Monday, October 9, 2023

TRÀ MÃ CỔ ĐẠO – CUNG ĐƯỜNG CHINH PHỤC NÓC NHÀ THẾ GIỚI

Hơn 2000 năm về trước, nơi những ngọn núi cao phía Tây Nam Trung Quốc, có một con đường cổ xưa in hằn dấu chân của người và ngựa. Đây được coi là một trong những con đường thông thương nằm ở vị trí cao nhất, nguy hiểm nhất trên thế giới. Con đường này được gọi là con đường Ngựa – Trà hay “Trà Mã cổ đạo”.


Theo các tài liệu để lại, lối giao thương cổ đại này được hình thành vào khoảng thời Tây Hán. Các đoàn mã phu đi theo con đường cổ gồ ghề này, vận chuyển trà, muối, vải vóc và các nhu yếu phẩm khác đến khu vực Tây Tạng. Đổi lại, họ sẽ mang ngựa, gia súc, cừu hay những vật phẩm từ lông thú trở về. Mạng lưới Trà – Mã trải khắp tới khu vực Đông Nam Á và Tây Á này chính là mối liên kết để trao đổi kinh tế và văn hóa giữa các nhóm dân tộc ở vùng Tây Nam Trung Quốc.

Trà Mã cổ đạo (Ancient Tea Horse Road) dài tới 4000km, nằm ở phía tây nam Trung Quốc, giữa dãy núi Hoành Đoạn và cao nguyên Thanh Tạng, là một mạng lưới giao thông khổng lồ gồm hai tuyến đường chính. Một là từ Vân Nam đi về phía bắc qua Đại Lý, Lệ Giang, Trung Điền… đến Lâm Chi, Lhasa,… sau đó qua Giang Tư, đến Myanmar, Nepal, Ấn Độ. Tuyến còn lại là từ Nhã An (Tứ Xuyên), hướng về phía tây qua Lô Định, Khang Định,… đến Lhasa, rồi đến Nepal, Ấn Độ.


Phía tây nam Trung Quốc là vùng có khí hậu vô cùng thích hợp để trồng trà. Lượng trà được sản xuất ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Vân Nam. Ở triều đại nhà Đường (618 – 907), trà đã trở nên phổ biến và được tất cả các tầng lớp người Trung Hoa sử dụng. Về sau, trà được các thương lái vận chuyển trà từ Vân Nam sang Tây Tạng. Ngược lại, những chú ngựa của vùng đất thần bí này sẽ được đem về Trường An bán lại, phục vụ cho giao thương hoặc trong các cuộc chiến.

Với tính chất địa hình cao nguyên đặc trưng và chế độ ăn uống nhiều đạm và chất béo, trà đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Tây Tạng bởi nhiều công dụng hữu ích của nó. Người Tạng có câu “Một ngày thiếu trà thân trì trệ, ba ngày không trà hóa bệnh tật”. Việc uống trà là nhu cầu thiết yếu và dần trở thành một nét văn hóa ở vùng Tây Tạng.


Trong khi nhu cầu về trà của người dân Tây Tạng ngày càng nhiều, mà ngựa là một trong những tài nguyên giàu có của vùng cao nguyên này, con đường trao đổi Trà – Ngựa ra đời đã trở thành một lối giao thương trọng yếu, lưu lại dấu ấn có giá trị cả về lịch sử và văn hóa của một vùng đất.


Con đường này đã in mòn dấu những bước chân ngựa. Những đoàn vận chuyển trà đi qua đây được gọi là các đoàn “mabang” (người thồ trà bằng ngựa). Đoàn bao gồm những mã phu thông thạo rừng núi, từng đường đi nước bước nơi này, dẫn đường cho những chuyến hàng được suôn sẻ. Đối với những “mabang”, đi trên con đường này là một hành trình đầy hiểm nguy. Một bên là vách núi cao, một bên là dòng sông chảy xiết, con đường dài leo dốc quanh co, những khắc nghiệt của tự nhiên xảy ra liên hồi. Không ít đoàn người thương lái cùng với cả ngựa thồ đều đã bỏ mạng trên con đường này.


“Bảy bước lên, nghỉ một lần
Tám bước xuống, nghỉ một lần.
Mười một bước bằng, nghỉ một lần
Sẽ thật dại dột nếu không nghỉ chân.”

Đây là những câu hát quen thuộc được cất lên bởi các mã phu truyền thống khi đi trên cung đường Trà – Mã gập ghềnh.


Trà Mã cổ đạo, nơi những tay buôn lành nghề đi lại như con thoi trên hai tuyến đường gian nan khác nhau, không chỉ đơn thuần là con đường thương mại cổ xưa, mà còn là một mạch máu văn hóa của cả một vùng đất, cả một thời kỳ lịch sử. Cùng với sự thâm nhập của lối sống hiện đại, Trà Mã cổ đạo đã dần được biết tới nhiều hơn. Dù hiện nay, một số tuyến giao thông hiện đại đã được mở rộng, con đường cổ thật sự giờ chỉ còn là dấu tích, nhưng nó vẫn là một minh chứng lịch sử quan trọng, một địa điểm du lịch thú vị cho những ai đam mê tìm hiểu.

Theo: diamondtour