Ta hãy nghe anh kể lại “chuyện Kha Luân Bố Dũng phát hiện mì ở New York”:
“Trong lúc ngồi chờ, tôi nhìn quanh thấy thực khách người gốc Á ở New York ăn mì khá kỳ khôi. Chuyện bưng cả tô húp nước lèo dù có khó coi nhưng cũng tạm quen nhưng chuyện lấy cái muỗng múc mì đưa vô miệng, cọng mì rớt lên rớt xuống thiệt tình ăn kiểu đó thì mì có ngon cũng thành trớt quớt.
“Anh bạn tôi biện hộ: “Người Việt, người Hàn, người Nhật, kể cả người gốc Tàu, để biết họ mất gốc bao nhiêu phần trăm cứ nhìn cái cách họ ăn mì mà đoán biết. Những người sống như Tây, từ chối dùng đũa ăn mì không biết là nên mừng hay nên buồn!”
“Sau khoảng mười phút, trên bàn chúng tôi đã có một tô mì thiệt bự. Chúng tôi đoán chừng mì trong tô không phải là mì vắt như thường thấy ở Chợ Lớn. Ngó qua ông bếp đang nấu mì, chúng tôi thấy họ trụng một lần cả thau mì tươi. Nhớ cái cảnh mấy ông bếp ở Chợ lớn trụng mì theo từng vắt mì, trụng từ nước sôi, qua xả bằng nước lạnh rồi dùng đôi đũa giũ cho từng sợi mì rời ra, sợi nào ra sợi đó sao mà công phu quá.”
Tìm tô mì ngon nhứt xứ!
Dũng cũng nói đã từng ăn mì ở Hong Kong một lần và thấy “dở tệ luôn”.
Một cô bạn đồng nghiệp ký bút danh Hùng Khương, xác nhận rằng mì Thượng Hải cũng thua mì Chợ Lớn.
Như vậy mì Chợ Lớn nhứt thế giới rồi. Thế còn mì Sài Gòn – Chợ Lớn ngon nhứt ở đâu?
Trong một buổi trò chuyện cuối năm với mấy người bạn, Trần Việt Đức, tác giả ảnh cuốn Ăn vặt Sài Gòn vừa xuất bản, nghe một chị bạn sành ăn mách cho quán mì ngon nhất Sài Gòn.
Chị bạn này nói: quán này dời chỗ đến ba lần, khách phải đi tìm nó, vì quen với nó, không ăn mì ở đâu ngon bằng.
Chuyện cột đi tìm trâu này cũng khá thú vị. Chúng tôi cũng bèn “cột đi tìm trâu”.
Nhưng, như đã nói, nhiều quán nổi tiếng Sài Gòn không có tên. Nhất là loại quán “nghe nói”. Khi Đức gọi điện hỏi lại chị bạn, sau khi đi một đoạn dài qua bên kia cầu Nhị Thiên Đường, không thấy quán mì nào. Chị không trả lời được quán ở đâu.
Hỏi người dân địa phương thì họ cũng ú ớ, vì quán “nghe nói”, tên quán không có. Một người dân quận 8 có vẻ sành sõi, chỉ: nên quay lại cầu Nhị Thiên Đường, phía bên kia có nhiều quán người Tàu hơn. Nhớ để ý phía bên trái.
Bên trái là đường Tuy Lý Vương – một con đường có nhiều quán ăn, lại mang tên một nhà thơ con vua Minh Mệnh; nó tréo ngoe giống như người ta lấy tên một thi sĩ khiếm thị đặt cho một hãng phim.
Đi một đoạn, nhìn vào từng quán mì, chợt thấy có một quán cũ kỹ, nhưng khách đông nghẹt, xe dựng đầy bên vỉa hè một nhà thờ Tin Lành bên cạnh, có cả xe hơi.
Chẳng biết có đúng là quán này không, chúng tôi vào. Gọi hai tô mì. Một khô một nước. Trần Việt Đức nói: “Ăn mì phải ăn khô mới thử được hết độ ngon.”. Có lý của anh ta, nhưng đó không phải là cái lý của tất cả dân ăn mì.
Quán này có hai cái riêng là heo viên và tôm viên; các thức khác được “tỉa tót” công phu về độ chín, nhất là mấy miếng gan heo. Nước ngon, mì nước tới cuối cùng hơi nhão, mặc dầu quán để riêng một người chuyên chăm sóc việc trụng và giũ mì tươi cho các sợi rời ra.
Ăn với cả các giác quan
Sợi mì ngon là khi ăn đến những miếng nước cuối cùng của tô mì, chúng vẫn còn “bảo lưu” được cái dai sừn sựt. Nhiều người nhìn đâu cũng thấy “sạn” cho rằng dai như vậy là do dùng nhiều nước tro tàu (để lấy KOH), không nên, không tốt cho sức khoẻ. Thực ra, với phương tiện hiện nay, khâu nhồi trộn cũng góp phần đáng kể vào độ dai của sợi mì. Vả lại, ta cũng không ăn mì hàng ngày để gọi là lạm dụng KOH.
Trụng mì lại là một bí quyết khác để bảo vệ độ dai của sợi mì. Mỗi khi vào tiệm mì, bao giờ tôi cũng chú ý đến thao tác trụng mì của quán. Ban đầu, mì được trụng vào nước sôi, rồi vớt nhanh ra đưa vào nước lạnh và vớt ra, trụng vào nước sôi lần nữa, sau đó mới giũ.
Sợi mì ngon nhất mà tôi đã trải qua là ở một cái quán nhỏ trên đường Trần Quốc Thảo, gần đoạn đường Trần Quốc Toản đâm ra. Sợi mì nước ăn dai đến phút cuối của tô mì. Quán mì nhỏ, nhưng tầm gần chín giờ sáng, đã hết mì sườn, mì cá, chỉ còn mì thập cẩm, mì hoành thánh.
Quán mì ở 67 Tuy Lý Vương chỉ là quán mì ngon, không thể là quán ngon nhất, như truyền tụng. Nó đúng là cái quán đã dời ba lần. Mới đầu là đầu quân cho nhà hàng Đại La Thiên, sau đó tách ra dời đến một địa điểm ở quận 5. Về quận 8, “đây là nhà riêng, về đã sáu, bảy năm nay”, ông chủ quán xác nhận.
Ở khu quận 8 này, mặt bằng giá tô mì, tô phở là 18 – 20.000, quán 67 tính 30.000 (1) mà khách vẫn đông chứng tỏ mì ngon.
Những quán mì ăn là nhớ phải gồm đủ thứ mà ký ức ta một thời trải qua. Quán 67 không có chiếc xe tranh kiếng có một khoảng bàn liền với xe – một cái không gian ăn, mà khách có thể thưởng thức mùi hương của cả chiếc xe mì.
Mặc dầu, ở đây, giữa những người nhà vẫn nói tiếng Hoa với nhau, vẫn có thứ tiếng Việt lơ lớ. Nhưng chưa đủ. Thiếu những không gian và âm thanh như vừa kể, không thể là quán mì ngon.
Những hiệu mì còn sống sót hiện nay, trên đất này, là những hiệu mì có được thứ tài sản đáng kể: số “thực giả” trung thành đủ cho quán sống còn.
Mì như là một di sản của Sài Gòn. Không ở đâu có phiên bản mì như ở xứ này được những người sành ẩm thực như Trần Tiến Dũng, chứng nhận, để ta luôn có dịp chở cơm đi ăn mì, như đã từng chở cơm đi ăn phở.
Chú thích:
(1) Thời giá năm 2011
Ngữ Yên
(trích từ Sài Gòn ẩm thực sắc sắc không không, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2022)
Theo: saigonthapcam
No comments:
Post a Comment