Nhằm cung ứng năng lượng cũng như dưỡng chất cho mọi hoạt động tâm thể, con người phải ngày ba bữa ra vào không kể. Mỗi bữa ăn tất nhiên đều có vai trò và giá trị dinh dưỡng. Bằng chứng là theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không dưới 70% trường hợp bệnh lý có mối liên hệ mật thiết với chuyện ăn uống trật vuột sao đó. Bằng chứng là người cho dù có đủ ngày 3 bữa nhưng thất thường sớm muộn cũng là khách hàng tiềm năng của… thầy thuốc!
Nhưng nếu chọn chỉ tiêu là tác dụng phục hồi thì ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất. Lý do rất đơn giản, vì cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng trong giấc ngủ. Nếu tưởng thời điểm dành cho giấc nam kha là khoảnh khắc thụ động dể cơ thể mệt nghỉ thì sai. Chính trong giấc ngủ mà kháng thể chống viêm gan, chống siêu vi cảm cúm… được tổng hợp. Sợi collagen giúp da ít nhăn được tái tạo, hồng cầu được tủy xương sản xuất, kích ứng thần kinh được ghi vào bộ nhớ… với tiến độ cao gấp nhiều lần trong ngày. Cơ thể, đặc biệt là bộ não, vì thế tiêu thụ năng lượng trong lúc ngủ thậm chí cao hơn người làm việc nặng, vận động viên cử tạ. Đó chính là lý do tại sao người bệnh mãn tính chậm hồi phục nếu không có giấc ngủ ngon. Đó cũng chính là lý do vì sao cần ăn khi thức dậy.
Nếu bữa ăn sáng quan trọng đến thế thì câu hỏi trên thực tế tất nhiên xoay quanh trọng điểm ăn sáng kiểu nào có lợi nhất cho sức khỏe. Để đi tìm ẩn số, các nhà nghiên cứu ở Đại học Paris đã đặt tất cả kiểu điểm tâm trên khắp 5 châu dưới lăng kính bới lông tìm vết của y học. Câu trả lời của họ, tất nhiên dựa vào tiêu chí khách quan và thực nghiệm, đã gây ngạc nhiên cho ngành dinh dưỡng vì đáp án là cách ăn sáng với các món có nước, như phở, bún bò, bánh canh, cháo… ở nước mình là kiểu tốt nhất cho sức khỏe. Nói không chỉ có sách, mà vì mách có chứng. Chuyên gia ở kinh đô ánh sáng sở dĩ phải chấm điểm thấp cho bánh mì bơ mứt thịt nguội để bấm bụng khen người da vàng là vì bữa ăn sáng với món có nước:
- Trung hòa lượng chất chua trong cơ thể sau đêm dài lắm mộng với sổ đỏ, thuế má, doanh thu, nợ nần, lận đận tình duyên… nên thực khách nhờ đó ít đau bao tử;
- Tạo điều kiện tối ưu để chuyển hóa chất đường trong khẩu phần một cách hòa hoãn nên người chọn món điểm tâm vừa ăn vừa húp xì xụp no dai hơn và tránh được hiện tượng hết pin chỉ sau vài giờ làm việc;
- Hưng phấn sức kháng bệnh, cụ thể là chức năng huy động bạch cầu và thực bào nhờ bữa ăn sáng không ngày nào cũng thế như cách ăn sáng đơn điệu của phương Tây;
- Phóng thích các loại nội tiết tố gây lạc quan, như endorphin của tuyến yên, để khách sành điệu yêu đời yêu người trước khi bước ra quán cóc.
Tất cả ưu điểm của cách ăn sáng theo kiểu “made in Vietnam” chỉ có thể khả thi nếu món ăn sạch và ngon vì kích ứng từ thần kinh vị giác được dẫn truyền về đúng điểm rơi ở não bộ. Nói cách khác, nói qua nói lại thế nào cũng vậy, muốn ăn cho khỏe phải ăn cho ngon. Nếu hội đủ điều kiện đó, các món ăn sáng độc đáo và đa dạng ở xứ mình chắc chắn là phần không thể thiếu để du lịch nước ta thêm điểm cạnh tranh.
Tiếng Việt hay không chỉ ở chỗ tượng hình, khéo hơn nhiều chính ở điểm đơn giản mà thâm thúy. Bữa ăn sáng còn được gọi là bữa “lót lòng”. Chào một ngày mới bằng cách lót sao hài lòng mình để nhờ đó sống sao cho vừa lòng người, còn gì khéo hơn?
BS Lương Lễ Hoàng