Sunday, April 28, 2024

THẦN THOẠI BẮC ÂU VỀ CÂY THẾ GIỚI YGGDRASIL

Thần thoại Bắc Âu về cây thế giới Yggdrasil đã được tìm thấy trong tập tài liệu “Sách của Vua”, cho thấy cái nhìn của người xưa về thế giới, thần thoại, hiện tại và tương lai…


Năm 1643, một vị giám mục tên Brynjolf Sveinsson đã được tặng bốn mươi lăm mảnh giấy da bê, trên đó ghi các bài thơ và văn xuôi có xuất xứ từ trung tâm của văn hoá bản địa Bắc Âu cổ đại. Bộ sưu tập này được gọi là Sách của Vua (Hoàng đế Kinh thư – tiếng La-tinh là Codex Regius), được cho là đã được viết vào khoảng năm 1270.

Trong khoảng thời gian từ năm 1270 đến năm 1643, bản thảo này đã được che giấu khỏi tầm mắt của công chúng, có lẽ để bảo vệ nó khỏi bị tiêu hủy bởi một tôn giáo mới xuất hiện ở Rome. Gia đình nào đã bảo vệ bản thảo này trong hơn 300 năm? Chúng ta không biết điều đó, và chúng ta cũng không biết gì về truyền thống của họ, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng đây là một bí mật thâm sâu đã được cất giấu qua hàng thế kỷ vào thời Trung Cổ.

Vị giám mục này không tự mình lưu giữ bản thảo; thay vào đó, ông tặng bộ sưu tập này cho nhà Vua Đan Mạch. Bản thảo này đã được lưu trữ ở thủ đô Copenhagen cho đến năm 1971, khi nó được gửi trở lại Iceland.

Codex Regius (Hoàng đế Kinh thư) gồm các bài thơ và văn xuôi Bắc Âu cổ đại. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Các tàu chiến đã chuyên chở bản thảo này vượt đại dương, vì việc vận chuyển bằng máy bay khi đó được xem là quá rủi ro đối với một tập tư liệu có giá trị đến vậy. Không lạ gì: những miếng giấy da bê này là một trong những di sản hiếm hoi về lịch sử bản địa của khu vực Bắc Âu.

Khi chúng ta mở những trang bản thảo cổ xưa này ra, chúng ta sẽ nhận thấy trung tâm của thần thoại Bắc Âu được chứa đựng bên trong một biểu tượng cổ xưa: Cây Thế giới Yggdrasil.

Tôi thấy đứng sừng sững một cây tần bì có tên gọi là Yggdrasil,một thân cây cao, thấm đẫm mùn đất sáng ngời; từ đó những hạt sương buông xuống thung lũng, một vùng xanh mát bất tận, nó đứng trên giếng nước số phận.(Lời tiên tri của Seeress)

Cách dịch hợp lý nhất cho cái tên Yggdrasil là ‘Con ngựa của thần Odin’. ‘Ygg’ là một cách gọi khác của thần Odin, và ‘drasil’ có nghĩa là ‘con ngựa’. Tuy nhiên, ‘drasil’ còn có nghĩa là ‘người tản bộ’, hay ‘người tiên phong’. Một số học giả cho rằng cái tên này có nghĩa là ‘Thần Odin người tản bộ’’. Trong một số phần trong bản thảo, hai từ Yggdrasil và Odin dường như đề cập đến cùng một đối tượng.

Cách dịch hợp lý nhất cho cái tên Yggdrasil là ‘Con ngựa của thần Odin’. Hình minh họa thần Odin cưỡi con ngựa 8 chân Sleipnir từ một bản thảo từ thế kỷ 18 của Iceland. (Ảnh: Wikimedia)

Khi thần Odin bị treo ngược và bị đâm xiên trong chín ngày trên Cây Thế giới, ông đã thốt lên rằng ông đã ‘hy sinh bản thân mình cho chính mình’. Đoạn thơ này miêu tả cho chúng ta về sự thống nhất giữa Vị thần tối cao và Cây Thần trong các thần thoại. Để nhấn mạnh mối liên hệ này, chúng ta thấy trong tiếng Anh cổ có từ ‘treow’, vừa có nghĩa là cây (tree) vừa có nghĩa là chân lý (truth). Vì vậy, về mặt từ nguyên học, ‘chân lý’ và ‘cây’ đều bắt nguồn từ cùng một gốc.

