Saturday, March 11, 2023

CÂY VẢI QUÝ 1500 TUỔI, QUẢ VẢI GIÁ RẤT ĐẮT NHƯNG LUÔN "CHÁY HÀNG"

Vùng Quảng Tây, Trung Quốc có một cây vải cổ thụ được cho là có tuổi thọ lên đến 1.500 năm, mỗi mùa ra hoa kết trái đều được bán với giá cực đắt nhưng vẫn cháy hàng.

Cây vải 1.500 tuổi thu hút nhiều du khách tới tham quan và mua quả.

Với sản lượng hàng năm hơn một triệu tấn, huyện Linh Sơn, tỉnh Quảng Tây là một trong những trung tâm sản xuất vải thiều quan trọng của Trung Quốc.

Vào năm 1963, giáo sư sinh học nổi tiếng ở Trung Quốc là Pu Dinglong đã dẫn theo nhóm nghiên cứu của mình đến huyện Linh Sơn để kiểm tra. Sau nhiều lần giám định, giáo sư xác nhận cây vải cổ thụ này có niên đại khoảng 1.460 tuổi. Tính đến nay, cây đã hơn 1.500 tuổi.

Chia sẻ trên tờ The Paper, ông Huang, chủ cây vải quý cho biết, quả của nó được bán với giá đắt vì vị rất ngọt, giòn và thơm, không hề có vị chát.

Quả vải thiên niên kỷ có vị ngọt, thơm và giòn hơn hẳn vải thông thường.

Cây vải thiều của ông Huang có kích thước rất lớn, thân cây rất to và mang dáng vẻ cổ kính - được coi là một di tích lịch sử tại huyện Linh Sơn. Năm ngoái, cây vải này cho ra tới 1.100 kg quả và được bán hết chỉ trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, năm nay cây chỉ cho ra khoảng 400 kg vải.

Trong khi giá của 1kg vải thiều bình thường là 16 nhân dân tệ/kg (khoảng 57.000 đồng) thì “vải ngàn năm” nhà ông Huang được bán với giá 1.776 nhân dân tệ/1kg (khoảng 6,3 triệu đồng). Nếu tính từng quả, mỗi quả vải sẽ có giá khoảng 68 nhân dân tệ (khoảng 245.000 đồng).

Theo nhiều người, giá trị của cây vải 1.500 tuổi được chính quyền địa phương công nhận nhưng giá quả vải thật sự là "cắt cổ". Tuy rằng giá vải đắt nhưng năm nào cũng có người đặt trước và bán hết cực nhanh.

Giá 888 tệ một cân, 68 tệ một quả.

Hơn nữa, vì quả vải giá đắt nên chi phí bảo quản, vận chuyển cũng tăng gấp bội vì phải đảm bảo chất lượng quả đến tay người tiêu dùng.

Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người đã biết đến thông tin về cây vải ngàn năm và muốn đến xem tận mắt, biến nơi đây thành một địa điểm du lịch.

Vì cây vải đã già và có nhiều cành mục rỗng, ông Huang phải sử dụng cọc để chống đỡ và áp dụng nhiều biện pháp khác để chăm sóc cây. Chính quyền địa phương cũng tham gia bảo vệ, giữ gìn cây cổ này.

Thanh Vân (tổng hợp) / Theo: NTDTV
Link tham khảo: