Sunday, April 14, 2024

THÁNG CHAY RAMADAN CỦA NGƯỜI CHĂM ISLAM Ở ĐỒNG NAI

Người Chăm ở Đồng Nai đa phần là Chăm Islam hiện có trên dưới 3.000 người, đa số sống tập trung tại ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc và ấp 6 xã Bình Sơn, huyện Long Thành, số còn lại sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh.


Một năm theo Hồi lịch, người Chăm tổ chức nhiều lễ hội, trong đó có tháng Ramadan. Tháng Ramadan của người Chăm Islam còn được gọi đơn giản là Tháng ăn chay hay Tháng nhịn ăn. Tuy nhiên cách gọi chính xác nhất là tháng Ramadan vì các tín đồ Chăm Islam chẳng ăn chay hoàn toàn, cũng không nhịn ăn hoàn toàn.

Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Năm nay, tháng Ramadan rơi vài khoảng thời gian từ 11/3 và kéo dài trong 30 ngày. Ramadan là 1 trong 5 tín bắt buộc đối với những người theo đạo Hồi. Trong đó bao gồm tin tưởng thượng đế, hành lễ, bố thí, lễ Ramadan và hành hương đến Mecca.

Ý nghĩa của tháng Ramadan là nhịn ăn uống để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Đồng thời, hành động này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng.


Trong suốt tháng lễ người Chăm nhịn ăn, nhịn uống, không hút thuốc và ngay cả yêu đương vào khi trời còn sáng và chỉ được phép ăn uống khi không có ánh sáng mặt trời, và đọc kinh Koran trong những ngày lễ.

Mỗi ngày họ ăn chay từ 4 giờ đến 18 giờ, trong thời gian này mọi người không được ăn uống gì, kể cả nuốt nước miếng (chỉ được nuốt từ họng xuống), không được nhìn ngắm, tham gia vào các sinh hoạt vui chơi, giải trí… Thân thể, răng miệng phải luôn sạch sẽ. Buổi sáng có thể đi làm (thường là những việc nhẹ nhàng) buổi chiều nghỉ ngơi và chuẩn bị thức ăn cho buổi tối.


Đây là tục ép xác, chịu khổ để nhớ lại những thời kỳ gian khố nhất của Giáo chủ Mohammed khi sáng lập đạo Islam cũng như răn dạy mọi người phải nên biết quý trọng thành quả lao động và tỏ lòng biết ơn thượng đế đã ban của cải cho mình. Trong tháng chay Ramadan, những người khá giả thường làm phúc cho người nghèo. Một điểm đặc biệt là trong tháng Ramadan, không chỉ đàn ông, mà phụ nữ cũng có thể tới thánh đường dự lễ nhưng phải mặc lễ phục mackhana và che kín khuôn mặt.

Luật của đạo cũng quy định rõ những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo, được miễn trừ. Nhưng họ phải bù vào những dịp khác.

Người Chăm Islam hân hoan hạnh phúc khi tháng Ramadan kết thúc. Ngoài ý nghĩa thiêng liêng tự có của tháng Ramadan của Islam, người Chăm xem đây là dịp hội ngô. Dù đi làm ăn ở khắp mọi nơi đều quay trở về cùng gia đình, người thân, công đồng, cùng chia sẻ niềm vui hạnh phúc với những cảm nhận đói khát, để hiểu thêm người khó khăn hơn mình, để mở lòng nhiều hơn với những điều thiện nguyện.

Mai Phương
Theo: TT Xúc tiến Du lịch Đồng Nai