Hôm nay mới biết thêm về những tài danh của đất Tây Đô yêu dấu. (LKH)
MỘC QUÁN - NGUYỄN TRỌNG QUYỀN
Người đưa “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương
Bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là “bài tổ” của vọng cổ, nền tảng của cải lương. Tuy nhiên, từ “Dạ cổ hoài lang” nhịp đôi trở thành bài vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, thậm chí nhịp 64 như hôm nay có công lao lớn của soạn giả tài danh đất Cần Thơ Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền.
Ông được hậu thế suy tôn là Hậu Tổ của nghệ thuật cải lương.
Hậu Tổ cải lương
Theo những tài liệu còn lưu trữ ở phòng trưng bày truyền thống của Trung tâm Văn hóa quận Thốt Nốt và sách “Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876 - 1953) cuộc đời và sự nghiệp” (Sở Văn hóa – Thông tin Cần Thơ, 2001), soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền sinh năm Bính Tý 1876 tại làng Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học nên từ nhỏ, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền được học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, Pháp văn. Nhờ cụ thân sinh cho đi đây đi đó nên cụ Mộc Quán hiểu biết rộng, am tường văn hóa, lịch sử. Từ năm 25, 26 tuổi, cụ đã làm thơ Đường luật, đối đáp…
Những năm 1919-1920, một số gánh hát ở Nam bộ hình thành, phát triển thịnh vượng như gánh của Thầy Năm Tú, Thầy Thận… Ông Vương Có, con trai trưởng của ông Vương Thiệu – người có giao hảo với cụ Nguyễn Trọng Quyền ở Thốt Nốt, nảy ý định lập gánh hát và mời cụ làm thầy tuồng. Về chi tiết này, chúng tôi may mắn tìm được loạt hồi ký “Những nỗi vui buồn trong đời đi hát” đăng trên báo Buổi Sáng năm 1962 của nghệ sĩ Bảy Nhiêu – một trong những “kép nhứt” đầu tiên của gánh Tập Ích Ban. Nghệ sĩ Bảy Nhiêu cho biết cụ Mộc Quán là trí thức, từng làm Hương Quản nhưng vì yêu thích âm nhạc dân tộc mà bỏ đường công danh, nhận làm thầy tuồng cho gánh của Vương Có. Lúc đầu, đây chỉ là nhóm tài tử, diễn lại một số tuồng tích; sau lên thành gánh hát, đặt tên là Tập Ích Ban vào năm 1921. Đây cũng là gánh hát đầu tiên ở Cần Thơ và miệt Hậu Giang. Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền nổi danh từ gánh Tập Ích Ban với những vở cải lương được yêu thích như: “Tình phấn duyên lạc”, “Châu Trần phải nghĩa”, “Lưu Kim Đính chiêu phu”…
Con đường nghệ thuật của cụ Mộc Quán càng mở rộng khi năm 1928, vợ chồng nghệ sĩ Phùng Há và Phước Geogre (tức Bạch Công Tử) lập gánh Huỳnh Kỳ - Phụng Hảo ở Mỹ Tho và mời cụ về viết tuồng riêng cho gánh. Thời điểm này, cụ sáng tác nhiều vở cải lương có giá trị, thoát khỏi dáng dấp của hát Tiều, hát bội, canh tân bằng từ ngữ và nét diễn mới. Trong đó, nổi danh là vở “Giọt máu chung tình” với chuyện tình đầy bi thương, trắc trở của Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Nghệ sĩ Phùng Há sắm vai Bạch Thu Hà cùng kép Năm Thiều vai Võ Đông Sơ đã trở thành vở diễn kinh điển. Cố NSND Sỹ Tiến trong cuốn “Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương” (NXB TP Hồ Chí Minh, 1984) thuật lại: “Không ai không nhớ đoạn cô (tức Phùng Há - PV) biểu diễn trước quan tài của Võ Đông Sơ, cô đã nói lối trước khi chết theo người yêu đã hy sinh vì nước: Thanh gươm ái quốc chàng treo đó. Giọt máu chung tình thiếp tưới đây…”.
Bà Nguyễn Thị Đỉnh, 80 tuổi, cháu nội cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, nhớ lại: “Hễ nghe có tuồng hát Võ Đông Sơ là bà con kéo về chợ Thốt Nốt coi đông nghẹt”. Cũng cần nói thêm rằng, vở tuồng này là nguồn cảm hứng để soạn giả Viễn Châu viết vọng cổ “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” được yêu thích mấy chục năm qua.
Cụ Mộc Quán là người tiên phong chuyển thể các điển tích, truyện lịch sử thành những tuồng cải lương cổ trang, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật như: “Hoa Mộc Lan tùng quân”, “Phụng Nghi Đình”, “San Hậu”… Hai tuồng “San Hậu” và “Phụng Nghi Đình” được các Trường Nghệ thuật sân khấu đưa vào giáo trình giảng dạy như là kịch bản tiêu biểu, kinh điển của cải lương.
