Nguồn: WATM
Con tàu hơi nước từ từ trườn vào cảng, cố gắng yên lặng hết sức có thể trong phạm vi cho phép của tiếng bánh guồng đập vào nước và tiếng động cơ gầm gừ. Một màn sương mù giúp ẩn giấu bọn họ, trong lúc những người trên tàu cố gắng nỗ lực hành tung kín đáo nhất có thể.
Họ đang trong một nhiệm vụ bí mật và nguy hiểm vào đêm tháng 5 năm đó - một nhiệm vụ có thể thay đổi hoặc chấm dứt cuộc đời những người này.
Trên con tàu không có một viên sĩ quan nào hết, chỉ có một người đàn ông trong trang phục thuyền trưởng đứng trên boong tàu. Người này tên Robert Smalls, và trên con tàu vừa được đánh cắp này, ông đang đưa bản thân và những người bên dưới boong tới tự do, thoát kiếp nô lệ.
Smalls vốn được sinh ra với số phận nô lệ vào 23 năm trước đó, ngày 5/4/1839. Mẹ ông là một người hầu tên Lydia Polite ở Beaufort, Nam Carolina. Robert có phần may mắn hơn những đứa trẻ nô lệ khác khi người ta nghi rằng chủ của ông - Henry McKee, cũng chính là cha ông. Dù vậy, mẹ ông vẫn muốn con mình thấu hiểu nỗi đau của những nô lệ da đen tại nước Mỹ thế kỷ 19 bằng cách cho ông ra đồng làm việc và bắt phải chứng kiến những trận đòn roi.
Cuộc trốn thoát định mệnh
Kế hoạch đánh cắp con tàu hơi nước dài 45m CSS Planter cũng bắt nguồn từ chính những trải nghiệm trên. Robert thậm chí còn là một trong những hoa tiêu giỏi nhất cảng, hiểu những con nước như lòng bàn tay đến mức có thể điều hướng, phát hiện những bãi cạn hay vùng nước nông kể cả trong đêm tối - một kỹ năng đặc biệt quan trọng trong quá trình tẩu thoát hôm đó.
Mặc dù bị các sĩ quan da trắng coi thường và từ chối gọi là hoa tiêu vì thân phận nô lệ, Robert đã tự đóng vai thuyền trưởng trên con tàu định mệnh đó để rời khỏi Charleston.
Robert mới 12 tuổi khi được ông chủ gửi vào thị trấn. Qua nhiều năm, ông đã trải qua vô số công việc, từ bồi bàn tại một nhà hàng sang chảnh, người dựng cột buồm, đến bốc xếp hàng lên tàu trước khi được tuyển vào thủy thủ đoàn của tàu Planter. Robert cảm thấy đặc biệt gần gũi với những dòng nước và với đầu óc kinh doanh nhạy bén, từ số tiền công 1 đô mỗi tuần, ông tiết kiệm được khoản tiền lên tới 100 đô bằng việc bán hoa quả, bánh kẹo và thuốc lá trên boong tàu.
Castle Pinckney, chốt chặn đầu tiên trên hành trình của họ - Nguồn: Getty
Robert vốn định dùng số tiền dành dụm đó để tự mua lấy tự do cho mình. Tuy nhiên, rất sớm thôi ông đã có một kế hoạch khác là tẩu thoát ngay trên con tàu Planter đêm 12-13/5/1862. Mọi chuyện bắt đầu khi 3 sĩ quan quản lý tàu bỏ cả quy định và để mặc thủy thủ đoàn toàn nô lệ trên tàu để lên bờ. Đây không phải lần đầu tiên họ làm vậy - Robert đã chờ thời cơ này từ trước và dặn những người khác chuẩn bị sẵn sàng. Trong số thủy thủ đoàn, chỉ có 2 người không ở lại với ông.
Khi thời điểm đến, họ khởi động nồi hơi và cho tàu chạy lừ lừ tới một điểm hẹn trước - nơi họ sẽ đón gia đình mình, gồm cả vợ con Robert, trước khi chèo ra khơi.
Tại Charleston, Robert đã kết hôn với một nô lệ khác tên Hannah, họ có đứa con gái đầu là Elizabeth. Mặc dù được ở chung, nỗi sợ về việc bị bán đi và chia ly cả gia đình khiến Robert cân nhắc việc mua lại vợ con mình từ người chủ của họ.
Tuy nhiên, giá tiền cho cả hai lúc đó đã là 800 đô, quá nhiều với con số dành dụm được của Robert. Vào lúc người con thứ hai ra đời, hai vợ chồng thảo luận với nhau và nhất trí rằng cách duy nhất để họ có thể ở bên nhau là trốn thoát.
Với tổng cộng 16 nô lệ gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên tàu, Planter quay ngược lại và khởi hành trong chặng nguy hiểm nhất của hành trình. Nếu bị bắt được, họ sẽ đối mặt những hình phạt khủng khiếp nếu không muốn nói là cái chết. Khói và âm thanh từ động cơ của con tàu khiến nó gần như không có cơ may nào băng qua cảng Charleston mà không bị phát hiện.
Vậy nên, Robert biết rằng họ phải diễn sao cho con tàu trông có vẻ như đang đi tuần tra một cách hết sức bình thường bằng cách băng qua 4 trạm kiểm soát quân đội với các ụ súng trên bờ biển có khả năng thổi bay cả con tàu.
Fort Sumter - chốt chặn cuối cùng đến tự do của 16 người nô lệ - Nguồn: Getty
Lý do cho loại vũ khí này là cuộc Nội chiến Hoa Kỳ lúc đó đã diễn ra trong 13 tháng, khi Charleston là một cảng quan trọng đối với phe miền Nam. Tuy nhiên, phe Liên Bang đã áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân đối với toàn bộ đường bờ biển của Liên minh miền Nam, vì vậy các tàu của Liên minh đã thả neo cách đó chỉ vài dặm. Smalls biết điều này bởi Planter là một tàu điều động vũ trang để vận chuyển vũ khí cho quân đội. Vào thời điểm ông trốn thoát, nó có 4 khẩu đại bác và 200 pound đạn dược trong kho.
Smalls biết rằng mình sẽ giao con tàu này cho phe Liên Bang trên con tàu trốn thoát kiếp nô lệ. Ông đã dành tới vài năm để hiểu con tàu như lòng bàn tay và cách vượt qua mỗi điểm kiểm soát. Vào ban đêm, ông mặc đồ thuyền trưởng và thậm chí còn diễn ra dáng vẻ như một thuyền trưởng thực thụ.
Planter đã vượt qua 3 trạm kiểm soát - Castle Pinckney, Fort Ripley và Fort Johnson - mà không xảy ra sự cố, nhưng trạm kiểm soát cuối cùng là Fort Sumter: một pháo đài đáng sợ trên một hòn đảo nhân tạo với những bức tường cao và nhiều hỏa lực.
Những người còn lại trên tàu muốn đi vòng qua chốt chặn cuối cùng này nhưng Robert tin rằng điều đó chỉ khiến họ có vẻ khả nghi. Vào khoảng 4h15 phút sáng, ông phát tín hiệu và một lúc sau mọi chuyện đã rõ ràng: họ đã vượt qua bình an.
Tuy nhiên vẫn còn một chướng ngại cuối cùng: Hải quân Liên Bang đang phong tỏa có thể bắn vào Planter - một con tàu kẻ địch, đặc biệt nếu nó còn treo cờ Liên Minh. May mắn là Robert kịp phát hiện ra điều này và thay lá cờ bằng một tấm ga trải giường trắng. Chỉ một lúc sau, con tàu tiếp cận USS Onward và giải thích mọi việc trước sự ngỡ ngàng của các thủy thủ Liên Bang.
Khi giao nộp con tàu, Robert không quên căn dặn: “ Tôi đang giao lại vật liệu chiến tranh này gồm những khẩu pháo để Ngài Abraham Lincoln tận dụng thật tốt”.
Vị anh hùng của tự do
Nhờ chiến công này, báo chí tại Liên Bang miền Bắc lúc đó ca ngợi ông là một anh hùng chiến tranh. Nhờ giao nộp tàu Planter, ông được nhận một khoản tiền thưởng 1.500 đô. Ông nổi tiếng đến mức được gặp Tổng thống Lincoln và đã phần nào truyền cảm hứng cho quyết định để binh lính da đen tham gia quân đội Liên Bang.
Robert được tuyên dương khắp các mặt báo vì thành tích của mình - Nguồn: Getty
Nhưng đó vẫn chưa phải là phần kết câu chuyện về Robert mà trái lại, mới là phần mở đầu cho cả cuộc đời tự do phía trước. Điều đầu tiên ông làm dưới vai trò một công dân tự do là tham gia hải quân Liên Bang và lên tới chức thuyền trưởng USS Planter, trở thành người da đen đầu tiên nắm giữ vị trí này trong quân đội Mỹ.
Sau khi Nội chiến kết thúc, Robert không chọn ở lại miền bắc mà thay vào đó quay về Nam Carolina để tiếp tục sự nghiệp vì người da đen. Sau khi học đọc và viết, ông trở thành một doanh nhân thành công, xây dựng trường học cho học sinh da đen và mở một tòa báo. Sự nghiệp quân ngũ của Robert cũng không kém lẫy lừng khi ông giải ngũ với quân hàm thiếu tướng.
Thời kỳ Tái thiết sau chiến tranh lần đầu tiên mở ra cánh cửa chính trường cho người da đen, và Robert là một trong những người đầu tiên bước qua nó. Từ năm 1868, ông phục vụ trong Hạ viện Nam Carolina, trước khi trở thành thành viên của Thượng viện vào năm 1870.
Đến lúc đó, ông đã thể hiện sự sẵn sàng đấu tranh cho quyền của người da đen: khi bị loại khỏi một chiếc xe điện chỉ dành cho dân da trắng ở Philadelphia vào năm 1864.
Là một chính trị gia, ông đã giúp soạn thảo hiến pháp mới của tiểu bang, thành lập Đảng Cộng hòa Nam Carolina và vận động cho công tác xã hội cũng như giáo dục.
Nguồn: Getty
Năm 1874, Smalls được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ, và phục vụ một số nhiệm kỳ không liên tiếp. Nhưng lời hứa trong cuộc Tái thiết rằng người da đen có thể trở thành công dân được bỏ phiếu tại Hoa Kỳ - được gói gọn trong Tu chính án 14 và 15 - đã không còn tồn tại.
Người miền nam da trắng tước bỏ các quyền của người da đen, đưa ra các luật hạn chế và tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia da đen. Smalls phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và hối lộ, sau đó bị kết án 3 năm tù giam, trước khi cuối cùng được ân xá.
Sự lạc quan vào bình đẳng chủng tộc theo Robert đến tận cuối đời, tương tự như lòng tốt của ông. Sau khi mua lại ngôi nhà của người chủ cũ Henry McKee, thỉnh thoảng lại có một người phụ nữ già cả đãng trí tìm tới vì tin rằng mình từng sống ở đó - người đó chính là vợ McKee. Không bận tới quá khứ, Robert vẫn đón bà vào và chăm sóc.
Robert Smalls mất năm 1915, ở tuổi 75, và để lại một di sản đáng nhớ về cuộc đấu tranh giành tự do cũng như bình đẳng không ngừng nghỉ của người da đen tại Hoa Kỳ.
Thạch Anh / Theo: Thể Thao Văn Hóa
Nguồn: History Extra
Link tham khảo: