Tuesday, October 24, 2023

TA TIN VÀO TÔN GIÁO VÌ SỢ CHẾT?

Cái chết sắp không còn là điều kiêng kị. Trong những năm gần đây, người ta ngày càng cởi mở hơn trong việc đối thoại về cái chết, ở cả trong nhà và những nơi công cộng.


Ví dụ, có những tiệm cà phê được mở ra đầu tiên là ở Thuỵ Sỹ vào năm 2004 và sau đó đã lan ra khắp thế giới, nơi mà người ta có thể đến ngồi ăn bánh ngọt, uống cà phê và nói về nỗi sợ hãi cái chết của mình.

Việc chúng ta ngần ngại nói về cái chết thường bị cho là do sợ hãi, và vì sợ nên chúng ta thường tránh nghĩ đến điều này.

Tuy nhiên cũng chỉ có ít bằng chứng cụ thể cho thấy con người thực sự sợ chết. Vậy lo lắng về cái chết ở mức thế nào thì gọi là bình thường?

Các nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát cho thấy chúng ta thường lo lắng bị mất những người mình yêu thương hơn là phải đối mặt với cái chết. Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng chúng ta lo lắng về quy trình chết, như là cảm giác đau đớn hay sự cô đơn, hơn là chính cái chết.

Chúng ta thực sự có sợ chết không?

Nói chung, khi được hỏi liệu có sợ chết hay không, phần lớn chúng ta đều nói là không. Một số ít những người tỏ ra lo lắng quá nhiều về cái chết còn bị cho là có tâm lý bất bình thường và được khuyên nên đi điều trị.


Mặt khác, việc có ít người nói là sợ chết cũng có thể là do tâm lý thường tình của chúng ta, vốn ít khi muốn thừa nhận nỗi sợ hãi của mình.

Dựa trên giả thiết này, các nhà tâm lý xã hội học từ 30 năm qua đã nghiên cứu những tác động về mặt xã hội và tinh thần của con người khi đối mặt với cái chết.

Trong hơn 200 cuộc thử nghiệm, các cá nhân đã được yêu cầu tưởng tượng mình đang hấp hối.

Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện đối với các thẩm phán cấp thành phố tại Hoa Kỳ.

Những người này được yêu cầu định ra mức tiền thế chân để cho một người bị tình nghi là gái mại dâm trong một tình huống giả định được tại ngoại hầu tra.

Trung bình những thẩm phán từng đối mặt với cái chết trước đây đưa ra mức yêu cầu tiền thế chân cao hơn, 455 đô la, so với những người chưa từng đối mặt với cái chết, 50 đôla.

Kể từ đó, nhiều tác động của cái chết đã được nhận thấy giữa các nhóm nghiên cứu từ nhiều nước.

Mối liên hệ giữa nỗi sợ chết và niềm tin tôn giáo

Bên cạnh việc làm chúng ta trở nên khắc nghiệt hơn, suy nghĩ về cái chết cũng khiến chúng ta có thành kiến hơn nhiều hơn trước những chủng tộc, tôn giáo và các nhóm tuổi khác.

Khi tổng hợp lại, hàng chục nghiên cứu này cho thấy khi nghĩ tới cái chết, con người ta thường cảm thấy gắn bó chặt hơn với những nhóm mà họ thuộc về, đến nỗi trở nên kỳ thị những người khác biệt mình.

Việc nghĩ đến cái chết cũng tác động tới niềm tin về chính trị lẫn tín ngưỡng của chúng ta.


Một mặt, nó làm cho chúng ta càng bị phân cực: Những người theo tư tưởng tự do thì càng tự do hơn, trong khi những người bảo thủ càng trở nên bảo thủ hơn.

Những người theo tín ngưỡng thì càng bấu víu vào niềm tin của mình hơn, trong khi những người vô thần thì càng trở nên vô thần hơn.

Mặt khác, những nghiên cứu này cũng cho thấy việc nghĩ về cái chết cũng đẩy chúng ta gần hơn đến niềm tin vào tôn giáo theo những cách vô ý thức.

Và khi suy nghĩ về cái chết đủ mạnh, thì cả những người theo tư tưởng tự do lẫn bảo thủ thường ủng cho những tư tưởng và những ứng viên bảo thủ.

Một số nhà nghiên cứu nói đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trên trường chính trị của Hoa Kỳ sau sự kiện 11/9.

Thế nhưng vì sao cái chết khiến chúng ta trở nên khắc nghiệt, bảo thủ và tin vào tôn giáo hơn?

Một số người cho rằng việc nghĩ về cái chết khiến chúng ta thèm muốn sự bất tử hơn.

Nhiều tôn giáo nói đến sự bất tử trong sách vở. Tuy nhiên, sự gắn kết của chúng ta với quốc gia hay với những nhóm chủng tộc nào đó có thể mang lại sự bất tử một cách đầy biểu tượng. Những nhóm này cũng như phong tục, tập quán của họ sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta.

Việc bảo vệ những chuẩn mực về văn hoá có thể làm tăng cảm giác thuộc về một nhóm cụ thể nào đó của chúng ta, khiến chúng ta trở nên khắc nghiệt hơn với những người vi phạm những chuẩn mực này - thái độ của các thẩm phán với gái mại dâm là một ví dụ.


Giấc mơ được bất tử

Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng việc nghĩ về cái chết sẽ làm tăng mong muốn được nổi tiếng hoặc có con cái, cả hai đều liên quan đến sự bất tử mang tính biểu tượng. Chúng ta đều muốn được trở nên bất tử thông qua di sản trong công việc và qua việc để lại DNA của mình trên cõi đời.

Khi được hỏi, chúng ta ít khi thừa nhận, thậm chí là ngay cả với bản thân mình, rằng mình sợ cái chết.

Chúng ta cũng không nghĩ rằng việc nghĩ về cái chết có tác động lan rộng đến thái độ của chúng ta trong xã hội.

Nhưng khả năng suy nghĩ nội tâm của chúng ta cũng có giới hạn.

Chúng ta thường không thể phán đoán trước rằng mình sẽ cảm giác thế nào hay hành xử ra sao trong những viễn cảnh tương lai, và chúng ta cũng thường không hiểu nổi vì sao mình lại cảm giác hay hành xử theo những cách nhất định.

Vậy vì sao chúng ta lại có những nỗ lực trở nên cởi mở hơn về cái chết thông qua những cuộc đối thoại?

Khó để giải thích được điều này!

Việc nhắc đến cái chết nhiều hơn trong trí tưởng tượng của chúng ta ở cả những chốn riêng tư lẫn nơi công cộng có thể làm chúng ta trở nên nghiệt ngã hơn, nhiều thành kiến hơn, theo kết quả một số nghiên cứu.

Nhưng có lẽ chúng ta chịu những tác động tiêu cực này là do lâu nay vẫn không quen với việc nghĩ và nói về cái chết.

Trong trị liệu về tâm lý, việc khiến bệnh nhân đối mặt với điều làm họ lo lắng, chẳng hạn như một vật thể, một con vật, hay thậm chí một ký ức nào đó, sẽ giúp họ giảm bớt nỗi sợ hãi.

Tương tự, việc phá vỡ sự im lặng trước những điều kiêng kỵ sẽ giống như việc tiêm chủng cho tâm lý, giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trước cái chết.

Jonathan Jong / Đại học Coventry
Theo: BBC Tiếng Việt
Link tiếng Anh: