Cổng tam quan Đền Thượng. (Ảnh: Wikimedia commons)
Nguồn gốc của cổng tam quan
Cổng tam quan (三關): quan có nghĩa là cổng lớn hay cửa ngỏ để đi vào một nơi nào đó. Tam quan là cổng lớn (quan) chia làm ba cửa (môn) có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Con số 3 là lấy theo thuyết Tam tài.
Tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tam quan tại Việt Nam là Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và cố đô Huế. Cổng tam quan ở Văn Miếu và các tự miếu quan trọng (như Triệu Miếu, Thái Miếu …) được dựng có lầu ở trên gọi là “Tam quan Môn Lầu” với 7 lớp cửa bố trí theo kiểu “trùng thành tam khẩu”.
Xưa kia triều đình quy định lối giữa dành cho vua chúa, bên tả dành cho quan văn và bên hữu dành cho quan võ. Vì ban đầu được thiết kế để dành riêng cho các vị quan, vua chúa nên cổng mới được đặt tên là “tam quan”. Cũng dựa theo lối kiến trúc này, các chùa, miếu, đền, xóm làng cũng bắt đầu xây dựng cổng tam quan để đón vua chúa ghé thăm.
Cổng tam quan ở Văn Miếu. (Ảnh: pxhere)
Hình thái tam quan này mở rộng ra thành ngũ quan, tiêu biểu là cửa Ngọ Môn ở cố đô Huế. Cửa chính giữa gọi là Ngọ Môn dành cho vua; hai cửa kế liền gọi là Giáp Môn dành cho quan lại, còn hai cửa quanh ngoài rìa gọi là Dịch Môn dành cho binh mã.
Kiến trúc của cổng tam quan
Cổng tam quan là cổng được thiết kế với ba lối đi. Đây là một dạng kiến trúc đặc trưng có kết cấu gồm ba cửa ra vào, trong đó lối đi chính lớn nhất ở giữa và hai lối đi phụ nhỏ hơn ở hai bên. Giữa các lối đi của cổng tam quan được chia cách bởi các cây cột hoặc vách ngăn. Phần vách của cổng được xây dựng, cấu thành bởi đa dạng loại vật liệu, điển hình như gỗ, gạch, thậm chí là đá nguyên khối,… Phía trên cùng của cổng thường được lợp mái ngói, điêu khắc kỳ công. Hai bên các lối đi thường được khắc các câu đối, phía trên cổng thì khắc tên lối đi hoặc tên chùa, đền, điện thờ,…
Cửa Ngọ Môn ở cố đô Huế. (Ảnh: Wikimedia Commons)
– Cổng có gác: Cổng nhỏ chỉ làm một tầng nhưng khi dựng quy mô hơn thì nhiều nơi xây hai tầng mái hoặc xây gác bên trên. Cổng bằng gạch và đá thì gần như nhất thể đều có gác, dù có thể chỉ là gác giả để tạo chiều cao. Có nơi xây thành ba tầng. Khi thiết kế gác ở trên thì có chùa dùng nơi đó để treo chuông, khánh, và trống dùng trong nghi lễ nhà chùa.
– Cổng kiểu tứ trụ: Cổng tam quan kiểu tứ trụ thay vì xây tường vách thì dùng bốn trụ biểu, hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên để chia thành ba lối đi. Phía trên nối liền bốn trụ biểu là xà cách điệu làm trán cổng, tuy nhiên không ghi tên cổng, chùa,… Tam quan môn tứ trụ rất phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây.
Ý nghĩa của cổng tam quan
Theo Phật giáo
Ý nghĩa đặc trưng, phổ biến nhất của tam quan môn chính là dựa theo tư tưởng của Phật giáo. Mỗi chiếc cổng sẽ đại diện cho một cách nhìn của Nhà Phật; gồm “Không quan”, “Hữu quan” và “Trung quan”.
- Không quan biểu trưng cho cái không / vô thường.
- Hữu quan biểu trưng cho sắc / giả.
- Trung quan biểu trưng cho sự dung hòa giữa không và sắc.
Theo triết lý Nhà Phật, tam quan môn còn liên quan đến ý niệm “tam giải thoát môn”. Mỗi cửa sẽ đại diện cho sự vô tác, vô không và vô tướng. Nếu thấu hiểu được hết ý nghĩa của ba cửa này thì người tu hành mới có thể “xuất trần, thoát tục”. Từ bỏ tất cả những sân si, hỷ, nộ, ái, ố để bước vào cõi Niết Bàn. Do đó, người đời thường gọi cửa chùa là “Cửa Không” là vì ý nghĩa như thế.
Cổng tam quan của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. (Ảnh: Wikimedia commons)
Theo vua chúa
Cổng tam quan được thiết kế dành riêng cho vua chúa, quan văn, quan võ. Tại các ngôi làng, chùa chiền, điện thờ đều phải xây dựng tam quan môn phòng khi vua đến. Thường ngày, tam quan môn chỉ được mở hai cổng nhỏ cho người dân qua lại. Chỉ khi nào vua chúa giá lâm hoặc dịp lễ quan trọng thì mới được sử dụng cổng chính.
Cổng tam quan là một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Hy vọng rằng những chia sẻ trên có thể giúp mọi người có thêm hiểu biết về nét văn hóa độc đáo này.
Tố Như / Theo: NTDVN