Sunday, October 29, 2023

CHUYỆN NGƯỜI MẤT ÁO NƯỚC TỐNG

Chuyện người mất áo nước Tống: ‘Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê’


Lợi ích vật chất luôn là thứ khiến người thường tổn hao tâm trí, tranh tranh đoạt đoạt. Có kẻ vì lợi mà làm không biết bao chuyện xấu, trái luân thường, nghịch đạo lý.

Câu chuyện nhỏ dưới đây cho ta thấy rõ vì lợi mà con người ta trở nên tha hóa ra sao.


Chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu (722 – 481), ở nước Tống có người đánh mất một cái áo thâm. Anh ta hớt hải ra đường tìm. Thấy một người đàn bà mặc áo thâm, anh ta tiến tới, bèn níu lại đòi rằng: “Tôi vừa mất một cái áo thâm. Chị phải đền trả tôi cái này!”. Rồi cứ thế, anh ta giữ chặt cái áo không chịu buông tay.

Người đàn bà nọ cự lại: “Ông mất cái áo nào, tôi biết đấy là đâu. Đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra”.

Nhưng anh kia vẫn khăng khăng: “Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất rất dày, cái áo thâm chị mặc thì mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cái áo thâm dày cho tôi, còn phải nói lôi thôi gì nữa!”.

Lời bình:


Khi mối lợi bị đụng chạm, tổn hại, nhiều người thường có phản ứng như kẻ mất áo trong truyện trên. Mất áo chạy ra đường tìm phỏng có thấy? Thấy lợi ích bị tổn hao, lại chỉ chăm chăm tìm xem kẻ nào đã hại mình mà không tự hướng nội, xem thử mình đã làm gì sai để phải chịu nghịch cảnh. Chẳng phải là quá ấu trĩ sao?

Kẻ mất áo trong truyện cứ u u mê mê mãi không tỉnh. Mất áo của đàn ông mà lại đi đòi áo của đàn bà. Mất áo dày lại bắt đền áo mỏng. Đó chẳng phải là chuyện phi lý, nực cười sao? Không phải hắn không nhận ra mình vô lý nhưng cái lợi kia đã che mờ cả mắt rồi. Thấy người khác có áo thâm, trong khi mình vừa mất, đương nhiên hắn liền khởi ngay tâm tham lam, muốn chiếm đoạt.

Trong đầu hắn chỉ mong sao cho mau mau tìm lại được áo mà bất kể thủ đoạn, sẵn sàng cướp giữa ban ngày từ tay một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Cái lợi vật chất đã tha hóa con người cùng cực, khiến họ không còn biết phải trái là gì, đạo lý ra sao. Vì cái lợi rất nhỏ (một cái áo thâm), họ sẵn sàng đánh đổi cả đạo đức, danh dự để mang tiếng là phường cướp giật. Đáng thương thay, đáng thương thay!

Hữu Bằng (sưu tầm & bình giải)