1. Du lịch Mông Cổ nhớ thưởng thức món Buuz
Là một loại bánh bao hấp nhân thịt, Buuz chính là một món ăn đặc trưng đại diện cho nền văn hóa ẩm thực truyền thống của Mông Cổ và Cộng hòa Burytian. Món ăn bình dân này được đông đảo người dân Mông Cổ ưa thích, đặc biệt trong lễ mừng năm mới Tsagaan Sar cổ truyền. Đây cũng là một trong những món được cho là dễ ăn nhất đối với những du khách mới lần đầu khám phá nền ẩm thực của các nước vùng cao nguyên.
Buuz có hình dạng và cách làm giống với bánh bao Trung Quốc. Thực tế, ngay bản thân từ “Buuz” trong tiếng Mông Cổ cũng được bắt nguồn từ “baozi”, có nghĩa là bánh bao trong tiếng Hán. Bánh bao Buuz thường được làm từ thịt cừu hoặc thịt bò, nêm nếm với hành hoặc tỏi và muối. Ở một số nơi, nhân của Buuz còn có thêm mầm hạt thì là và các loại gia vị khác, khoai tây nghiền, bắp cải hoặc cơm.
Bánh bao Buzz. Ảnh: Zaya Ariuna
Sau khi ngấm gia vị, nhân bánh sẽ được chia thành nhiều phần nhỏ và được gói trong những lớp bột mỏng và xoắn miệng lại thành hình tròn ở chóp. Người ta thường làm món bánh Buuz với số lượng rất lớn và vào mùa đông, họ sẽ để những miếng bánh này ra ngoài trời tuyết giá rét để đông cứng và trữ lại ăn dần.
Khi ăn, người ta sẽ hấp các miếng bánh Buuz này lên cho đến khi lớp bột áo bên ngoài chín thơm lừng và chuyển sang một màu trắng trong hấp dẫn. Người Mông Cổ không dùng đũa mà họ sẽ trực tiếp bốc từng miếng bánh Buuz nhỏ bằng tay để ăn. Khi nhấc bánh ra khỏi đĩa, phần đế bánh sẽ hơi trũng xuống thành một cái túi chứa đầy nước súp thịt thơm ngon bên trong, nhìn khá giống món Tiểu Long Bao. Buuz thường được ăn kèm với salad, bánh mỳ chiên và trà suutei tsai của Mông Cổ hoặc rượu vodka. Nếu có cơ hội du lịch Mông Cổ, du khách chắc chắn phải nếm thử món bánh thơm ngon này.
2. Guriltai Shul
Nằm trên cao nguyên với khí hậu khắc nghiệt với nền nhiệt ban đêm lạnh giá, các món ăn của người Mông Cổ thường được chế biến để đảm bảo cung cấp được năng lượng và nhiệt lượng giúp cơ thể có thể hoạt động được khỏe mạnh bình thường. Một trong những món ăn có thể làm “ấm lòng” du khách giữa những đêm dài lạnh giá trên thảo nguyên như vậy chính là Guriltai Shul, món súp bình dân của người Mông Cổ.
Một bát Guriltai Shul thường được làm từ nước hầm thịt và các loại rau củ quả, chủ yếu là từ thịt cừu. Thịt sẽ được thái nhỏ và xào cùng với hành tây và cà rốt cho thơm, nêm nếm gia vị bằng hạt tiêu và muối sau đó thêm nước và hầm nhỏ lửa trong 5-10 phút. Trước khi phục vụ, người ta sẽ rắc trên Guriltai Shul một lớp Tasalsan Guril giòn rụm vàng ươm đầy hấp dẫn. Tasalsan Guril là một loại mỳ thái sợi bình thường được chiên giòn lên.
Mỳ Guriltai Shul. Ảnh: Mongoliacuisine
Khi màn đêm buông xuống và nhiệt độ giảm dần, ắt hẳn việc được cùng nhau ngồi quây quần bên bếp lửa trong những căn lều Yurt/Ger truyền thống với một bát Guriltai Shul ấm nóng trên tay sẽ giúp quý khách xua bớt đi bao giá lạnh. Không những thế Guriltai Shul còn là một món ăn sẽ sạc đầy năng lượng sau một ngày dài với hành trình khám phá đầy thú vị tại Mông Cổ của bạn đó nha.
3. Boortsog
Nếu bạn yêu thích món donut, hay các loại màn thầu chiên hoặc bánh quẩy thì chắc chắn bạn cũng sẽ khó lòng mà cưỡng lại được sự hấp dẫn của Boortsog, món bánh chiên cực ngon của người Mông Cổ.
Được làm từ bột mỳ, men, sữa, trứng, bơ thực vật, muối, đường và các chất béo khác và nặn thành hình chữ nhật rồi đem chiên giòn. Món Boortsog từ lâu đã là một món ăn vặt thu hút biết bao thế hệ lớn nhỏ của không những người Mông Cổ mà còn của những người dân từ các quốc gia thuộc khu vực Trung Á, Idel-Ural và Trung Đông.
Bánh Boortsog. Ảnh: Eatwellco
Như đã nói ở trên, không chỉ người Mông Cổ đâu mà nhiều quốc gia khác cũng vô cùng yêu thích món bánh này. Ở Ufa, Nga vào năm 2014, các đầu bếp đã làm ra một chiếc bánh Boortsog lớn nhất thế giới nặng 179kg từ 1006 quả trứng, 25kg đường, 70kg bột mỳ và 50kg mật ong Bashkir. Một kỷ lục nữa về bánh Boortsog cũng được lập ra vào năm 2014 tại Almaty khi người ta đã chế biến ra 856kg bánh trong cùng một ngày và tại cùng một địa điểm. Số lượng bánh khổng lồ này là thành quả sau một cuộc thi làm bánh thú vị để ăn mừng Ngày của Mẹ với hai đội tham gia thi đấu là đội mẹ chồng và đội con dâu.
4. Tsuivan
Tsuivan hay Zuivan là một loại mỳ sợi làm tay của người Mông Cổ. Có nhiều tài liệu cho rằng món mỳ này bắt nguồn từ mỳ Chao Bing của Trung Quốc. Nhưng với khí hậu khác biệt và cách canh tác khác nhau, nhưng nguyên liệu làm nên mỳ Tsuivan của Mông Cổ cũng tạo nên một hương vị khác biệt hoàn toàn so với mỳ Chao Bing.
Mỳ Tsuivan. Ảnh: Hungry Forever
Bột mỳ được làm từ lúa mạch, nước và muối. Cánh tay rắn chắc đầy sức mạnh của những người đầu bếp nơi thảo nguyên cao sẽ nhào bột cho đến khi thật dẻo và mềm. Sau đó họ sẽ phủ một lớp dầu mỏng lên bề mặt bột trước khi cán mỏng ra và xắt thành từng sợi mì đều đặn.
Tsuivan sau đó sẽ được nấu cùng với bắp cải trắng, khoai tây, cà rốt và tất nhiên - thịt cừu, một trong năm loại thịt quan trọng nhất với người Mông. Tuy chỉ có những nguyên liệu như thế, nhưng mỳ Tsuivan lại có khá nhiều cách chế biến đa dạng. Người ta có thể xào mỳ với các loại thịt và rau củ nói trên, hoặc nấu thành mỳ nước. Tsuivan cũng có thể được đêm chiên phồng và sau đó được xào chung với các loại nguyên liệu khác.
5. Boodog
Gọi là Boodog nhưng món ăn này chẳng có chút gì liên quan tới thịt chó đâu nhé vì Boodog là một từ tiếng Mông Cổ cơ mà. Món ăn này chính là đặc sản của người Mông trong những tháng mùa đông khắc nghiệt vì hàm lượng mỡ và đạm mà nó cung cấp cho người ăn có thể giúp họ có đủ năng lượng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Boodog là một món ăn đặc biệt, gần như có một không hai nhờ vào cách chế biến của nó. Dê hoặc cừu sẽ được rút xương trong khi vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn lớp da và nội tạng. Trong những tháng mùa đông khắc nghiệt thiếu thốn lương thực, Boodog thậm chí còn được chế biến từ cả marmot, một loài động vật gặm nhấm sống trên thảo nguyên. Sau đó, đầu bếp sẽ lột da và làm sạch phần thịt của những con vật này cùng một số nội tạng như gan và cật. Một điều đặc biệt là toàn bộ phần thịt hay nội tạng sau khi làm sạch sẽ đều giữ được hình dáng ban đầu, không bị cắt nhỏ ra hay dập nát.
Một bàn tiệc Boodog. Ảnh: Juulchin
Tiếp đó, người đầu bếp sẽ hơ nóng muối, hành và những viên đá có hình tròn nhẵn trong một tiếng đồng hồ cho thật nóng rồi mới nhồi tất cả vào khoang bụng của con vật. Lớp da sau khi được làm sạch sẽ được nhồi thêm muối, ớt bột, tiêu, hành củ, khoai tây, toàn bộ phần thịt và gan, cật vào rồi khâu kín. Lúc này, những viên đá và muối nóng đang từ từ làm chín thịt từ bên trong. Người đầu bếp cũng sẽ nổi lửa để hơ cháy lớp lông bên ngoài của con vật, giúp món ăn chín đều từ trong ra ngoài.
Mặc dù cách chế biến khá mất công và có phần độc dị, Boodog lại là món ăn đã gắn liền với cuộc sống du canh du cư của người Mông Cổ suốt hàng thế kỷ qua từ thời Thành Cát Tư Hãn. Với lối sống nay đây mai đó, người dân du mục xưa không thể nào mang theo cả một căn bếp đầy đủ tiện nghi theo họ trong suốt cả một hành trình dài. Những dụng cụ nấu ăn cơ bản như nồi xoong cũng thường rất khan hiếm. Vì vậy việc biến lớp da của con vật thành nồi nấu thức ăn chính là một trong những cách tiện lợi giúp người Mông Cổ sinh tồn ngoài thiên nhiên hoang dã.
Việc thưởng thức món Boodog này là cả một sự thử thách lòng gan dạ của bất kỳ vị du khách nào tới du lịch Mông Cổ. Nhưng dù sao, đây cũng là một niềm tự hào không thể chối bỏ của người dân Mông Cổ từ xưa. Boodog chính là minh chứng cho sự sinh tồn kiên cường của biết bao thế hệ người Mông Cổ trên thảo nguyên.
6. Airag, Byaslag, Suutei Tsai
Sữa động vật lại là một trong những đặc sản khác của người Mông Cổ, tuy nhiên các loại sữa này không giống với sữa bò mà chúng ta vẫn thường thấy trong siêu thị đâu Các loại sữa động vật phổ biến ở Mông Cổ là sữa ngựa, sữa dê hoặc sữa bò Yak (bò Tây Tạng).
Từ những loại sữa này, người Mông Cổ đã nghĩ ra muôn vàn cách sử dụng chúng, từ làm thành bơ, váng sữa, pho mai cho đến chế biến thành những món ăn độc đáo như Airag, Byaslag và Suutei Tsai.
Airag là món sữa ngựa được lên men thành một loại rượu sữa, giống như rượu Kumis của người Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Mông Cổ, mùa thu hoạch sữa ngựa diễn ra từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10. Sau khi thu hoạch, sữa thô sẽ được lên men trong nhiều ngày trong khi được đảo đều trong các lò xoay (giống như cách người ta làm bơ từ sữa bò). Lactose trong sữa ngựa lúc này sẽ chuyển hóa thành acid lactic, ethanol và carbon dioxide và biến sữa ngựa thành một thứ đồ uống an toàn cho cả những người không tiêu hóa được lactose trong các loại sữa thông thường.
Trà Suutei Tsai, một trong những thứ đồ uống hấp dẫn từ sữa không thể bỏ qua khi du lịch Mông Cổ. Ảnh: Unsplash
Byaslag là một loại phô mai mềm, vị thanh được chế biến từ sữa bò Yak. Người ta dùng men Kefir để giúp tách sữa và tạo thành các tảng phomai non vón cục. Sau khi lớp vón này được tách ra khỏi sữa, chúng sẽ được nén chặt trong một lớp vải để tách nước. Thành phẩm cuối cùng là một tảng phomai mềm, gọi là phomai tươi, có thể được cắt ra ăn ngay như một loại đồ ăn vặt. Tảng phomai mềm này cũng có thể được phơi cho thật khô trong không khí để kết tủa và tạo thành các loại phomai cứng, sau đó sẽ được ăn chung khi uống trà hoặc dùng trong các món súp.
Cuối cùng trong danh sách những món ăn độc đáo làm từ sữa tại Mông Cổ chính là Suutei Tsai. Một món trà sữa mà người Mông Cổ có lẽ tự hào không kém gì người Đài Loan tự hào về trà sữa trân châu của mình. Sữa từ các loại gia súc như bò Yak, ngựa hay dê sẽ được đun nóng, nêm một chút muối và cuối cùng là hòa với nước trà. Món Suutei Tsai này là thứ đồ uống mở đầu cho mọi câu chuyện khi người Mông Cổ có khách đến thăm nhà. Hơn cả một thứ đồ uống phổ thông, Suutei Tsai còn là minh chứng cho lòng mến khách mộc mạc của những con người chân chất nơi thảo nguyên. Ngồi trong Ger và nhâm nhi một cốc Suutei nóng hổi thơm ngậy chăc chắn sẽ là một trải nghiệm có một không hai trong chuyến du lịch Mông Cổ của du khách.
Nếu có cơ hội đi du lịch Mông Cổ thì bạn đừng ngại ngần mà hãy mạnh dạn nếm thử những món ăn độc đáo này.
Theo: yeudulich
Click để xem cách biến chế món Boodog.