Wednesday, March 22, 2023

BỨC TRANH "NHÂN NGHĨA" CỦA DÒNG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ

Tối nay xem chương trình "Ai là triệu phú" phát sóng ngày 21/03/2023, đến câu hỏi số 10 tôi nghĩ chắc ít người biết hoặc sẽ trả lời sai: "Bức tranh "nhân nghĩa" của dòng tranh dân gian Đông Hồ có hình ảnh em bé ôm con vật gì?".

Ảnh chụp từ màn hình.

Khi nghe xong câu hỏi, trong đầu tôi mường tượng hình ảnh chú bé ôm, con vịt hay con gà gì đó vì tôi nhớ mang máng có con heo, con gà, con trâu...nhưng cuối cùng đáp án đúng là ôm "con cóc". Người dẫn chương trình có đọc thêm 2 câu thơ liên quan đến bức tranh:

"Gái sắc bế rùa xanh,
Trai tài ôm cóc tía."

Tôi lên mạng tìm hiểu thêm thì đọc được một bài viết nói về cuộc triển lãm tranh tại Hoàng Thành Thăng Long của Maurice Durand nên share lại cho các bạn cùng đọc. (LKH)

Trai tài ôm óc tía, gái sắc bế rùa xanh

Những bức tranh của Maurice Durand được triển lãm tại Hoàng Thành Thăng Long không chỉ gợi lại ký ức về cuộc sống và xã hội Việt Nam trong quá khứ, mà còn độc đáo ở những dòng chữ Nôm mà giờ đây chỉ còn tìm thấy trong các đền, chùa, liễn thờ tổ tiên. Người xem không khỏi tò mò với bức tranh xuân ghi dòng chữ “Trai tài ôm cóc tía/Gái sắc bế cầu xanh”

Du khách xem nhóm tranh lịch sử quốc gia

Ngày đầu xuân vào Hoàng thành Thăng Long, du khách lớn tuổi là những người thường dừng bước lâu nhất trước khu nhà triển lãm tranh dân gian Việt Nam. Toàn bộ 50 bức tranh này do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức giới thiệu đến công chúng từ tháng 8 năm 2018. Nhưng vì chiều sâu của những bức tranh và quá khứ lắng đọng, vì vậy, những bức tranh dân gian này vẫn trở thành điểm nhấn trong nhiều hoạt động trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long.

Trước tiên cần phải hiểu Maurice Durand là ai? Đó là người mang 2 dòng máu Pháp – Việt. Ông sinh năm 1914, từng làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, cha của ông là Gustave Durand, một dịch giả đến từ Provence, nằm ở vùng đông nam nước Pháp. Với nhãn quang của một người có tầm nhìn, từ năm 1940, Maurice Durand đã sưu tập và lưu lại bộ tranh dân gian của Việt Nam, bảo quản kỹ lưỡng nên trở thành người có trong tay bộ tranh hơn 400 bức tranh dân gian có nội dung phản ảnh nhiều mặt trong đời sống xã hội của người Việt.

Tranh "Lễ Trí", hình cậu bé với con rùa.

Tại khu trưng bày trong Hoàng thành Thăng Long, cửa ra vào đặt những bức tranh đồng quê Việt Nam, những tấm ảnh quen thuộc nhất như cậu bé cưỡi trâu, cánh đồng hoa lau và làng quê, giới thiệu 4 nghề của người Việt như: ngư, tiều, canh, độc. Mỗi nghề được gắn với một câu chú giải bằng chữ Nho. Nghề ngư được ghi là:“Chỉ ký (thuyết) đáng triều quân dữ tướng/Hà thường ý tại thủy trung ngư”. Nghề tiều được chú giải là “Hội ý khách đa tâm bất yếm/Tri âm nhân thính thoại thiên trường”.

Triển lãm tranh dân gian bao gồm các chủ đề: Cuộc thi, lịch sử quốc gia, cầu chú, phúng dụ, tố nữ và thơ ca. Tuy nhiên, người xem cảm nhận được phần lớn những bức tranh này đều có không khí của ngày xuân, lời chúc. Một bức tranh ngày xuân có ghi dòng chữ Nho và được dịch là: (dòng bên phải) Hòa hợp, hòa thuận và nhiều con cháu; (dòng bên trái) phẩm tước và trường thọ; trên bình hoa ghi lời chúc: Ra đường gặp được hàng trăm điều tốt lành.

Trong bộ tranh tứ quý, tranh dân gian Đông Hồ có hình ảnh em bé ôm con rùa. Ý nghĩa của tranh là cầu mong em bé có được cái “lễ” để ứng xử phải phép với ông, bà, cha, mẹ và mọi người; mong em có được cái trí sáng sủa như ngọn đèn để sau này phục vụ xã hội. Bức tranh này còn được gọi bằng 1 cái tên dân khác là “Gái sắc bế rùa xanh” và được giải nghĩa là mong muốn cô bé sau này sẽ xinh đẹp, hiền hậu, đảm đang như chú rùa dễ thương.

Tranh "Nhân Nghĩa", hình cậu bé ôm con cóc.

Hình em bé ôm cóc được giải nghĩa con cóc là cậu ông trời. Con người gặp chuyện gì không vừa ý, chuyện buồn khổ thì ngửa cổ lên kêu trời. Vậy thì hình ảnh cậu bé ôm cóc là lời cầu chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân, đạt được cái Nghĩa như con cóc tía trong truyện cổ tích Việt Nam. Con cóc dù toàn mụt đầy người, dáng vẻ xấu xí, nhưng dám lên kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng cấy cày, gieo trồng. Tranh vẽ hình em bé ôm con cóc được người đời nhìn một cách trìu mến.

Ngày xuân, ông bà lại dạy lịch sử, truyền lại niềm tự hào dân tộc cho con cháu. Điều đó thể hiện qua bộ tranh có hình ảnh Thục An Dương Vương bên rùa vàng và có ghi dòng chữ Nho: Linh quy tứ thần nỏ, tức rùa thiêng ban nỏ thần. Bức tranh bà Trưng được chú thích là Trương Vương sát Hán tướng. Tranh bà Triệu được ghi chú là Triệu ẩu trục quân Ngô.

Giờ đây, nhiều người gởi lời chúc rất dài cho người thân vào ngày xuân. Lời chúc luôn đi đôi với tiền tài, thăng tiến, nhà lầu, xe hơi. Nhưng hãy nhìn bức tranh của ông bà thời trước có ghi dòng chữ Nho với những lời chúc rất ngắn gọn.

Tranh "Vinh Hoa", cậu bé với con gà - Tranh "Phú Quý", cậu bé với con vịt.

Trong bức tranh Thịnh vượng có ghi dòng chữ: Phúc lộc song toàn. Trong một bức tranh mùa xuân khác có ghi dòng chữ Nho song song: (bên phải ghi) Hòa hợp, hòa thuận và nhiều con cháu. (Bên trái ghi) Phẩm tước và trường thọ. Trên bình hoa trong bức tranh ghi: Ra đường gặp được hàng trăm điều tốt lành.

Ban tổ chức triển lãm giới thiệu, toàn bộ ảnh trưng bày do nhà sưu tập tư nhân Marcus Durand, con trai của tác giả Maurice Durand cung cấp. Những bức tranh này từng được Maurice thu thập từ nhiều người bán rong trên đường phố, cùng với sự giúp đỡ của Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá Louis Bezacier và Paul Lévy. Những bức tranh này có thể sẽ biến mất, nhưng với tầm nhìn của mình, Maurice đã thu thập, bảo quản toàn bộ. Ông là người bạn lớn của Việt Nam!

Hà Anh
Theo: Báo Nông Nghiệp Việt Nam