Các quan ta tiếp đãi Simon, thuyền trưởng chiến hạm Le Forbin, đến Đà-Nẵng yêu cầu triều đình gửi Toàn quyền đại thần vào Gia-định thương thuyết. Thông ngôn: Trương Vĩnh Ký và Cố Trường (Le Grand de la Liraye)
Điều đó làm cho tập truyền đáng tin hơn và khi đọc nó, người đọc không cần phải kiểm chứng xem điều đó có thật hay không. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến một giai thoại đã được lưu truyền theo kiểu như thế. Câu chuyện liên quan đến chuyến đi Pháp của sứ bộ của nhà Nguyễn vào năm 1863 do Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản dẫn đầu.
Cách đây gần 70 năm, trên tờ tap chí Trung Bắc Chủ Nhật số ra ngày 17.10.1943, nhà văn Đào Trinh Nhất (1900-1951), người chuyên viết về truyện lịch sử, ký sự, đã có bài báo đề cập đến sứ đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp về đã kể những chuyện lạ nước ngoài, trong đó có câu chuyện Cây đèn treo ngược. Gần đây, nhà văn Nguyễn Khắc Phục trong tập bút ký lịch sử Những bước đi tỏa sáng cũng thuật lại nội dung tương tự, cộng thêm những lời phê phán thật gay gắt ! Trong tập sách này tác giả đã viết :
“…Kết thúc sứ trình, ba vị quay về cố hương, háo hức thuật lại chuyện đèn thắp sáng ngược, ngọn lửa chiếu xuống đất. Lập tức, chư vị đại thần trong triều Huế cười phá lên và quả quyết rằng sứ bộ bị lũ “bạch quỷ” Tây Dương mê hoặc. Mặc cho chánh sứ Phan Thanh Giản hết sức bày tỏ trước sau lại năn nỉ mọi người tin mình, cái đám “tù binh tinh thần của đế chế Trung Nguyên” mê ngủ ấy vẫn khăng khăng lắc đầu! Mường tượng ra khung cảnh Phan tiên sinh than thở trước một đàn vịt nghe sấm nhưng tưởng mình là các bậc minh triết Đông phương, ta vừa thương, vừa giận, vừa tiếc đứt ruột… Cũng may Tự Đức chưa hạ lệnh tống giam ba vị đại thần của mình vì tội khi quân (dối vua)…” (những bước đi…, sđd, tr 14).
Bên cạnh đó là trong cuốn Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân do Hội đồng hương QNĐN tại TPHCM xuất bản, nhóm biên soạn đã ghi:
“Ngày 18/9/1863 phái bộ đi thăm viên quan Đại Học sĩ, đi thăm rừng Boulogne, hồ dẫn nước sông Seine, nơi thắng cảnh ở ngoại thành Pari. Đến tối, phái bộ được đi dạo phố, đèn điện sáng như ban ngày”. ( Phạm Phú Thứ…, sđd, trang 170).
Để tìm hiểu sự thật về các điều nói trên, ta thử đọc trong “Nhật ký đi Tây” do Phạm Phú Thứ (1820-1881) viết để xem thử cây đèn treo ngược mà các tác giả trên đề cập đó là cây đèn gì? Có phải là cái bóng đèn điện tròn của ta hay dùng không? Bởi vì chỉ có bóng đèn này mới có cấu tạo treo ngược (ánh sáng chiếu xuống) mà vẫn cháy sáng được!
Khi mới đặt chân đến Pháp, phái đoàn lưu trú tại một khách sạn ở Marseille, nhật ký mô tả:
“Quán bảy tầng, gồm có trăm phòng, bàn ghế, màn trướng phần lớn đều dùng gấm, đoạn để trang trí. Ban đêm thắp đèn khí sáng hơn đèn dầu hoặc đèn nến (có nhà máy khí, lấy than đốt thành khí rồi chứa lại để bán khắp nơi); cây đèn ở các nhà đều trống ở giữa và thông ngầm với ống sắt; ống sắt dẫn khí phân phối cho các nơi để thắp đèn; ngọn đèn nhỏ, nhưng ánh sáng trắng như ngọc)…” (NKĐT, sđd, tr 130).
Mô tả quan cảnh đèn đường vào ban đêm, nhật ký đã viết:
“Ngày mồng sáu… Đêm ấy, giờ Tuất, người ta lại mời ra đường xem đèn: hai bên vệ đường, trồng cách khoảng liên tiếp những cột sắt (cột cách nhau ba hoặc bốn tượng cao năm, sáu thước), trên cột mắc đèn pha lê thắp bằng khí đốt. Ở các cửa hàng buôn bán, mỗi gian đều có đèn treo thắp sáng; phía trong cửa kính, bày la liệt các thứ hàng. Có nơi ở ngoài sân, người ta làm những ống sắt cong và đặt lên trên giá gỗ. Người ta cũng bắt ống pha lê để làm những biển hiệu ngoài cổng, có khi người ta lại đặt ngang trên cổng những ống pha lê để hơi bốc cháy. Trong ngoài ánh sáng chan hòa, đường phố sáng như ban ngày…” (NKĐT, sđd, tr 148).
Trong thời gian ở Pháp, phái đoàn cũng được đi xem sở sản xuất khí đốt:
“Ở chỗ chứa khí, có đặt ống, ống cũng có máy để tiện mở và khóa hơi, chạy tỏa ra khắp các nhà và đường phố ở thành thị. Ống này ống nọ dẫn khí đến ngòi đốt; lấy lửa châm đầu ngòi, khí bắt lửa cháy lên, sáng tỏ bội thường (chỗ ngòi đốt cũng có máy, lúc thắp, vặn máy thì khí phun ra và cháy; lúc tắt, cũng vặn máy, khí hút vào và tắt). Ngọn đèn để trong lồng kính và có tán. Ngoài đường phố, trong buồng, trên tường, trên giàn, thường đèn đều thắp bằng khí. Người mua khí tính theo thời khắc, giá so với dầu hoặc sáp thì khá rẻ…”
Qua tập nhật ký và những đoạn trích trên, ta thấy Phạm Phú Thứ và những người trong đoàn rất am hiểu những cảnh tượng đã trông thấy tại Pháp. Ông biết sở dĩ đèn chiếu sáng được là do khí đốt, một loại khí chế tạo từ than đá được phát minh từ cuối thế kỷ XVIII ở châu Âu, mà trong sách ông ghi lại bằng tên gọi khí đăng. Việc đèn cháy sáng bằng khí chế tạo từ than đá, tưởng cũng không quá xa lạ đối với các viên chức, vì trước đó hơn 20 năm, năm 1839 dưới triều Minh Mạng (1820-1840), nhà vua đã chấp thuận cho Tổng đốc Quảng Yên là Tôn Thất Bật tiến hành khác than đá ở mỏ than Quảng Ninh để dùng trong một số ngành công nghiệp lúc đó.
Trở lại câu chuyện trên, hai nhà văn đã cho rằng: phái đoàn đã thấy đèn treo ngược, tức là cây đèn bóng tròn phát sáng bằng sợi dây tóc như ta thấy hiện nay, tiếc rằng các tác giả sáng tác câu chuyện trên đã quên một điều rất quan trọng:
Khi sứ bộ sang Pháp (1863) thì nhà vật lý Thomas Edison (1847-1931) chỉ mới 16 tuổi, phải đợi thêm 16 năm nữa, đến năm 1879, ông mới sáng chế ra bóng đèn tròn để thắp bằng điện . Trên trang vietscient.com có bài viết nói về việc nhà bác học sáng chế bóng đèn tròn, sử dụng điện để thắp sáng như sau:
“Tháng 3 năm 1878 là đầu thời kỳ Edison bắt tay vào việc nghiên cứu đèn điện. Vào thời bấy giờ người ta chỉ biết tới nguyên tắc của đèn hồ quang là loại đèn được phát minh vào khoảng năm 1809. Khi đốt đèn hồ quang, người ta phải luôn luôn thay thỏi than, ngoài ra đèn còn phát ra tiếng cháy sè sè và cho một sức nóng quá cao, kèm theo một mùi khó chịu, không thích hợp với việc xử dụng trong nhà…
“ Căn cứ từ đèn hồ quang của Wallace, Edison thấy rằng có thể có ánh sáng từ một vật cháy sáng bằng cách đốt nóng. Edison đã dùng nhiều vòng dây kim loại rất mảnh rồi cho dòng điện có cường độ lớn đi qua để những vòng dây đó nóng đỏ lên, nhưng chỉ sau chốc lát, các vòng đó đều cháy thành than. Vào tháng 4 năm 1879, Edison nẩy ra một sáng kiến. Ông tự hỏi cái gì sẽ xẩy ra nếu sợi dây kim loại được đặt trong một bóng thủy tinh không chứa không khí? Edison liền cho gọi Ludwig Boehm, một người thợ thổi thủy tinh tại Philadelphia tới Menlo Park và phụ trách việc thổi bóng đèn. Việc rút không khí trong bóng đèn cũng đòi hỏi một máy bơm mạnh mà vào thời đó chỉ có tại trường đại học Princeton. Cuối cùng Edison cũng mang được chiếc máy bơm đó về Menlo Park.
“ Edison thử cho một sợi kim loại rất mảnh vào trong bóng thủy tinh rồi rút không khí ra hết, khi nối dòng điện, ông có được thứ ánh sáng trắng hơn, thời gian cháy cũng lâu hơn nhưng chưa đủ. Ngày 12/ 04/1879, để bảo vệ phát minh của mình, Edison xin bằng sáng chế về bóng đèn cháy trong chân không mặc dù ông biết rằng loại đèn này chưa hoàn hảo vì ông chưa tìm ra được một thứ gì dùng làm tóc trong bóng đèn. Edison đã dùng sợi Platine nhưng thứ này quá đắt tiền lại làm tốn nhiều điện lực hơn là cho ánh sáng hữu ích. Edison đã thử với nhiều thứ kim loại hiếm, chẳng hạn như Rhodium, Ruthenium, Titane, Zirconium và Baryum nhưng tất cả những chất đó chưa cho kết quả khả quan.
“ Rất hãnh diện về phát minh của mình, Edison viết thư mời viên chủ nhiệm tờ báo New York Herald gửi đặc phái viên tới Menlo Park. Ký giả Marshall Fox đã tới phòng thí nghiệm của Edison và cùng nhà phát minh làm việc trong hai tuần lễ. Sáng Chủ Nhật 21/12/1879, tờ báo Herald tường thuật về sự phát minh ra chiếc đèn điện nhưng bài tường trình này đã làm đại chúng nghi ngờ và có người còn cho rằng “một thứ ánh sáng như vậy trái với định luật thiên nhiên”. Có nhà báo lại khôi hài câu chuyện và bảo “đèn điện của Edison đã được ông dùng bóng bay thả lên trời thành những ngôi sao lấp lánh ban chiều…”.
Liên quan đến câu chuyện cây đèn treo ngược nói trên, có tác giả cho là Nguyễn Trường Tộ sau khi đi sứ sang Pháp trở về, tường trình cho vua Tự Đức (chứ không phải Phạm Phú Thứ) biết về văn minh của nước Pháp, thế nhưng vì vua Tự Đức mê muội, không chịu nghe theo lời ông mà canh tân đất nước!
Như lịch sử đã ghi, vua Tự Đức mất năm 1883, Nguyễn Trường Tộ mất năm 1871, Phạm Phú Thứ mất năm 1882. Tất cả các vị trên cũng như trên toàn cầu, vào giai đoạn đó, chưa ai biết hình thù cái bóng đèn nó ra sao. Vì như đã dẫn chứng ở trên, cái bóng đèn điện được thắp sáng lần đầu tiên ở trái đất này là ở trong phòng thí nghiệm của Thomas Edison vào ngày 21 tháng 10 năm 1879.
Điều đó cho thấy giai thoại lịch sử thường được kể lại để làm tăng thêm tính hấp dẫn liên quan đến một sự kiện lịch sử nào đó, nhưng khi sử dụng cần phải cẩn thận, vì hầu hết nó được tạo ra không dựa trên một nền tảng hoặc một cơ sở khoa học nào cả mà cụ thể là câu chuyện cây đèn treo ngược nói trên !
Tài liệu tham khảo:
– Nhật ký đi Tây, Phạm Phú Thứ, Quang Uyển dịch, Nxb Đà Nẵng, 1999.
– Tây hành nhật ký, di cảo của cụ Phạm Phú Thứ, Tô Nam & Văn Minh dịch, Nxb Văn Nghệ TPHCM, 2001.
– Những bước đi tỏa sáng, Nguyễn Khắc Phục, Nxb Hội Nhà Văn, 2003.
– Phương pháp sử, Nguyễn Phương, Sao Mai Huế xb 1974.
-Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân, Hội Đồng Hương QNĐN-Hội KHLS TpHCM, 1995
Tôn Thất Thọ
Theo: nghiencuulichsu