Lá lô hội mà tu sĩ Romano Zago dùng trong bài thuốc trị ung thư là loại aloe arborescens, nhưng cây lô hội phổ biến ở Việt Nam lại là loại aloe vera. Hai loai lô hội này khác nhau thế nào? Và loại aloe vera trong nước có thể dùng để chơi canh bạc sau cùng với số mệnh không?
Nhìn từ phía ngoài
Lô hội arborescens và lô hội vera đều thuộc giống (genus) liliaceous.
Cả hai đều có đặc điểm chung là thân lá của chúng đều mẩy, mọng nước. Dùng móng tay ấn vào là ra nước ra nhựa, ấn mạnh nữa, thì ra chất sền sệt.
Về bề ngoài, thì lô hội vera có bản lá to hơn, có màu xanh nhạt đến xanh xám, hoa màu vàng. Còn lô hội arborescens có màu xanh có vẻ sáng hơn một chút, hoa màu trắng, vàng, cam, đỏ, nhưng phổ biến nhất là hoa màu vàng. Cả 2 loại đều có răng cưa ở mép lá.
Nhưng có lẽ nhìn vào cây lô hội thì dễ phân biệt hơn. Các lá của lô hội vera ngả ra phía sau (như các cánh hoa nở), nhưng chỉ ngửa lưng chừng, còn lá arborescens thì ngửa hẳn ra phía sau.
Cây lô hội nói chung, dễ trồng, chịu nóng tốt hơn chịu lạnh, và không cần nhiều nước. Lô hội arborescens do lớp biểu bì nhiều hơn nên chịu được thời tiết khắc nghiệt hơn vera
Loại nào tốt hơn?
Ngoài cùng của lá lô hội là lớp da mỏng (biểu bì). Dưới lớp da là lớp lớp nhựa (latex), và trong cùng là chất sền sệt mà người ta gọi là gel. Lớp da của lá lô hội coi như không đáng kể. Các hoạt chất có tính trị liệu nằm ở lớp nhựa và lớp gel. Sự khác biệt của các loại lá lô hội chủ yếu là tỉ lệ các hoạt chất nằm ở 2 lớp này.
Vỏ lá bị trầy sẽ tươm ra chất nhựa màu vàng nâu rất đắng. Các hoạt chất chính trong chất nhựa này gọi chung là aloin, gồm các chất thuộc nhóm anthraquinone. Aloin thường được dùng làmthuốc xổ, nhuận trường, nhưng nếu dùng nhiều gây đau quặn bụng, tiêu chảy,… Loài vera có ít nhựa đắng hơn arborescens.
Lớp trong cùng là lớp sền sệt (lớp gel), chứa nhiều loại polysaccharides có tính kích thích miễn nhiễm,được xem là có khả năng chống ung thư.
Trong lá lô hội còn nhiều thứ khác nữa như các khoáng, vitamin, acid amin,enzymechất chống oxýt hóa,… có thể giúp kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau,..
Có khoảng hơn 300 loài lô hội, đa số cấu tạo của chúng đều có 3 lớp như thế, nhưng để sử dụng làm thuốc phổ biến nhất là lô hội vera. Loài Arborescens chỉ trở nên nổi tiếng sau khi tu sĩ Romano Zago quảng bá công thức lô hội của ông.
Trong sách “Cancer can be cured”, tu sĩ Romano Zago đưa ra nhận xét của Viện Palatinin Salzano Venezia (Ý), “lô hội arborescens chứa hơn 70% thành phần hoạt chất chống ung thư, so với lô hội vera chỉ có 40%”
Nhận xét như thế có phần…bí hiểm, và khó lòng đánh giá được loại nào tốt hơn. Giả dụ lô hội có chữa được ung thư, thì cũng cần những thử nghiệm lâm sàng với quy mô nào đó mới đánh giá được. Rất tiếc, sách lại không đề cập đến vấn đề này.
Tuy nhiên, trong số hơn 300 loài lô hội, tu sĩ Romano chỉ đề cập đến 2 loại vera và arborescens cho mục đích chữa ung thư. Ông xem dùng lô hội vera là chấp nhận được.
Trong các loài lô hội, thì loài vera được khoa học nghiên cứu nhiều nhất, và cũng được dùng phổ biến nhất, đặc biệt là trong mỹ phẩm, vì phần sền sệt (gel) của nó có nhiều, nên khai thác hiệu quả hơn về mặt thương mại.
Nhưng dùng làm thuốc xổ hay nhuận trường, người ta lại dùng lô hội ferox, vì loài này có nhiều chất nhựa đắng hơn.
Ở Hoa Kỳ, chất aloin trong lô hội chưa được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép dùng làm thuốc xổ, hay nhuận trường, vì chưa nhận được báo cáo mức an toàn đầy đủ. Nhưng ở Châu Âu, thì được phép.
Lạm dụng lô hội để trị bệnh hay làm đẹp cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại, nhất là phụ nữ có thai. Do đó nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Khi thực phẩm chức năng vào cuộc
Lô hội arborescens chỉ mới được nghiên cứu gần đây thôi. Khi sách “Cancer can be cured” ra đời, và nhất là khi mấy tay sản xuất thực phẩm chức năng vào cuộc thì lô hội arborescens được tôn vinh là thần dược, và người ta biến những trích dẫn 70% hay 40% của Romano trở thành kinh thánh. Họ chế ra các chiết xuất từ lô hội arborescens, pha mật ong, rượu, rồi đóng chai, bán cả trăm dollar /lọ.
Tội nghiệp tu sĩ Romano Zago bị lạm dụng một cách đau khổ. Ông hướng dẫn người bệnh tự pha chế với lá lô hội, mật ong và rượu, là những thứ dễ kiếm, rẻ tiền.
Lá lô hội phải dùng là lá tươi vừa mới hái. Điều này không phải là không có căn cứ khoa học. Các hoạt chất trong lá lô hội, nhất là phần sền sệt (gel) sau khi xay nghiền, bị suy giảm chất lượng rất nhanh. Mật ong trong bài thuốc cũng có ít nhiều tác dụng bảo quản, nên thuốc có thể lưu trữ trên dưới 10 ngày trong ngăn mát tủ lạnh. Còn những chai “lô hội chức năng” phải dùng thêm chất bảo quản.
Tôi không có cơ hội chứng kiến lô hội trị được ung thư, nên rất tiếc, không tin lắm. Lợi ích của lô hội, nếu có, chỉ là hỗ trợ điều trị mà thôi. Khoa học cũng không khẳng định lô hội trị được ung thư, kể cả những bệnh khác như tiểu đường, HIV, xơ gan,…mà nhiều quảng cáo gán cho lô hội chế ngự được.
Tuyệt vọng thì cũng nên mua hy vọng, nhưng nên mua đúng cách, đúng tiền, chứ không phải mua lời ngon ngọt từ những người bán thực phẩm chức năng.
Vũ Thế Thành