Tuesday, October 31, 2023

CÂU "NƯỚC SÔNG KHÔNG PHẠM NƯỚC GIẾNG" ẨN CHỨA HUYỀN CƠ GÌ?

Có câu “nước sông không phạm nước giếng”, nghĩa là mình và đối phương đều không ai đắc tội với ai, ai ai cũng làm đúng phận sự và không chen vào việc của người khác. Trên thực tế, câu nói này còn bao hàm một đạo lý khác sâu sắc hơn.

Câu ‘Nước sông không phạm nước giếng’ ẩn chứa huyền cơ. (Ảnh pexels)

Nước sông không phạm nước giếng

Thực tế, câu gốc của câu trên là: “Tỉnh thủy bất phạm hà thủy” (井水不犯河水 nước giếng không phạm nước sông), và nó bắt nguồn từ Hồi 69 trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần – một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc bên cạnh “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy Hử” của Thi Nại Am và “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân.

Trước đây, NTDVN đã giới thiệu tới quý độc giả bài viết Giải mã danh tác: Hồng Lâu Mộng có thực sự chỉ là một câu chuyện tình yêu? Phân tích cho thấy, đây là tác phẩm ẩn chứa huyền cơ, giúp con người nhìn thấu cõi hồng trần và hướng tới cảnh giới của Thần, Đạo, Tiên. Tất nhiên, những ẩn ý, huyền cơ trong đó không phải ai cũng nhận ra được.

Hồng Lâu Mộng là tác phẩm ẩn chứa huyền cơ. (Tranh: Tôn Ôn đời Thanh)

Ví như câu nói trên, theo Từ điển bách khoa Baidu của Trung Quốc giải nghĩa, nước giếng và nước sông này không phải nước trên mặt đất mà là chỉ ngôi sao trên trời. Chữ ‘tỉnh’ trong ‘tỉnh thủy (nước giếng)’ vốn là chỉ sao Tỉnh – một chòm sao trong nhị thập bát tú (28 chòm sao trên bầu trời theo cách chia của người Trung Hoa cổ), tương ứng với nó là chòm sao Song Tử trong thiên văn học phương Tây, và nó ở gần dải Ngân Hà. Còn ‘hà’ trong ‘hà thủy (nước sông)’ là để chỉ Ngân Hà.

Ở phía đông bắc và đông nam của sao Tỉnh có hai chòm sao nổi tiếng tên là Bắc Hà và Nam Hà, người xưa coi chúng là những người bảo vệ dải Ngân Hà. Vào thời cổ đại, người ta nói rằng ‘nước giếng không phạm nước sông’ là muốn đề cập đến hiện tượng thiên văn ba chòm sao Tỉnh, Bắc Hà và Nam Hà chuyển động hài hòa, không đụng chạm tới nhau. Bởi một khi vị trí của những chòm sao này có bất kỳ thay đổi bất thường gì, nhân gian sẽ chịu tai ương. ‘Nước giếng không phạm nước sông’ là điều mà người xưa đúc kết được sau khi quan sát thiên tượng và đoán phúc họa ở nhân gian.

Còn về tính chất, nước giếng thuộc hệ nước ngầm, nước dưới đất, còn nước sông thuộc hệ nước bề mặt đất, nước giếng và nước sông không thông với nhau, không có điều kiện xâm lấn nhau.

Theo khoa học hiện nay, các loại nước nói chung chỉ khác nhau về hàm lượng một số khoáng chất, chứ không có sự khác biệt quá nhiều. Nhưng cổ nhân lại không nghĩ như vậy. Ngoài giải thích theo thiên văn học hay khoa học, người tu Đạo thời xưa đã nhận thức được rằng mỗi một loại nước đều có nguồn gốc sinh mệnh khác nhau.

Nửa bình nước Nam Linh

Vào mùa xuân năm Nguyên Hòa thứ chín thời Đường (năm 814), Trương Hựu Tân vừa đỗ Trạng nguyên, trở thành Tam nguyên vì đỗ đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Ông đã hẹn gặp những người thi đậu cùng kỳ tại chùa Tiến Phúc. Trương Hựu Tân và Lý Đức Dụ đến trước, họ nghỉ ngơi trong phòng của nhà sư Huyền Giám ở chái tây. Tình cờ có một nhà sư từ phương Nam đến bước vào, đặt hành lý xuống và nằm nghỉ. Trong hành lý có mấy cuốn sách, Trương Hựu Tân thuận tay lấy một cuốn ra và đọc từ đầu đến cuối. Chữ nhỏ và dày đặc, tất cả đều là văn tạp ký. Cuối sách còn có tựa là “Chử thủy Ký” (ghi chép về đun nước).

Trong sách viết, khi Đường Thái Tông tại vị, đã phong cho Lý Quý Khanh làm Thứ sử Hồ Châu (tương đương với chức thống đốc tiểu bang hoặc tỉnh trưởng ngày nay). Trên đường đi nhậm chức, Lý Quý Khanh đã đi qua Hoài Dương và gặp ẩn sĩ Lục Hồng Tiệm (733-804), còn được gọi là "Thánh trà" Lục Vũ. Lý Quý Khanh vốn rất quen thuộc với cái tên Lục Vũ, nay lại gặp được chính người đó, trong lòng mừng rỡ như gặp lại cố nhân, thế là hai người cùng nhau đi tới quận thành.

Tranh minh họa: Chân dung Lục Vũ - tranh Nhật Bản. (Miền công cộng)

Đến trạm dịch Dương Tử, khi chuẩn bị tới giờ ăn cơm, Lý Quý Khanh nói: "Lục tiên sinh nổi tiếng giỏi trà đạo, vang danh thiên hạ, mà nước Nam Linh ở sông Dương Tử đặc biệt phi thường, hôm nay trà đạo của ngài và nước ngon ở đây có thể nói là ngàn năm mới gặp một lần, sao có thể bỏ qua cơ hội này?".

Nói xong, ông ra lệnh cho một quân sĩ trung thực và thận trọng mang theo bình nước, chèo thuyền nhỏ đến vùng nước sâu để lấy nước Nam Linh về.

Lục Vũ ở đó lau bộ ấm trà và đợi nước. Không lâu sau, binh sĩ kia đã mang nước trở về. Lục Vũ dùng thìa múc nước và nói: "Nước sông đúng là nước sông Dương Tử, nhưng không phải nước Nam Linh, nó giống nước bên bờ sông hơn".

Người binh sĩ lấy nước nói: "Tôi chèo thuyền vào nơi sâu, trên đường đi gặp cả trăm người, tôi dám lừa dối chăng?".

Lục Vũ không nói gì, ông đổ nước ra chậu, đổ được một nửa, ông vội dừng lại, lại dùng thìa múc nước, chỉ vào bình nước và nói: “Nước từ đây trở xuống mới là nước Nam Linh”.

Người binh sĩ giật mình kinh hãi, quỳ xuống nói: “Tôi ôm bình nước từ Nam Linh đến bờ sông, nhưng thuyền lắc lư làm đổ mất một nửa. Vì sợ ít nước nên đã đổ thêm nước bên bờ sông vào cho đầy bình. Khả năng phân biệt của vị ẩn sĩ này quả là thần thông, ai dám nói dối ông đây?”.

Lý Quý Khanh kinh ngạc tán thưởng, mấy chục người đi theo cũng đều kinh ngạc. Lý Quý Khanh sau đó hỏi Lục Vũ: "Nếu đã như vậy, ở tất cả những nơi ngài đi qua, ngài đều phân biệt được nước tốt và xấu sao?".

Lục Vũ trả lời: "Nước ở nước Sở là tốt nhất, nước ở nước Tấn là kém nhất”.

Sau đó, Lý Quý Khanh đã yêu cầu Lục Vũ thuật lại thứ tự chất lượng nước ở các nơi (trích “Thủy Kinh”).

Thông điệp của nước

Tiến sĩ Masaru Emoto người Nhật Bản từng làm thí nghiệm như sau: cho một giọt nước tiếp xúc với một suy nghĩ nhất định; hoặc một ngôn ngữ; âm nhạc; một từ ngữ; hay một yếu tố vật lý. Sau đó nó sẽ được nhỏ xuống khay thí nghiệm rồi bỏ vào tủ lạnh; đông thành một viên băng nhỏ. Trong phòng thí nghiệm với mức nhiệt độ giảm xuống còn -50 độ C, nhà nghiên cứu sẽ lấy viên băng nhỏ này ra và nhanh chóng đặt nó dưới kính hiển vi có gắn máy ảnh.

Sau khi nghiên cứu hàng trăm mẫu nước với cùng phương pháp như vậy, Tiến sĩ Masaru Emoto dường như đã vén lên một bức màn bí ẩn của vũ trụ, gửi đến chúng ta bức “Thông điệp của nước” để cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn.

Thông điệp 1: Nên nói lời hay ý đẹp

Cùng một nguồn nước rót vào 3 chai. Một chai là Yêu thương (Love), chai khác là Cảm ơn bạn (Thank you) và một chai khác thì có ghi Tao ghét mày (I hate you).

Hình dạng tinh thể nước tương ứng với các nhãn khác nhau được gắn lên bình chứa. Từ trái sang: “yêu thương”, “cảm ơn”, và “tao ghét mày”. (Ảnh: Image Shack)

Trong một thí nghiệm khác, tinh thể nước khi được cho xem chữ “thiên thần” thì trở nên vô cùng đẹp đẽ, còn tinh thể nước khi được cho xem chữ “ác quỷ” thì lại u ám, đáng sợ.

Trái: Tinh thể nước khi được cho xem chữ “thiên thần”. Phải: Tinh thể nước khi được cho xem chữ “ác quỷ”. (Ảnh: Viện Hado)

Thông điệp 2: Nên nhìn những điều tốt đẹp

Sau khi được xem hình hoa cam cúc (Chamomile) và hoa cây thì là (Fennel), hình dạng tinh thể nước hoàn toàn tương đồng với hình dạng của hai loại hoa.

Trái: Bức hình chụp hoa cam cúc (Chamomile). Phải: Tinh thể nước sau khi được xem hình hoa cam cúc. (Ảnh: zhengjian.org)

Thông điệp 3: Nên nghe âm nhạc cổ điển

Những tinh thể nước sau khi cho nghe nhạc rock thì vỡ nát, còn nghe một bản nhạc cổ điển thì xuất hiện tinh thể tuyệt đẹp.

Trái: Tinh thể nước khi được nghe nhạc Rock Heavy Metal. Phải: Tinh thể nước khi được nghe bản nhạc “Đêm bình yên”. (Ảnh: Zhengjian.org)

Thông điệp 4: Hãy học tập tri thức

Trong một thí nghiệm khác, khi cùng một từ, ví dụ như “trí tuệ”, được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau và dán lên các khay chứa các mẫu nước thì cho ra các hình dạng tinh thể nước khác nhau.

Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Trí tuệ” bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Trí tuệ” bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Trí tuệ” bằng tiếng Đức. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)

Kết quả tương tự cũng xảy ra khi thực hiện thí nghiệm từ “vũ trụ” bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, và tiếng Hy Lạp.

Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Vũ trụ” bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Vũ trụ” bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Vũ trụ” bằng tiếng Hy Lạp. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)

Thông điệp 5: Hãy cầu nguyện

Vào lúc 2 giờ ngày 02 tháng 02 năm 1997, 500 người từ khắp Nhật Bản đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tiến sĩ Emoto và phát thiện niệm vào một chai đựng nước máy được đặt trên bàn làm việc của Tiến sĩ Emoto tại Tokyo. Mỗi người được yêu cầu nghĩ như sau: “Nước hãy trở nên tinh khiết bây giờ. Xin cảm ơn”. Thông điệp trìu mến này đã được phát ra cùng lúc bởi 500 người trên khắp Nhật Bản.

Và kết quả là nước máy trong chiếc chai tại Tokyo đã biến đổi từ hình thù vỡ vụn đen tối thành dạng tinh thể tuyệt đẹp.

Trái: Tinh thể nước máy. Phải: Tinh thể nước sau khi 500 người phát thiện niệm đến một chai nước máy. (Ảnh: Masaru Emoto)

Vạn vật trên thế gian đều có sinh mệnh

Từ thí nghiệm về nước của Tiến sĩ Emoto, chúng ta thấy nước có thể 'nghe, nhìn, hiểu' được ý của hình ảnh, chữ viết, âm nhạc, thậm chí cả ý nghĩ của con người. Không chỉ có nước, theo quan điểm văn hóa truyền thống phương Đông, "Vạn vật hữu linh", nghĩa là, tất cả mọi thứ trên thế gian đều có sinh mệnh, và cũng có tồn tại đặc tính của riêng chúng.

Lục Vũ hiểu được đặc tính của nước, giống như hiểu được tính khí, tính cách của một người bạn cũ. Vì vậy, ông mới có thể biết được loại nước đó đến từ đâu.

Có lẽ không khó để nhận biết được đó có phải là nước Nam Linh hay không, nhưng để nhận biết đó là nước ở vùng nước sâu hay nước gần bờ sông lại không phải việc dễ dàng. Đặc biệt là khi đổ hai loại nước này vào chung bình, chúng lại không hòa quyện vào nhau, đó có lẽ là khía cạnh biểu hiện của sinh mệnh! Nó cũng tương tự như “nước sông không phạm nước giếng”. Bởi vì chúng là một phần của những sinh mệnh khác nhau.

Vũ trụ này phong phú muôn màu muôn vẻ, vạn vật đều có khía cạnh biểu hiện của sinh mệnh, có người thì cũng có Thần có quỷ. Chỉ có những người như Lục Vũ, người chân chính cảm nhận được một phương diện khác của sinh mệnh, thì mới có thể phân biệt chính xác những sinh mệnh khác nhau.

Thần luôn tồn tại, ngay bên cạnh chúng ta. Chính “thuyết vô Thần” đã dựng nên hàng rào khiến con người khước từ chân tướng và ngăn cản con người biết về chân tướng của Thần.

Nam Phương
(Tổng hợp từ zhengjian, baidu, ntdvn)