Friday, October 27, 2023

ẤN ĐỘ BỊ CHIA CẮT RA SAO SAU KHI GIÀNH ĐỘC LẬP TỪ ANH NĂM 1947?

Mountbatten và các đảng phái cũng buộc phải chấp nhận chia Ấn Độ thành hai quốc gia. Theo đó, các tỉnh đa số người Hồi giáo sẽ thuộc về Pakistan, còn các tỉnh đa số người Hindu sẽ thuộc về Ấn Độ.


Nguyên nhân đến chia cắt

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Vương quốc Anh hứa sẽ trao trả độc lập cho Ấn Độ để đổi lấy việc người Ấn tham chiến. Sau chiến tranh, kinh tế Anh bị thiệt hại nặng nề, và duy trì thuộc địa ở Ấn Độ trở thành một gánh nặng. Thủ tướng Anh Clement Atlee buộc phải tuyên bố rút khỏi Ấn Độ, dự kiến vào 6/1948.

Tuy nhiên, vận mệnh sau độc lập của khoảng 390 triệu người Ấn Độ vẫn nằm trên bàn đàm phán giữa Anh và các đảng phái đại diện cho các tôn giáo ở Ấn Độ.

Từ nhiều thế kỉ, 3 tôn giáo chính ở Ấn Độ là đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Sikh tồn tại xen kẽ dưới sự thống trị của Anh. Nhưng trước thềm độc lập, người Hồi giáo, đại diện là Liên đoàn Hồi giáo, do Muhammad Ali Jinnah đứng đầu, đấu tranh mạnh mẽ để tách ra thành quốc gia Pakistan của riêng mình.

Tuy đã cùng đấu tranh giành độc lập, Jinnah và Đảng Quốc đại Ấn Độ do Jawaharlal Nehru bất đồng về số phận Ấn Độ sau độc lập.

Nehru kiên quyết các tôn giáo sẽ cùng tồn tại trong một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, là thiểu số, người Hồi giáo lo ngại quyền lực sẽ luôn về tay người Hindu. Người Anh cũng mong muốn một đất nước Ấn Độ chia nhỏ thay vì một nước lớn độc lập.

Thỏa hiệp được đưa ra, trong đó Pakistan sẽ có nhiều quyền lực trong một Ấn Độ liên bang, nhưng không được Nehru chấp nhận.

Nehru (trái), Toàn quyền Louis Mountbatten (giữa) và Jinnah (phải) đàm phán chia cắt Ấn Độ ở thủ đô Delhi tháng 6/1947. Ảnh: Getty Images.

Dưới bề ngoài hòa hợp, người Hồi giáo luôn chịu sự kì thị từ người Hindu chiếm đa số.

“Người Hồi giáo không có đủ việc làm. Họ bị thiệt thòi trong giáo dục. Vì vậy những lời kêu gọi một quê hương dành riêng cho đạo Hồi càng lôi cuốn,” Som Anand, khi đó là sinh viên ở Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab phía tây bắc, nói với BBC.

Bạo lực bùng phát

Sau nhiều tháng bất trắc và căng thẳng, ngày 16/8/1946, Jinnah kêu gọi người Hồi giáo tổng đình công trên toàn Ấn Độ để đòi li khai. Ở Calcutta, thủ phủ tỉnh Tây Bengal phía đông bắc, nhiều băng nhóm đã lợi dụng đập phá các cửa hiệu của người Hindu.

Bạo loạn sớm bùng phát trên toàn thành phố, châm ngòi cho một tuần đẫm máu được lịch sử đặt tên “Đại thảm sát Calcutta” khiến 5.000 người thiệt mạng, theo số liệu của BBC.

“Các băng nhóm chém giết nhau một cách kinh hoàng nhất trên các phố và trong ngõ ở phía bắc Calcutta… xác chết ở khắp nơi, ở ngoài sông, trong các kênh rạch, ngõ ngách”, một báo cáo của cảnh sát nằm trong Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh có viết.

Nạn nhân của "Đại Thảm sát Calcutta" tháng 8/1946. Ảnh: LIFE.

Bạo lực tiếp tục lan sang Noakhali lân cận, nơi các băng đảng Hồi giáo thảm sát hàng nghìn người Hindu vì có tin đồn người Hindu tấn công. Sau đó ở Bihar, đến lượt các băng đảng Hindu thảm sát hàng nghìn người Hồi giáo vì nghe tin người của họ bị bắt cóc.

Nạn bắt cóc, cưỡng hiếp phụ nữ, phóng hỏa, ép buộc cải đạo là những tội ác kinh hoàng của cả hai phía trong các vụ thảm sát này.

Năm 1947, người Hồi giáo tấn công và áp đảo người Sikh ở tỉnh Punjab. Tại Rawal Pindi, một ông bố người Sikh đã chặt đầu các con gái trong nhà để không cho người Hồi giáo cưỡng hiếp. Con trai ông, Bir Bahadur Singh, khóc nức nở khi kể với BBC.

Theo báo The Guardian, thủ phạm chính của sự giết chóc là những băng nhóm có tổ chức, có vũ trang, số đông là lính giải ngũ từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Những nhóm này do các trưởng làng hoặc địa chủ lập ra, lợi dụng sự hỗn loạn để thanh lọc sắc tộc hay giành thêm tài sản và quyền lực. Vì vậy, mức độ thương vong luôn ở mức kinh hoàng.

Chấp nhận chia cắt

Giữa cảnh bạo lực trong các làng xã ngày một trầm trọng, Toàn quyền Louis Mountbatten được chọn thay thế Toàn quyền Wavell tháng 2/1947. Nhưng tháng 6/1947, để khỏi phải chịu trách nhiệm cho cảnh giết chóc này, Mounbatten quyết định đẩy ngày độc lập cho Ấn Độ sớm hơn gần một năm, tức ngày 15/8/1947 thay vì tháng 6/1948 như dự kiến.

Khi được hỏi, Mountbatten trả lời "tại sao phải chờ đợi? Càng để lâu thì tôi sẽ phải tiếp tục có trách nhiệm bảo đảm an ninh". Ngày 15/8 được chọn đơn giản chỉ vì đó là ngày may mắn đối với ông.

Mountbatten và các đảng phái cũng buộc phải chấp nhận chia Ấn Độ thành hai quốc gia. Theo đó, các tỉnh đa số người Hồi giáo sẽ thuộc về Pakistan, còn các tỉnh đa số người Hindu sẽ thuộc về Ấn Độ. Tỉnh Punjab và Bengal sẽ bị cắt đôi với ranh giới chưa được quyết định.


Đối với người Ấn Độ, việc chỉ có hơn 2 tháng để chuẩn bị cho sự chia cắt và sơ tán hàng triệu người là một thảm họa. Phóng viên Pran Chopra của All India Radio nói với BBC "điều này khiến tiến độ chia cắt Ấn Độ quá nhanh, không thể kiểm soát". Có rất ít tính toán cho việc đi lại, an ninh, hay cứu trợ.

Sang tháng 8/1947, gạt đi những cảnh báo về bạo lực trên diện rộng, toàn quyền Mountbatten kiên quyết giữ kín đường biên giới ở Punjab và Bengal cho tới sau ngày độc lập, khi người Anh không còn trách nhiệm với người tị nạn.

Ngày 14-15/8/1947, Pakistan và Ấn Độ lần lượt tuyên bố độc lập mà không rõ ranh giới lãnh thổ. Mahatma Gandhi, linh hồn của phong trào độc lập, từ chối ăn mừng ở Delhi. Thất vọng vì cách tiến hành việc chia cắt, ông đến Calcutta nơi bạo lực đang hoành hành để tuyệt thực và cầu nguyện.

Thảm họa cuộc di dân lớn nhất lịch sử

Với hàng triệu người, ác mộng vẫn tiếp diễn. Ngày 18/8/1947 khi biên giới được công bố, họ phải bỏ lại tài sản, nhà cửa và tháo chạy khỏi quê hương nhiều thế hệ. Người Hồi giáo chạy sang Pakistan còn người Hindu và Sikh sang Ấn Độ.

Suốt tháng 8-9/1947, người tị nạn tạo thành những dòng người đi bộ khổng lồ dài nhiều cây số. Bệnh tật hoành hành, trẻ em bị bỏ rơi bò ở hai bên đường. Số khác sơ tán bằng những chuyến tàu di dân giữa Ấn Độ và Pakistan, quá tải tới mức người tị nạn bám kín hai bên và trên nóc các toa tàu.

Người Hồi giáo tị nạn ngồi trên nóc các toa tàu để trốn khỏi Ấn Độ ngày 19/9/1947. Ảnh: AP.

Không có quân đội hộ tống, những người sơ tán là mục tiêu của các băng nhóm có sẵn vũ trang và sự thù hận. John Moore, một lính Anh, phải tới kiểm tra một chuyến tàu đã bị tấn công ở Ambala, nay thuộc Ấn Độ. Ông thấy 500-700 người chết chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em. Nhiều người chết một cái chết man rợ, thi thể bị chặt đứt, ông kể với BBC.

Satish Gujral, họa sĩ nổi tiếng của Ấn Độ, lúc đó giúp chuyên chở người tị nạn. Ông chứng kiến một trường nữ sinh Hồi giáo ở phần lãnh thổ Ấn Độ bị tấn công. Các em nữ sinh bị bắt và cưỡng hiếp một cách có hệ thống, ông kể với BBC.

Trong những tháng sau đó, khoảng 15 triệu người phải vượt qua biên giới, khoảng 1 triệu người bỏ mạng, với các con số ước tính khác nhau. Hàng chục nghìn phụ nữ bị bắt cóc, cưỡng hiếp. Hàng nghìn người khổ sở trong các trại tị nạn, vì quê hương của họ bỗng nhiên nằm trong lãnh thổ của một tôn giáo khác.

Đường biên giới được vẽ ra vội vàng năm 1947 là nguyên nhân của 3 cuộc chiến tranh, nhiều thập kỉ thù hận giữa Ấn Độ và Pakistan, và những kí ức đau thương cho một thế hệ người Ấn Độ. Và 70 năm sau, hai bên vẫn chưa bao giờ thống nhất được đường ranh giới ở khu vực Jammu và Kashmir, điểm nóng thường xuyên giữa hai nước Nam Á.

Trọng Huấn / Theo: Dân Việt
Link tham khảo: