Thursday, October 26, 2017

QUAN CÔNG VÕ THÁNH

Có thể nói hiếm có vị võ tướng nào lại được tôn thờ và ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian lớn như Quan Công. Nơi nào có người Hoa cư trú thì nơi đó có miếu thờ Quan Công với thần vị Quan Thánh Đế Quân.


Không chỉ ở Đông Nam Á mà ngay nhiều bang ở Mỹ và các nước khác cũng có miếu Quan Đế với quy mô hoành tráng, khói hương không dứt.
Xưa kia các hội kín thường hội họp nhau ở các miếu thờ Quan Đế nên triều Thanh đã ra lệnh cấm tập trung đông người ở nơi này, nhưng không có kết quả. Những tích xưa thời Tam Quốc (220 - 280) về Quan Công như Đào viên kết nghĩa, Qua 5 ải chém 6 tướng, Quan Công phò Nhị tẩu, tha Tào Tháo ở Hoa Dung Đạo, thu phục Hoàng Trung, đại chiến Mã Siêu... luôn được tái diễn trên sân khấu tuồng và phim ảnh.


Tổ miếu ở Giải Châu
Trong ngàn vạn miếu thờ Quan Công, chỉ có miếu Quan Đế và Tổ miếu ở Giải Châu, Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Giải Châu là quê tổ của Quan Công, nơi đây còn thờ tổ tiên ba đời và vợ con của ngài. Theo người dân địa phương nói thì đây là nhà cũ của Quan Công, nơi trú của linh thần Quan lão gia. Vì vậy, nơi này hơn 1.700 năm qua, hương khói phụng thờ không bao giờ dứt.

Giải Châu Quan Đế miếu kỳ thực là một cung điện, chia làm hai phần là Đại miếu và Tổ miếu. Quan Đế miếu được kiến tạo từ năm Khai Hoàng thứ 9 đời Tuỳ Văn Đế (năm 589), trùng tu vào năm thứ 7 đời Tống Chân Tông (1014). Vào năm Gia Tĩnh đời Minh Thế Tông, miếu bị hư hại do động đất, sau khi trùng tu lại đến năm Khang Hy thứ 41 (1702) miếu lại bị cháy, qua gần 20 năm tu sửa mới có diện mạo như ngày hôm nay, nét cổ sơ vẫn còn như cũ.
Miếu Quan Đế toạ phương bắc hướng nam, chiếm diện tích 18.500m2, hiện là một trong những quần thể kiến trúc cung điện cổ lớn nhất và hoàn chỉnh nhất thế giới. Miếu phân 3 đường từ bắc xuống nam, kiến trúc chủ yếu tập trung ở tuyến giữa. Tuyến giữa lại phân làm nam, bắc hai phần lớn. Phía nam có các cảnh quan Vườn Kết nghĩa, đình bia, đình Quân Tử, gác Tam Nghĩa, núi giả.


Trong gác Tam Nghĩa có tượng ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết bái, sinh động như thật, khiến người xem khởi lòng tôn kính. Trong vườn Kết Nghĩa là rừng đào tươi tốt, không khí bảng lảng như thời ba anh hùng kết nghĩa.
Phía bắc miếu là Chính miếu, chia thành hai viện tiền, hậu. Tiền viện mặt hướng về nam, vách đắp 4 con rồng. Ở giữa tuyến giữa là nhóm kiến trúc chính với điện Sùng Vũ, lầu Ngự Thư, Ngọ môn và Trĩ môn. Dọc hai bên là Sùng Thánh từ đường, Hồ Công từ đường, lầu chuông, lầu trống, nhà bia...


Điện Sùng Vũ là chủ điện của miếu Quan Đế, điện có 7 gian, 4 mặt có hành lang bao bọc, mái chồng và uốn cong, điện có 32 trụ đá tạc hình rồng cuốn, đoan chính nghiêm trang, thể hiện chính khí oai dũng của chủ nhân. Cổng điện có tấm biển rồng do vua Hàm Phong ngự bút "Vạn thế nhân cực", phía dưới thềm có ngự bút vua Càn Long khâm định hai chữ "Thần dũng". Hậu viện có tấm bia "Chính khí thiên thu" làm bình phong, giữa là lầu Xuân Thu có tạc tượng Quan Công mặt đỏ râu dài, thần thái phi phàm, đang đọc sách "Xuân thu".
Cách miếu Quan Công về hướng đông nam 10km là thôn Thường Bình, tổ tịch của Quan Công. Trong thôn có một toà kiến trúc lợp ngói lưu ly, rộng 15.000m2, đó là Quan Đế gia miếu, tức miếu thờ gia tộc Quan Công. Bốn phía miếu đều có tường bọc bằng gạch xanh, trong sân cổ thụ chọc trời, khí thế cuồn cuộn. Ở chính giữa có sơn môn, ngọ môn, Hưởng điện, Quan Đế điện, Nương Nương điện, Thánh Tổ điện.


Hai bên là Sương phòng, Phối điện... sắp xếp rất có thứ lớp. Quan Đế gia miếu cũng kiến tạo từ đầu đời Tùy, từ đó đến năm Gia Tĩnh thứ 34 (1555), miếu được trùng tu và mở rộng quy mô đến 16 lần.
Nơi đây còn giữ được cái giếng mà cha mẹ Quan Công nhảy xuống tuẫn nạn. Thần kỳ nhất là trong sân miếu còn 4 cây cổ thụ, gồm 3 cây bách "Tam tuyệt" được đặt tên là Long bách, Hổ bách và Phụng bách; 1 cây dâu tương truyền là nơi Quan Công buộc ngựa Xích Thố.
Mỗi cây đều có truyền thuyết lạ kỳ, được kính trọng như thần. Người ta thường đưa con cái đến quỳ trước Long bách và Hổ bách xin làm con nuôi, dùng một sợi chỉ đỏ quấn lên thân cây để cầu linh mộc bảo hộ bình an.


Hậu duệ của Quan Công
Quan Công có con ruột là Quan Hưng, tài giỏi nhưng chết sớm, để lại hai cháu trai là Quan Thống và Quan Di. Đích tôn Quan Thống không có con, dòng Quan Di trở thành đại tông phái chính của hậu duệ Quan Công đến nay. Hậu duệ Quan Công có nhiều người tài giỏi nổi tiếng, gồm: Quan Lang - đại thần đời Bắc Ngụy, Quan Khang Chi - danh nho đời Nam triều, Quan Phiên - tể tướng đời Đường... Sau khi triều Thục suy vong, dòng họ Quan dần dần chuyển xuống phía Nam, đến Phúc Kiến, Quảng Đông lập nghiệp.


Hiện nay, hậu duệ Quan Công nổi tiếng có tiến sĩ Quan Nghĩa Tân, nhà thực vật học - chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc, người có hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, lừng lẫy hơn cả có lẽ là Quan Anh Tài, truyền nhân đời thứ 72 của Quan Công, người được xưng tụng là "Thuyền vương Brunei", "Cự phú công thương Đông Nam Á". Cơ sở làm ăn của ông phát triển mạnh ở Brunei, Singapore, Malaysia. Quan Anh Tài từng được tiếp kiến thân mật Tổng thống Mỹ G. Bush, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các quan chức cấp cao Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Tổng hội Long Cương quốc tế (thành viên là hậu duệ của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi và Triệu Vân).

Theo: kienthuc