Những vở tuồng của ông đã đưa những nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nghệ thuật cải lương đến với công chúng, danh tiếng vang vọng tận ngày nay như nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nhiêu, Kim Cúc… Điển hình là NSND Phùng Há. Dẫu là bầu gánh nhưng bà kính trọng và yêu mến cụ Mộc Quán như cha. Năm 1976, bà đã về Thốt Nốt để lập bia mộ cho cụ. Đến năm 2003, NSND Phùng Há cùng với ngành văn hóa Cần Thơ tiếp tục vận động anh em nghệ sĩ về Thốt Nốt cải táng mộ cụ Mộc Quán khang trang. Bà Ba Đỉnh, cháu nội cụ Mộc Quán kể rằng: lúc nhỏ, bà thường theo ông nội đi các đoàn. Những nghệ sĩ nổi tiếng, được hâm mộ khi đối diện với cụ Mộc Quán đều kính trọng, nể phục.
Hơn 30 năm cống hiến, viết 90 tuồng cải lương, soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền xứng với danh xưng Hậu Tổ cải lương.
“Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương
Câu thành ngữ “Phi vọng cổ bất thành cải lương” được lưu truyền từ sau năm 1923. Trước đó, vọng cổ chưa ra đời và trong một vở tuồng, bản “Tứ Đại Oán” được gọi là “bài ca vua”. Năm 1919, ở miệt Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang”. Bài ca nhanh chóng được lưu truyền, không chỉ trong giới đờn ca mà cả giới bình dân. Trong loạt hồi ký “Những nỗi vui buồn trong đời đi hát”, nghệ sĩ Bảy Nhiêu thuật lại việc trong lần đi hát ở Bạc Liêu, ông nghe một thiếu nữ ngân nga hát bài ca gì mùi mẫn như ru lòng người. Nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã tìm đến nhà nghệ sĩ Ba Chột và được dạy ca bản “Dạ cổ hoài lang”. Ông Bảy Nhiêu vô cùng phấn khích về hát lại cho cụ Mộc Quán nghe và cụ lập tức bị thu hút bởi bài ca nhịp đôi vừa có hơi Oán lại vừa có hơi Bắc, một chút hơi Xuân, réo rắt, nhặt khoan.
Năm 1923, cụ Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đưa bản Dạ cổ hoài lang vào vở “Bội phu quả báo” (chỉnh lý, đưa thêm bài ca vào vở “Tối độc phụ nhân tâm” của Phạm Công Bình). Vở cải lương nói về cô Lý Ngọc Thơ tham giàu mà phụ nghĩa tào khang. Đoạn Lý Ngọc Thơ ân hận, tự trầm xuống suối, soạn giả Mộc Quán đã cho cô ca 20 câu theo bản “Dạ cổ hoài lang” với lời ca mới như sau:
Lối: “Vì phận bạc nên phải điều lầm lỗi. Bởi bạc tiền nên mang chữ phụ bần…”. Vô Dạ cổ hoài lang (nhịp đôi): Nhìn rày, kia khe đá/ Phần số khiến có đau phiền/ Vì xưa phối duyên Khôn – Tuyền/…/Tỉnh ngộ lấy lương tâm này/ Khuyên khá đừng bội phu, bớ ai!
Điều này được cố soạn giả tài danh Trương Bỉnh Tòng (tức soạn giả Hoài Linh) xác nhận trong quyển “Nghệ thuật cải lương – những trang sử” (Viện Sân khấu, 1997) với lời nhận xét: “Dạ cổ hoài lang từ khi được sử dụng trên sân khấu cải lương năm 1923, coi như bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của cải lương”. Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng đồng tình với quan điểm này trong bài “Từ Dạ cổ hoài lang đến Vọng cổ nhịp 32” được ông trình bày tại Hội thảo khoa học “90 năm bản Dạ cổ hoài lang” diễn ra năm 2009.
Từ việc đưa bài Dạ cổ hoài lang lên sân khấu cải lương (có thay lời mới), soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đã mở đầu cuộc hành trình cho bản vọng cổ của sân khấu cải lương. Từ bài nhịp đôi (nhịp 2), bài Dạ cổ được cải tiến bằng cách nhân đôi nhịp: nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và hiện dừng lại ở nhịp 64. Tuy nhiên, bài vọng cổ nhịp 32 vẫn thịnh hành và được ưa thích hơn cả. Trong quá trình nâng nhịp như thế, trong từng chặng có bước quá độ, gọi là nhịp lơi. Ví dụ: tiền thân của vọng cổ nhịp 8 là nhịp 4 lơi, và tương tự…Theo soạn giả Trương Bỉnh Tòng, trong quá trình cải biên bài “Dạ cổ hoài lang” nhịp 8 lơi đã được đổi tên thành Vọng cổ. Một trong những bài tiêu biểu và sớm nhất của vọng cổ nhịp 16 là “Tôn Tẩn giả điên” do danh ca Út Trà Ôn ca năm 1942.
Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền mất năm 1953, yên nghỉ tại quê nhà Thốt Nốt. Ngôi mộ ông do NSND Phùng Há đứng ra vận động cải táng từ năm 2003. Từ năm 2002, Cần Thơ từng có Hội thi Giọng ca cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền uy tín, phát hiện những gương mặt mới, sau này thành danh trên sân khấu cải lương Nam bộ như: Lịch Sử, Giang Bích Phượng, Võ Minh Lâm, Hoàng Khanh, Thu Vân… Rất tiếc, hiện nay giải này không còn duy trì.
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
- “Nghệ thuật cải lương – những trang sử” (soạn giả Trương Bỉnh Tòng, Viện Sân khấu, 1997).
- “Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876 - 1953) cuộc đời và sự nghiệp” (Sở Văn hóa – Thông tin Cần Thơ, 2001).
Theo: Cần Thơ online