Tuesday, April 23, 2024

HIỂU ĐƯỢC "LUẬT ĐUỔI RẮN" BẠN SẼ KHÔNG THẤY ĐAU KHỔ NỮA

Những khó khăn bên ngoài chỉ là biểu hiện, điều thực sự làm khổ chúng ta là nội tâm.

Buông bỏ được, tâm bạn sẽ bình an. (Ảnh Pixabay)

Nếu một ngày nào đó vô tình bị rắn độc cắn, liệu bạn có dùng gậy đuổi con rắn khắp núi non đồng ruộng, nhất định phải đập chết con rắn kia?

Có thể bạn sẽ nói: “Tất nhiên là không, làm như vậy thật quá ngu ngốc”.

Tương tự, trong cuộc sống bạn có thể đã từng trải qua những điều ngớ ngẩn như thế này:

Ai đó đã nói điều gì đó chạm vào chỗ đau của bạn, bạn tức giận và nghĩ rằng lần sau bạn sẽ cho họ biết mặt.

Có người vô tình làm cho bạn mất mặt, bạn ôm mối hận và nhắc đi nhắc lại khiến bản thân kiệt sức.

Bị người yêu phản bội khiến mối quan hệ tan vỡ, bạn đau khổ vô cùng, không ngừng đặt câu hỏi cho đối phương và còn nghi ngờ về chính mình… Bạn đã không nhận ra mình đã rơi vào “Luật đuổi rắn”.

Ảnh Pixabay.

Khi bạn tiếp tục sống trong quá khứ, thực ra bạn đang đuổi theo “con rắn độc” đã cắn bạn đến chảy máu.

Aristotle từng nói: “Không ai có thể hành hạ bạn, ngoài chính bạn”.

Nhiều khi, điều khiến chúng ta thực sự tổn thương không phải là người khác mà là những nút thắt, những oán hận không thể giải trong tâm.

Khi bạn quyết tâm “trả thù con rắn” đó, bạn đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để điều trị vết thương, cuối cùng sẽ chết vì chất độc của nó.

1. Oán hận không buông hại chính mình

Trong "Sinh tử mệt nhọc", Mạc Ngôn từng kể qua một câu chuyện như thế này:

Tây Môn Đồn, xã Đông Bắc huyện Cao Mật, vốn có một địa chủ, tên là Tây Môn Nháo.

Ông là người làm từ thiện, cả đời cần cù nhưng đã chết vì hận thù sau khi bị dân làng đối xử tệ bạc.

Khi đến Âm phủ, sự oán hận của ông ngày càng trở nên sâu sắc hơn, ông tiếp tục phàn nàn và kêu ca và không chịu đầu thai.

Mạnh Bà thuyết phục ông ta uống thuốc quên đi kiếp trước, nhưng ông ấy từ chối: “Tôi sẽ giữ tất cả những đau đớn, phiền muộn và oán giận trong tim mình. Nếu không tôi sẽ mất hết ý nghĩa khi quay trở lại nhân gian”.

Diêm Vương bất lực, kết án ông ta luân hồi sáu cõi.

Từ đó, Tây Môn đã trải qua những cuộc đời khác nhau của các con vật lừa, bò, lợn, chó và khỉ.

Con khỉ. (Ảnh Pixabay)

Tuy nhiên, vì mang theo oán hận đi đầu thai, không chỉ mỗi lần đều trả thù thất bại, còn bị người trong thôn giết thịt, chết thảm trong nạn đói.

Có một câu nói: “Điều tai hại lớn nhất của cuộc đời là khi cần buông, nhưng lại không ngừng bám víu, không dứt. Đáng lẽ nên thoát khỏi từ lâu, thì cuối cùng lại trở thành con rối của nỗi ám ảnh suốt quãng đời còn lại”.

Khi bạn đắm chìm trong những ân oán, chuyện quá khứ, thực chất là bạn đang gieo mầm mống tự hủy hoại chính mình, biến cuộc đời mình thành một bi kịch bất tận.

Wilde là một ngôi sao sáng ở London thời Victoria. Ông có vẻ ngoài quyến rũ, tài năng đáng kinh ngạc và một gia đình hạnh phúc.

Nhưng vào năm 1895, mọi thứ đã bị hủy hoại. Vào thời điểm đó, Wilde nhìn thấy một tấm áp phích trước cửa câu lạc bộ mà ông thường đến. Có người viết những chữ to trào phúng Wilde trên áp phích, còn chửi bới tác phẩm của ông là "Thấp kém hạ lưu".

Khi nhìn thấy vậy, Wilde tức giận không thôi, thề phải truy cứu việc này đến cùng.

Sau một cuộc điều tra nghiêm túc, ông phát hiện ra người dán áp phích là một kẻ vô lại nổi tiếng ở địa phương - Hầu tước Queensbury.

Vì vậy, Wilde tạm dừng tất cả các bài viết của mình và dành toàn bộ tâm trí của mình vào quá trình truy tố, thề sẽ đưa đối phương vào tù. Tuy nhiên, vụ kiện này kéo dài tới bốn năm.

Bốn năm tranh chấp pháp lý đã làm mất uy tín của Wilde, sự nghiệp viết lách của ông đi vào bế tắc và vợ ông đã bỏ ông.

Cuộc sống rực rỡ ban đầu bỗng chốc tan biến như bong bóng xà phòng.

Nietzsche có một câu nói nổi tiếng trong "Vượt ra ngoài Thiện và Ác": "Chiến đấu với rồng quá lâu, chính bạn sẽ trở thành rồng; nhìn chằm chằm vào vực thẳm quá lâu, và vực thẳm sẽ nhìn lại".

Trong chặng đường dài của cuộc đời, chúng ta thường gặp phải nhiều rắc rối, trở ngại. Nhưng điều thực sự khiến bạn tổn thương không phải là người khác, mà là nỗi ám ảnh bên trong bạn.

Nếu bạn luôn ép mình phải tranh đấu với vực thẳm đen tối, thì vực thẳm cũng sẽ dây dưa lại với bạn.

Nếu luôn ép mình dính líu đến những người xấu, việc xấu thì bạn sẽ càng lún sâu vào đó, khó thoát ra được.

Tâm an vạn sự an. (Ảnh Pixabay)

Tất cả không bỏ xuống được, nghĩ không thông, tâm ý khó bình hoà, suy cho cùng đều là do chấp niệm của bản thân mà lên.

Khi cạnh tranh một cách mù quáng, chính là đang trừng phạt bản thân vì lỗi lầm của người khác. Cuối cùng dẫn đến bản thân tuyệt vọng và oán giận không nguôi.

2. Buông oán hận là hành vi tử tế nhất đối với chính mình

Ở Đài Loan, tình yêu của Lý Ngao và Hồ Nhân Mộng luôn chịu đủ chỉ trích.

Họ từng yêu nhau mãnh liệt, nhưng cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài 115 ngày.

Lý Ngao sau khi ly hôn, không giữ thể diện nên có của mình, thỉnh thoảng tiết lộ những vấn đề tầm thường trong cuộc hôn nhân của hai người khi còn chung sống. Cũng đem cuộc sống riêng tư của Hồ Nhân Mộng phơi bày cho công chúng.

Bị sỉ nhục và chửi bới vô tận, khiến hình tượng công chúng của Hồ Nhân Mộng xuống dốc không phanh.

Có người hỏi Hồ Nhân Mộng: Cô đối đãi thế nào với Lý Ngao khi anh ta không chịu buông tha cô như thế?

Cô trả lời thế này: "Trong nhiều năm, anh ta vẫn làm nhục tôi như vậy, đó là một sự rèn luyện tốt cho tôi. Chỉ có sự căm ghét mới là kẻ hủy diệt".

Đúng vậy, đối mặt với phỉ báng, vu khống của người khác, bạn càng canh cánh trong lòng, thì bạn sẽ càng đau khổ. Nếu bạn coi nó như một cơn gió thổi qua, tâm bạn sẽ tự nhiên bình tĩnh và an nhiên.

Chu Quốc Bình từng nói: “Nếu đau thì là do bạn quan tâm. Càng quan tâm thì càng đau. Chỉ cần bạn không quan tâm thì một sợi tóc cũng không thể tổn thương được”.

Trước sự vu khống, tổn thương và rắc rối của người khác, sự quan tâm quá mức sẽ trở thành cái lồng giam cầm chính mình. Chỉ bằng cách học cách buông bỏ những tổn thương trong quá khứ, chúng ta mới có thể chào đón một tương lai mới.

Tha thứ cho người khác và buông bỏ quá khứ không phải là nhu nhược, mà là thành toàn và đối xử tử tế tốt nhất với chính mình.

3. Mọi khó nạn đến là để thành tựu bạn

Trong truyện Forrest Gump có câu: “Cuộc sống là một quá trình đào thải không ngừng. Dần dần bạn sẽ biết điều gì là quan trọng và điều gì là không quan trọng”.

Khi một người bắt đầu trưởng thành, họ sẽ biết lùi lại một bước trời cao biển rộng, sẽ không bị ràng buộc bởi những rắc rối và những chuyện tầm thường trước mặt.

Một khi con người đã có nhân cách lớn, thì mọi điều đúng sai sẽ trở nên nhỏ bé như hạt bụi. Bởi vì bạn bắt đầu hiểu: Những khó khăn của người khác, nghịch cảnh hiện tại chỉ là nền tảng để mài giũa nhân cách của chính bạn.

Khó khăn, nghịch cảnh là cơ hội để mài dũa nhân cách. (Ảnh Pixabay)

Khi bạn có thể nhìn vấn đề từ góc độ rộng hơn, bạn sẽ thấy con đường phía trước thật rộng lớn.

Joe Louis là nhà vô địch quyền anh nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ.

Một ngày cuối tuần, anh và bạn bè lái xe đi chơi. Trên đường đi đã vô tình va chạm với tài xế phía sau.

Khi đó đường đang tắc nghẽn, chiếc xe phía sau đã tông vào đuôi xe của Joe Louis. Rõ ràng đó là lỗi của người lái xe phía sau nhưng người lái xe kia lại vung nắm đấm đầy uy hiếp, muốn đánh Joe Louis.

Đối mặt với những rắc rối vô lý của đối phương, Joe Louis không những không tức giận mà còn lịch sự xin lỗi. Bạn của anh ấy không hiểu được hành vi của anh ấy.

Joe Louis mỉm cười nhẹ và nói với bạn mình: "Nắm đấm của tôi là để khoe với đối thủ trên sân, chứ không phải để đánh nhau với những kẻ nhàm chán".

Bing Xin đã nói trong "Stars": "Một con chim bay cao, sao phải cãi nhau với những con chim trong lồng? Bạn có bầu trời của riêng mình".

Cuộc sống là một hành trình quý giá.

Nếu bạn luôn lãng phí thời gian vào những điều xấu và những người xấu, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cảnh đẹp tuyệt vời.

Trước những khó khăn của cuộc sống, lựa chọn quên đi càng quan trọng hơn. Đối mặt với sự tổn hại do người khác gây ra, cười cho qua sẽ cao thượng hơn.

Cái gọi là trưởng thành là nhìn thấu thế giới mà vẫn giữ được sự bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn.

Khi bạn có thể coi nhẹ mọi thứ, dù có bao nhiêu tranh chấp và xáo trộn, chúng sẽ trở nên không đáng kể đối với bạn.

Nhà văn Lori Gottlieb viết: "Có sự khác biệt giữa đau đớn và đau khổ. Cảm thấy đau đớn không phải là lựa chọn của bạn, nhưng nỗi đau tiếp tục là lựa chọn của bạn".

Hạnh phúc hay đau khổ do chính ta lựa chọn. (Ảnh Pixabay)

Nhiều khi, những khó khăn bên ngoài chỉ là biểu hiện, thứ thực sự hành hạ chúng ta lại chính là nội tâm của mình.

Dù số phận có đầy thăng trầm và cay đắng, thì người cầm lái thực sự vẫn là chính chúng ta.

Nếu bị rắn cắn, điều quan trọng nhất không phải là đuổi theo mà phải nhanh chóng gọi xe cấp cứu.

Khi ai đó làm tan nát trái tim bạn, điều quan trọng nhất không phải là đắm chìm trong đó mà là tự chữa lành vết thương càng sớm càng tốt.

Khi bạn không còn gặp rắc rối với chính mình nữa thì mọi chuyện có thể hoàn toàn kết thúc.

Khi bạn có thể buông bỏ nỗi đau, trái tim bạn mới có chỗ để lấp đầy hạnh phúc.

Theo: Triệu Lệ - Aboluowang - Nguồn: Insights
Nguyên Anh biên dịch