Friday, March 31, 2023

SỰ TÍCH CHÙA MÈO VÀ CHUYỆN "MIÊU THẦN CỨU CHÚA"

Ở Thanh Hoá có một ngôi chùa linh thiêng mang tên chùa Mèo - gắn với sự tích lịch sử 'Miêu thần cứu chúa'.


Chùa Mèo hay còn gọi là Miêu thiền tự - di tích lịch sử văn hóa xây dựng từ thế kỷ 13, tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (Lang Chánh - Thanh Hoá). Ngôi chùa này gắn với sự tích “Miêu thần” cứu anh hùng Lê Lợi trước sự truy bắt gắt gao của giặc Minh.

Mèo thần cứu Lê Lợi

Theo các nguồn sử liệu, chùa Mèo được hình thành từ thời nhà Trần. Lúc bấy giờ chùa có tên là chùa Chu, do công chúa nhà Trần là Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Trong khi xây dựng chùa và khai khẩn đất hoang, bà con nơi đây đã đào được một pho tượng đá gọi là bụt.

Chùa có địa thế chuẩn mực theo thuyết phong thủy xưa. Có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm chảy qua. Thế đất đẹp nên đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” - ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, ba là chùa Chu.

Tương truyền vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn.

Cũng có tích kể rằng, khi giặc Minh xua quân và chó săn tới vây chùa Chu - ngay chỗ Lê Lợi đang ẩn nấp. Chỉ trong gang tấc là thủ lĩnh Lam Sơn bị phát hiện rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này bỗng dưng có một con mèo từ đâu lao ra, lũ chó săn và quân giặc lùa theo con mèo, Lê Lợi được giải nguy.

Tích xưa cũng kể rằng, đó là một “Miêu thần”, đã ngự ở chùa từ khi công chúa nhà Trần hưng công dựng thiền tự. “Miêu thần” trấn giữ tại ngôi chùa, vừa để bảo vệ vừa để chờ vị “chúa chủ” của núi rừng. Đến khi Lê Lợi xuất hiện, gặp tình thế nguy hiểm thì “Miêu thần” tự xuất hiện để cứu chúa thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Chùa Mèo phối thờ vua Lê Lợi.

Vùng chùa Mèo có nhiều địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Minh của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn như: Núi Chí Linh (dãy Pù Rinh) nơi 3 lần nghĩa quân Lam Sơn rút lui để củng cố, xây dựng lực lượng (hiện nay vẫn còn bia đá ghi lại). Hang Láu, thác Húng, núi đá, hòn bi - nơi xảy ra các trận tây kích của nghĩa quân Lam Sơn.

Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua và với nỗi nhớ vùng quê, nơi có địa danh chùa Chu độ trì cho sự nghiệp chống giặc toàn thắng. Vua Lê đã sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chanh đốc thúc thổ Lang cùng bà con nơi đây tu sửa, nâng cấp chùa Chu đổi tên thành chùa Mèo - gắn liền với đồi Mèo, với sự tích “Miêu thần”.

Hang Láu gắn liền với truyền thuyết về Lê Lợi: “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, suối Vớ là nơi Nguyễn Trãi thả lá có chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”… Ngoài ra còn có nhiều địa danh ghi lại dấu tích và góp phần cùng vua và nghĩa quân an nghỉ, luyện rèn, ẩn náu chống giặc Minh toàn thắng. Đó là ghế đá vua Lê thường ngồi thưởng ngoạn, tảng đá mài gươm của nghĩa quân Lam Sơn.

Thác chó ngáp

Gần với chùa Mèo là thác Ma Hao cũng gắn liền với nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống giặc Minh. Những người cao tuổi ở xã Trí Nang kể rằng: Vào thế kỷ 15, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Lê Lợi và đoàn quân của ông bị giặc Minh bủa vây phải rút quân lên núi Chí Linh (Pù Rinh) để củng cố lực lượng.

Quân giặc truy sát ráo riết. Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức vì mệt thì gặp một thác cao chảy xiết. Vì quân giặc đuổi sát phía sau nên Lê Lợi và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia.

Còn con chó do sức đã kiệt mà suối lại rộng không thể theo được chỉ đứng ngáp. Khi quân giặc đuổi đến, con chó liền quay lại cắn xé đàn chó của giặc rồi nhảy xuống dòng nước mà chết, đủ thời gian cho nghĩa quân Lam Sơn trốn kịp.

Thác Ma Hao gắn với sự tích “chó ngáp” cứu nghĩa quân Lam Sơn.

Khi quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó quý của mình và truyền lệnh chôn cất nó tử tế. Từ đó, thác có tên theo tiếng người Thái là Má Háo, đọc chệch đi là Ma Hao - tức là chó ngáp.

Thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, có diện tích trên 178ha bao gồm thác nước, suối và rừng. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác lớn.

Dưới chân thác là những khối đá lớn được bào mòn theo thời gian tạo nên nhiều hình thù kỳ thú, chỗ thì tạo hình tượng như là đàn voi đang quỳ xuống núi, nơi thì các hòn đá chồng xếp lên nhau thành hình trống mái, chỗ thì các hòn đá như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích thước.

Cho đến nay, thác Ma Hao vẫn còn rất nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp vào nên đem lại cho những người đến thưởng lãm cảm giác hòa cùng rừng núi nước non, và còn nghe những câu chuyện mang âm hưởng hào khí năm xưa.

Danh tích ghi ơn

Vào cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14, triều Lê (1718), đông đảo bà con và nhiều bản hội xứ Thanh đã cùng nhau tổ chức hưng công nhiều tiền của đúc chuông đồng lớn cung tiến, dâng lên chùa Mèo.

Chùa Mèo được xây cất theo kiểu Tam quan và lợp bằng ngói mũi. Có chiếc chuông ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung” (Ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng là vào ngày Tết cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1718).

Chuông chùa Mèo thuộc loại lớn, được đúc khá sắc nét và mang nét nghệ thuật của thời Lê trung hưng. Thân chính trụ tròn, cao 1,09m, đường kính miệng chuông 0,5m, chu vi 1,49m. Quai chuông với đôi rồng đấu đuôi vào nhau tạo nên dáng cong tròn.

Đỉnh quai chuông có hình nậm rượu chia thành nhiều múi nối dọc xuống thân. Thân rồng mập, đầu ngẩng cao, mắt tròn, mũi to, miệng há rộng và ngậm viên ngọc. Toàn thân rồng phủ vảy kép, vây ở lưng hình ngọn lửa uốn theo hình quai chuông.

Thân chuông được chia thành bốn ô và trang trí nhiều hoa văn đặc sắc. Chuông có 6 núm để gõ, hoa văn sắc nét và chính xác như một dấu ấn di sản nghệ thuật thời Lê. Bốn ô của chuông ghi bài minh nói về chùa, về giá trị tâm linh của chuông, đồng thời ghi tên người công đức và niên đại của chuông.

Chuông chùa Mèo.

Bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: “Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân”.

Những dòng chữ khắc ghi trên 4 mảng thân chuông còn là minh chứng về dấu ấn Lê Lợi nơi đây. Trong sách “Lam Sơn thực lục” viết năm 1431, vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã xưng danh là “Chúa động Lam Sơn đề tựa”, kêu gọi tập hợp sự đoàn kết các dân tộc vùng núi xứ Thanh cùng khởi nghĩa. Những lúc khó khăn, hoạn nạn, Lê Lợi dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc ở châu Lang Chánh xưa giúp đỡ để kháng chiến chống quân Minh.

Đến giai đoạn lịch sử chống giặc nhà Thanh, anh hùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã dừng chân và vào chùa Mèo dâng hương cầu khấn cho cuộc kháng chiến chống giặc Thanh thắng lợi.

Linh ứng đã đến với nghĩa quân, cuộc kháng chiến đại phá quân Thanh toàn thắng. Quang Trung Nguyễn Huệ sau đó có chiếu chỉ cho thổ ty Lang Mường một lần nữa trùng tu, nâng cấp chùa Mèo và khắc tự, ghi danh nghĩa quân tại chùa Mèo.

Hòa Nam / Theo: Giáo Dục & Thời Đại