Do đó, trong sự tích sáng thế của thần thoại Bắc Âu, đàn ông và phụ nữ đều bắt nguồn từ cây cối. Chúng ta đều là con cái của cây Tần bì (Ash) và cây Du (Elm): người đàn ông đầu tiên có tên là Ask, sinh ra từ cây Tần bì (Ash), và người phụ nữ đầu tiên có tên là Embla, sinh ra từ cây Du (Elm). Khí ôxy từ chúng cung cấp những điều kiện căn bản cho sự sống. Ông Ask và bà Embla đã nảy mầm từ những hạt của Cây Thần Yggdrasil, và vì vậy tất cả con người đều nảy sinh ra từ trái của Cây Thần Yggdrasil, sau đó được hai con cò góp nhặt, và mang đến cho các bà mẹ đang hằng mong ước. Theo văn học dân gian Bắc Âu, trẻ em được sinh ra từ các hốc mắt gỗ trên thân cây thông, vốn là một phiên bản khác của cùng một câu chuyện thần thoại,

Thần Odin tạo ra hai người đầu tiên: ông Ask và bà Embla. Tác phẩm của Karl Gjellerup vào năm 1895 với nhan đề ‘Den ældre Eddas Gudesange’. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Artur Lundkvist là một trong những người tôn thờ cây cối vĩ đại nhất trong văn học Thuỵ Điển. Dưới đây là một trích đoạn trong đó bày tỏ cảm thụ của ông về về cây cối và rừng cây:

‘… trong mỗi con người có một cái cây, và trong mỗi cái cây có một con người, tôi cảm nhận được điều này, cái cây đang lang thang trong một con người, và con người bị kìm hãm trong cái cây… Tôi dạo khúc nhạc êm dịu của rừng cây, biển rừng là đại dương lớn thứ hai trên Trái Đất, một đại dương trong đó con người phiêu diêu vô định. Rừng cây làm việc một cách âm thầm, hoàn thiện công trình vĩ đại của tạo hóa; cùng với gió, làm không khí trong lành, làm khí hậu dịu mát, giúp hình thành đất mùn, gìn giữ tất cả những gì thiết yếu nhưng không làm chúng suy kiệt’.

Con người biểu tượng cho thần cây Yggdrasil bằng cách trồng cái được gọi là ‘cây-coi sóc’ hay ‘cây giám hộ’, tại chính giữa mảnh đất của mình. Đây là phiên bản thu nhỏ của Cây Thần Yggdrasil, và là một cảnh quan trang nghiêm trong sân nhà. Cây giám hộ là một cách biểu đạt hình tượng của sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta và thế giới xung quanh. Nó tồn tại một linh hồn để dõi theo mọi sinh linh lớn lên bên dưới tán lá và bóng cây của mình. Một khi cây giám hộ chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ trong gia đình, thì mối quan hệ giữa cái cây và gia đình sẽ được củng cố; một mối quan hệ được coi là riêng tư và bí mật trong nội bộ gia tộc. Rất nhiều cây giám hộ như vậy vẫn còn có thể được thấy ở Bắc Âu. Tôi cho rằng đây là nguồn gốc của cây thông Giáng Sinh. Chúng ta đã vô tình mang cái Cây Thế giới vào ngôi nhà của mình vào mỗi dịp đông chí.

Thần cây Yggdrasil trong tập Văn xuôi Edda. Tranh của hoạ sĩ Oluf Olufsen Bagge vafp năm 1847. (Ảnh: Wikimedia)

Từ tập bản thảo da bê cổ đại, chúng ta còn biết thêm rằng Cây Thế giới không phải là một thực thể siêu nghiệm đột phá khỏi thời gian và không gian; thay vào đó, nó có sức sống, là hữu cơ, mỏng manh và mạnh mẽ, và bị giới hạn trong ba chiều của thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Tính mỏng manh của cây Yggdrasil luôn là điều được các vị Thần quan tâm đến. Có một con rồng tên là ‘răng độc’ (Bane Biter) gặm bộ rễ sâu nhất của Cây Yggdrasil. Cũng có những loài động vật khác tấn công Cây Thần: bốn con hươu gặm các cành cây có tên là Dain, Dvalin, Duneyer và Durantro. Theo mô tả, các con hươu Dain và Dvailin trông ‘như thể đã chết’ hay ‘sống dửng dưng, trong màn sương’. Có hai con vật đứng trên nóc hoàng cung Valhala (nơi cư trú của các Vị thần) là con dê Heidrum và con hươu Eiktyrmer, và chúng cũng ăn các cành cây – nhưng chúng tặng lại cho Cây Thần những món quà. Con dê tặng cho Cây Thần rượu mật ong còn con hươu rỏ nước từ cặp gạc nhung của mình xuống phần rễ. Cả hai con vật này được cho là sống hòa hợp với Cây Thần.

Bốn con thú gặm rễ cây Yggdrasill. Từ bản thảo Iceland thế kỷ 17. (Ảnh: Wikimedia)

Ba người phụ nữ thông thái được gọi là các bà Norn là người bảo vệ và giám hộ Cây Thần. Ba bà Norn dệt vải trên một khung cửi tượng trưng cho thời gian. Tên của ba bà là Urd, Verdandi, và Skuld, lần lượt tượng trưng cho quá khứ, hiên tại, và tương lai. Mỗi buổi sáng, những tán lá của Cây Thần Yggdrasil lại rỏ xuống thung lũng một giọt sương le lói ngọt ngào; giọt sương này là ký ức về ngày hôm trước. Trước khi ánh Mặt Trời làm giọt sương bốc hơi, bà Urd sẽ thu thập giọt nước chứa ký ức này và đổ vào cái giếng của mình: Giếng Ký ức. Giọt nước sương này được gọi là Aurr. Ở chính giữa giếng nước của bà Urd có hai con thiên nga thần thánh, và chúng sẽ tạo thành hình trái tim với những cái cổ dài khi bơi đối diện nhau, tạo nên biểu tượng sinh sôi nảy nở của thần Frey (thần tình yêu và sinh nở). Tình yêu nảy nở từ giếng thần này. Nếu quá khứ bị xoá bỏ, ký ức bị lãng quên, thì gốc rễ của Cây Thần sẽ khô cạn. Bà Verdandi, hiện thân của hiện tại, cai quản các loài hoa trong mùa hoa nở, thời điểm sự sống được cho là sẽ hiển lộ. Bà Skuld giúp các loài hoa vươn tới tương lai. Điều thú vị là, cái tên Skuld lại ám chỉ việc nợ nần, như thể tương lai nợ một điều gì đó từ những việc được làm trong quá khứ.

Ba bà Norn là Uror, Verdandi và Skuld dưới tán cây thế giới. Trong tác phẩm của Wagner Wilhelm vào năm 1882. ‘Nordisch-germanische Götter und Helden’. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Cây Thế giới có mối liên hệ mật thiết với các giai đoạn sáng thế, thành trụ và hoại diệt của nhân loại. Cây Thần dạy chúng ta rằng cây cối gắn liền với số phận của nhân loại. Chúng ta nắm giữ trách nhiệm phải coi sóc quá khứ, ghi nhớ những gì đã mất, đồng thời trân trọng thế giới tươi đẹp phồn vinh này, khoảnh khắc hiện tại, trong khi hướng tới một viễn cảnh trong tương lai.

Tác giả: Andreas Kornevall, Ancient Origins.
Hoàng Sâm biên dịch
Link bài gốc: