“Dương hoa từ” - Tô Thức
Tự hoa hoàn tự phi hoa,
Dã vô nhân tích tòng giáo truỵ.
Phao gia bàng lộ,
Tư lường khước thị,
Vô tình hữu tứ.
Oanh tổn nhu trường,
Khốn hàm kiều nhãn,
Dục khai hoàn bế.
Mộng tuỳ phong vạn lý,
Tầm lang khứ xứ,
Hựu hoàn bị oanh hô khởi.
Bất hận thử hoa phi tận,
Hận tây viên,
Lạc hồng nan chuế.
Hiểu lai vũ quá,
Di tung hà tại,
Nhất trì bình toái.
Xuân sắc tam phân,
Nhị phân trần thổ,
Nhất phân lưu thuỷ.
Tế khán lai bất thị dương hoa,
Điểm điểm thị ly nhân lệ.
水龍吟-次韻章質夫楊花詞
似花還似非花
也無人惜從教墜
拋家傍路
思量卻是
無情有思
縈損柔腸
困酣嬌眼
欲開還閉
夢隨風萬里
尋郎去處
又還被鶯呼起
不恨此花飛盡
恨西園
落紅難綴
曉來雨過
遺蹤何在
一池萍碎
春色三分
二分塵土
一分流水
細看來不是楊花
點點是離人淚
Thuỷ long ngâm - Nối vần bài từ
“Dương hoa” của Chương Chất Phu
(Dịch thơ: Nguyễn Xuân Tảo)
Tựa hoa lại chẳng phải hoa,
Rơi rụng mặc, không ai luyến tiếc.
Vương vãi bên đường,
Vô tình hay hữu ý,
Ngẫm rồi mới biết.
Ruột nẫu tơ vò,
Mắt huyền thấm mệt,
Dim dim sau nhắm chặt.
Mơ theo muôn dặm gió,
Tìm chàng nẻo nọ,
Lại bị oanh kêu tỉnh giấc.
Chẳng giận hoa kia bay hết,
Giận vườn tây,
Hồng rơi khôn chắp.
Trận mưa buổi sớm,
Dấu vết còn đâu,
Ao bèo rải rác.
Sắc xuân ba phần,
Một phần nước trôi,
Hai theo bụi đất.
Nhìn kỹ ra đâu phải hoa dương,
Từng giọt lệ trước cơn ly biệt.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô. Thái độ của ông rất hào sảng lạc quan, tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, song ông không để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ. Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, gồm có Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất.
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment