Thursday, October 12, 2023

BIẾT VỌNG CỐ HƯƠNG, BIẾT THƯƠNG XỨ MÌNH

Cứ độ tết về, người miền Trung lại làm hàng chục loại bánh đặc trưng. Tết mà thiếu mấy loại bánh này, thì với người miền Trung thể như thiếu mất hồn quê.

Chợ Bà Hoa

Một buổi tối muộn, tôi theo nhóm thiện nguyện của chương trình phát vé xe miễn phí cho người miền Trung ở Sài Gòn về quê ăn tết, len lỏi trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM), rồi vòng qua Rạch Bùng Binh, tận khuya lắc mới đến được khu Cống Lở (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Nhiều lắm những người miền Trung bôn ba xa xứ, chọn gánh hàng rong, chiếc xe đẩy hay mẹt bánh trái mưu sinh giữa thị thành. Họ đều nghèo, quê nhà vừa đi qua bão giông. Họ chọn ở lại Sài Gòn mưu sinh những ngày tết, kiếm thêm chút đỉnh để gửi về quê.

Cái nghèo oằn lên vai những người con xa xứ. Vậy nhưng, cái tết miền Trung ở Sài Gòn của họ dẫu nghèo mà ấm áp tình đồng hương, cũng cố gắng chắt chiu để đủ đầy vị quê cho đỡ nhớ.

Một sạp đặc sản miền Trung

Tết giản dị nơi thị thành

Tôi vẫn hay gọi bà là ngoại Mười, từ hồi gặp ngoại lang thang với mẹt đậu phộng nấu, vài ba chùm tré, mấy bịch bánh tráng, dăm trái xoài, chục bịch trứng cút... Ngoại hay bán dọc đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai rồi lần ra tới nhà thờ Đức Bà.

Một đêm muộn của tháng Chạp gần chục năm trước, tôi gặp ngoại nơi tôi thường ngồi hóng mát - vườn hoa trước nhà thờ Đức Bà. Mua giúp ngoại vài món ăn vặt, nghe cái giọng trọ trẹ Quảng Nam mà thương đứt ruột. Cứ vậy mà năm này tháng nọ, tôi ghé tìm ngoại như thói quen, ngoại đúng giờ lại đến như một sự tương giao. Riết thành quý mến, ngoại có chục tré ngon sẽ ráng để dành chờ tôi, ai hỏi cũng không bán.

Chục năm rồi, giữa Sài Gòn hoa lệ, đâu có bao lần ngoại về quê ăn tết bởi nợ chưa trả hết, ráng bán mấy ngày tết, kiếm thêm chút đỉnh mà trả cho dứt. “Ngoại còn bao năm nữa đâu, chừng ngoại về, chắc nhớ mày dữ lắm”, ngoại hay nói với tôi như thế. Ngoại kể, vậy chứ mấy chị em bán chung, dân cùng miền, xúm lại ăn tết cũng vui. Tết cũng đầy đủ mâm cúng giao thừa đó con. Giờ muốn mua đồ miền Trung ở Sài Gòn dễ quá chừng.

Bánh tổ

Người miền Trung ăn tết nhất định chẳng thể thiếu món thịt heo ngâm mắm. Không chỉ là một món ngon ngày tết, đây còn là đặc sản nổi tiếng của khu vực này. Thịt heo ngâm mắm thường sử dụng thịt ba chỉ hoặc chân giò, luộc chín rồi ngâm trong hỗn hợp gồm nước mắm, giấm và đường tối thiểu ba ngày.

Từ 25 tết, những người miền Trung xa quê chọn cái tết ở lại, bắt đầu kéo nhau ra chợ, chọn những miếng thịt ngon nhất, để lưu giữ chút cội rễ quê hương giữa trời xuân của miền nắng ấm phương Nam. Trưa 30 tết, cúng rước ông bà, dù nghèo đến đâu cũng phải có món thịt ngâm mắm. Theo như ngoại Mười, đây cũng chính là cầu nối giữa các thế hệ con cháu với tổ tiên đồng thời là thông điệp gắn kết mỗi người với quê hương mình.

Hay như món bắp bò mật mía mà bác Tư, người hay đi bán cùng ngoại Mười gửi tặng tôi dịp tết năm ngoái. Ngoại bảo, quý ai lắm mới dám làm tặng. Bởi người miền Trung vốn dĩ tích cóp, cần kiệm, chẳng dám ăn cao sang nên chỉ dịp tết nhất mới làm món này. Hồi ngoại còn nhỏ, cứ hễ nghe mùi mật mía dậy thơm lừng trong căn bếp, là biết tết về.

Bánh thuẫn

Bắp bò kho mật mía sẽ được thái thật mỏng, cuốn với lá mơ, chuối chát, khế chua thái sợi, chấm tương Nam Đàn hoặc mắm nêm đâm ớt ngon. Bỏ một miếng thịt vào miệng là nghe cả một trời quê mình trong đó. Ngoại kể, mà ánh mắt xa xăm. Bận đó, tôi nhớ cả nhà mình đã xuýt xoa khen lấy khen để người miền Trung đúng là có món tết quá ư tinh túy.

Bánh Tết giữ nết quê

Cứ độ tết về, người miền Trung lại làm hàng chục loại bánh đặc trưng. Tết mà thiếu mấy loại bánh này, thì với người miền Trung thể như thiếu mất hồn quê. Vậy là theo lệ, nghe gió chạp réo gọi, dân xứ này bày biện khuôn, bột… nhẩm tính năm nay làm bánh gì, gửi cho ai. Riết thành cái nết của người miền Trung.

Bởi thế, bạn thử ngó những mẹt rong, xe đẩy hay gánh hàng len lỏi giữa xuân thị thành, hễ thấy trên đó bánh thuẫn, bánh nổ, bánh tổ, bánh in… đích thị dân miền Trung đang mang xuân xứ mình chia đều cho phố thị.

Ngoại Mười cũng vậy, mẹt bánh nhỏ xíu ngày tết của ngoại toàn mấy loại bánh quê. Ngoại nói, như mình đem quê đến gần chính mình. Bán buôn mấy ngày tết, ngó cái mẹt, cũng coi như mình biết vọng cố hương, biết thương xứ mình.

Bánh thuẫn là loại bánh lâu đời, có vị ngọt thơm và dễ làm nên được rất nhiều người yêu thích vào mỗi mùa tết. Bánh thuẫn khá giống bánh bông lan bởi vị ngọt, thơm. Riêng bánh nổ không chỉ là món bánh đặc sản mà còn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Bánh có vị ngọt vừa phải, mùi thơm dịu nhẹ từ gừng và đường nâu.

Làm bánh nổ khá đơn giản: người ta cho gạo nếp vào chảo rang khô, cho ít gừng và đường vào trộn đều, đổ vào khuôn gỗ, ép thật chặt, rồi lấy bánh ra cắt thành từng miếng nhỏ. Quá trình làm bánh nổ thường tạo nhiều tiếng nổ lúc rang gạo nên bánh mới có tên như thế.

Bánh nổ

Nhưng bánh in mới là bánh người người nhà nhà đều làm vào mỗi dịp tết đến xuân về. Bánh in thường được làm dạng hình tròn, biểu thị sự đủ đầy, đoàn viên. Để làm bánh in, trước tiên, người ta rang bột năng, bột nếp và thêm vài cọng lá dứa để tạo mùi thơm, trộn với nước đường, cho hỗn hợp vào khuôn, ép chặt tay rồi lấy bánh ra.

Chỉ chừng đó loại bánh quê thôi, mẹt của ngoại Mười đã ruổi rong khắp phố xá biết bao mùa xuân. Hỏi ngoại buồn không, ngoại nhớ nhà nhớ quê không, con cháu ngoài đó có trông ngóng gì không, ngoại không trả lời, chỉ vén vạt áo lên rồi chậm nước mắt. Tôi thấy mình có lỗi khi nhắc đến hai chữ “gia đình” với ngoại. Mùa này, nội gió tết thôi cũng làm người ta thèm quê đến thắt thẻo, huống chi nhắc đến quê hương xứ sở của những phận đời lưu dân trên đất Sài Gòn này.

Nhớ quê thèm vị, biết mô mà về?

Chừng ngoại đứng lên, chỉ gọn nhẹ câu nói, ngoại có con cháu gì đâu con. Ngoại gá nghĩa với một người đàn ông khi quá lứa lỡ thì. Chẳng may chồng ngoại bệnh rồi mất sớm. Nợ nần hồi chạy chữa cho ổng, ngoại trả chục năm cũng gần hết. Người ta kêu bán nhà đi, là xong. Nhưng mất căn nhà, biết nơi nào mai mốt xế bóng mà tá túc.

Chừng đôi ba năm nữa, chắc ngoại cũng về quê. Mà mai mốt ngoại về đó, ngoại cho mầy địa chỉ, có ghé qua xứ đó, tới thăm ngoại nghen bây!

Bánh in

Chục năm trường làm lưu dân thị thành, ngoại buông hai chữ “nghen bây” cũng ngọt xớt như dân Sài Gòn. Mỗi lần nhớ quê, ngoại hay ghé chợ bà Hoa ở Tân Bình. Chỉ cần nghe cái thổ âm trúc trắc là lại hết buồn. Ít ra, ở Sài Gòn cũng còn chốn đi về cho người miền Trung nhớ quê thì tìm đến, thèm vị thì ghé qua.

Tết của người miền Trung ở Sài Gòn cũng đủ đầy mâm cúng, bánh trái, món ngon xứ mình nhưng có lần giữa đêm giao thừa, ngoại Mười đang đứng lặng với mẹt bánh quê, nhìn pháo hoa thắp sáng bầu trời, chợt quay sang hỏi tôi: “Rồi pháo hoa tàn nó đi về mô bây?”. Không dưng tôi nghe sống mũi mình cay xè, nghe văng vẳng bên tai mấy câu ca dao:

“Nhớ xưa trả nợ ba đời
Chiều ba mươi tết mẹ ngồi nhìn con
Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo
Chừ đây hết cực hết nghèo
Vui theo ra ruộng nhàn theo về nhà”.

Trúc Thiên / Theo: PNO