Friday, July 1, 2016

HOA CẢNG QUAN NGƯ (花港觀魚)

Mấy năm trước có đi Hàng Châu (杭州), Hàng Châu có 10 cảnh điểm nỗi tiếng từ ngày xưa nhưng ngày nay chỉ nhắc chớ không biết có còn đủ hay không. Cảnh điểm đầu phải thăm là Tây Hồ (西湖), ngồi thuyền một vòng và sau đó là vào công viên "Hoa Cảng Quan Ngư" (花港觀魚). (LKH)


Ở đây có một bia đá, 4 chữ "Hoa Cảng Quan Ngư" do chính tay hoàng đế Càn Long viết nhưng đặc biệt chữ "ngư" chỉ có 3 nét. Người dẫn đoàn có giải thích nhưng lâu quá rồi quên. Hôm nay đọc được bài viết vui vui của anh Bu nên post lên để các bạn nào chưa biết thì cùng đọc.

CHỈ TẠI CÁI ĐUÔI !

Catulaho là bạn ảo của bu từ thời Zàhu 360. Zàhu sập tiệm “Người Cà Tu làng Ho” cũng bỏ cuộc luôn. Mới đây nàng meo cho bu hỏi “Em có đọc bài “Hầu chuyện thầy Thích Trí Giải về chữ nhẫn” của anh nên có biết sơ sơ về bộ trong chữ Hán. Những từ như: chước (đốt), tai (cháy nhà), xuy (thổi nấu), viêm (bốc cháy) đều có bộ hỏa thì không còn gì để bàn. Đằng này con chim yến, khi viết về nó cũng có bộ hỏa thì lạ, nhờ anh giải thích hộ cho”.



1- Câu hỏi của bạn làm bu nhớ hôm đi loanh quanh trên bờ Tây Hồ ở Hàng Châu (Trung quốc) thấy người ta xúm xít quanh một tấm bia. Người nào cũng cố chen vào để sờ cho được bốn chữ Hán màu đỏ trên bia, không sờ đủ bốn chữ thì chí ít cũng sờ cho được chữ dưới cùng. Đấy là chữ ngư (魚, cá). Người thuyết minh tấm bia cho hay, sinh thời vua Càn Long (1711- 1799) tự tay viết 10 bài giới thiệu cảnh đẹp Tây hồ, gọi là “Tây hồ thập cảnh”, chẳng hạn như: 三 潭 印 月 (tam đàm ấn nguyệt) Ba đầm nước phản chiếu ánh trăng, 斷 橋 殘 雪 (đoạn kiều tàn tuyết) Tuyết còn sót lại trên cầu gãy, 雙 峰 插 雲 (Song phong sáp vân) Hai ngọn núi đâm vào mây…Và câu mà mọi người đang háo hức sờ vào là 花 港 觀 魚 (hoa cảng quan ngư) Xem cá ao hoa.


Có chuyện kể, vua Càn Long viết xong ba chữ 花 港 觀 (hoa cảng quan) thì nắn nót viết chữ ngư (魚) nhưng mới hạ bút điểm được hai chấm trong số bốn chấm của bộ hỏa (灬 )(1) thì ông nổi cáu to tiếng hỏi đám quần thần: Tại sao cá ở dưới nước mà lại có bộ hỏa? thế là cá bị nướng hết sao? Phi lý! Vậy là chữ ngư (魚) khắc trên bia ngày nay bộ hỏa chỉ có ba chấm thay vì bốn chấm, kích thích sự tò mò của mọi người. Bu chờ cho vãn người, cũng sờ tay vào chữ ngư “què” ấy và nhờ ông bạn BOBI chụp cho một tấm ảnh làm kỷ niệm như các bạn đã thấy.


2- Hihihi…thắc mắc của vua Càn Long được khắc bia để đời, còn thắc mắc của catulaho về bộ hỏa của chim yến thì chỉ meo cho bu hầu chuyện chơi. Thế cũng thú vị lắm chứ sao.

Nói ngắn gọn là chữ ngư (魚, cá) và chữ yến (燕, chim) đều là chữ tượng hình có từ đời nhà Thương (khắc trên xương thú cách nay khoảng 3700 năm) gọi là chữ giáp cốt. Hình vẽ cá và chim trong giáp cốt văn có đuôi là hai mũi nhọn tòe ra y như thật sang thời kim văn, tiểu triện, đuôi vẫn còn. Đến đầu đời Hán (203tcn-220scn) chữ lệ thư xuất hiện, các nhà cải cách thấy cái đuôi lòng thòng quá bèn thay nó bằng bốn chấm (灬) Có thể ngẩu nghiên chăng, bốn chấm ấy trùng với bộ hỏa, thế là cá bơi dưới nước, chim yến bay trên trời bị mang bộ hỏa. Đến như các chữ 熊 (hùng, con gấu) 馬 (mã, con ngựa) 烏 (ô, con quạ) cũng có bộ hỏa (灬 ) chung quy chỉ tại… cái đuôi!!


(1) Thực ra hỏa trong bộ ngư không thể gọi là bộ. Bu tạm nói theo người thuyết minh cho dễ diễn đạt. Vì tra bộ hỏa sẽ không có được chữ ngư. Bản thân chữ ngư là một bộ.
Bulukhin Nguyễn
(Sưu tầm trên mạng)

Ghi chú thêm (LKH): 传说花港观鱼是乾隆皇帝下江南时所题,其中的"渔"字,繁体写法是四点,代表火,乾隆改为三点,代表水,寓意百姓生活风调雨顺. (百度百科) . Vua Càn Long chỉ sửa lại chữ ngư với 3 chấm tức bộ "thủy" với mong muốn cho nhân dân được hưởng mưa thuận gió hòa (风调雨顺).