông trong xưởng này, và chỉ có một vài bảo vệ. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu các tù nhân tuân thủ các quy tắc và xây dựng được sự tôn trọng với các nhân viên”.
Mô hình về những món ăn dành cho tù nhân tại Fuchu. Ảnh: The Japan Times
Đối với những bữa ăn, tù nhân nước ngoài được lựa chọn các bữa ăn halal hoặc chay, hay thậm chí thay cơm bằng bánh mì.
Các tù nhân tại nhà tù Fuchu cũng được tiếp cận các tờ báo như Asahi Shimbun và Yomiuri Shimbun dành cho độc giả Nhật Bản, The Japan News dành cho độc giả tiếng Anh và People's Daily dành cho độc giả tiếng Trung.
Atsushi Takada, một viên chức tại nhà tù cho biết: “Chúng tôi không thực sự đối xử đặc biệt với tù nhân vì họ là công dân nước ngoài. Nhưng vì môi trường và văn hóa mà họ lớn lên quá khác biệt so với Nhật Bản, nên chúng tôi cần có cách giao tiếp với họ một cách phù hợp.”
Một nhân viên chăm sóc được chứng nhận, ở giữa, đang hỗ trợ các tù nhân lớn tuổi cải thiện chức năng thể chất. Ảnh: Japan News
Chuyến tham quan kết thúc bằng cảnh quan khu vực thăm viếng, nơi các tù nhân gặp gia đình và đại diện pháp lý tối thiểu hai lần một tháng, tối đa năm lần nếu họ được hưởng đặc quyền vì cải tạo tốt. Tuy nhiên, một số tù nhân lớn tuổi sẽ không bao giờ đặt chân đến đây vì không có ai đến thăm nuôi hoặc họ không muốn gặp ai. Đối với tù nhân nước ngoài, vì không thể gặp mặt người thân nên quyền lợi của họ là có thể gọi điện cho gia đình hoặc bạn bè.
Nguồn: The Japan Times
Theo: kilala
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment