Monday, March 27, 2023

TẠI SAO CÁC CÔNG TY ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG NHẬT BẢN CHỈ CÓ THỂ CO RO PHÁT TRIỂN Ở THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA?

So với Huawei của Trung Quốc, Apple của Hoa Kỳ hay Samsung của Hàn Quốc, Nhật Bản dường như không có một gương mặt đại diện nào trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện thoại di động.

Điện thoại di động Sony Ericsson.

Trên thực tế, có rất nhiều công ty sản xuất điện thoại di động ở Nhật Bản như Sony và Sharp tuy nhiên, các đơn vị này lại nổi tiếng hơn với mảng thiết bị gia dụng và điện thoại chỉ là một nhánh sản xuất nhỏ. Thậm chí trong những năm gần đây, thương hiệu Trung Quốc Huawei đã dần trở nên phổ biến tại Nhật Bản và chèn ép cả các thương hiệu nội địa.

Tại sao lại xảy ra điều kỳ lạ này?

Theo phân tích của một số chuyên gia công nghệ trước đây, có ba lý do chính lý giải sự suy giảm của ngành sản xuất điện thoại di động tại Nhật Bản.

Đầu tiên, văn hóa làm việc truyền thống ở Nhật Bản đã cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp smartphone. Bởi vì các công ty ở Nhật thường không sa thải nhân viên, vì vậy nhân viên được thăng chức cao hơn theo năm làm việc, khiến những người giữ vị trí lãnh đạo đều mang theo tư duy kinh doanh kiểu cũ. Do đó, các công ty này không thể ra mắt được các sản phẩm mà giới trẻ yêu thích.

Thứ hai, Nhật Bản không giỏi trong việc tích hợp các tài nguyên. Ví dụ, Sony có bộ phận âm thanh và bộ phận máy ảnh, nhưng họ không có nhiều tiếng nói và ảnh hưởng trên thị trường sản xuất phân phối điện thoại di động.

Thứ ba, Nhật Bản đã tự nguyện từ bỏ thị trường sản xuất điện thoại di động vì cho rằng khó kiếm được tiền do lợi nhuận thu được trên mỗi sản phẩm quá thấp. Trên thực tế, các thành phần linh kiện điện thoại mang lại lợi nhuận cao vẫn được cung cấp bởi Nhật Bản, như máy ảnh và các loại cảm biến.

Điện thoại nắp gập rất phổ biến ở Nhật Bản.

Nhưng các lý do trên cũng đang bị phản bác một cách mạnh mẽ. Bởi Nhật Bản vẫn nổi tiếng với xe hơi, đồ gia dụng và các sản phẩm điện tử khác. Cùng một xã hội và hệ thống văn hóa làm việc, tại sao ô tô và đồ gia dụng có thể thành công?

Đối với ý tưởng về tích hợp tài nguyên, lý do này thậm chí không hoàn toàn hợp lý. Các dòng sản phẩm như PplayStation của Sony là minh chứng hùng hồn nhất cho việc tích hợp tài nguyên và thành công rực rỡ. Rõ ràng không công bằng khi nói rằng các công ty Nhật Bản không giỏi trong việc tích hợp các tài nguyên để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Lý do thứ ba cũng cần được cân nhắc lại. Nhật Bản đã không tự nguyện từ bỏ thị trường sản xuất điện thoại di động mà là buộc phải rút lui trước các đối thủ cạnh tranh quá mạnh mẽ. Bởi nếu nhìn vào iPhone của Apple, một sản phẩm mà giá trị sản xuất chỉ chiếm khoảng 30% giá bán, liệu ai có thể nói rằng đi làm smartphone đem bán không có lợi nhuận cao? Liệu có công ty nào không muốn giá trị gia tăng từ thiết kế và thương hiệu chiếm tới 70% giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, nếu chỉ tập trung vào việc phát triển các bộ phận hay linh kiện để cung cấp cho nhà sản xuất, các công ty Nhật sẽ chỉ thu được lợi nhuận tạm thời. Theo thời gian, khi các quốc gia khác bắt đầu nghiên cứu và phát triển linh kiện thay thế, những lợi thế đó sẽ sớm chấm dứt.

Chi phí sản xuất iPhone chỉ chiếm khoảng 30% giá bán.

Vậy quay trở lại câu hỏi, tại sao điện thoại di động Nhật Bản chỉ có thể bán ở thị trường nội địa? Trên thực tế, điều này có thể liên quan chặt chẽ tới việc các công ty công nghệ Nhật Bản "không phù hợp cho lắm" với một môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Chu kỳ đổi mới sản phẩm trong ngành công nghiệp ô tô khá chậm, giúp cho các công ty Nhật Bản vẫn có nhiều lợi thế. Nhưng với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác như thiết bị gia dụng, đặc biệt là TV, tủ lạnh và máy giặt, các công ty Nhật đã dần mất tiếng nói khi phải đối mặt với làn sóng mới đến từ Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản vẫn có nhiều lợi thế.

Trước hết, điều này có liên quan nhiều đến mô hình của các công ty Nhật Bản. Hệ thống phân bổ chức vụ và trách nhiệm công việc được nói ở trên là một lý do. Ngoài ra, việc "đóng cửa giao lưu" với bên ngoài của các công ty này cũng có ảnh hưởng không kém. Các công ty Nhật Bản luôn thích hợp tác nội bộ và không thích sự hiện diện của các đối tác nước ngoài trong ngành của mình. Gần như chỉ khi đặc biệt "bất lực", họ mới sử dụng sản phẩm nước ngoài.

Thứ ba là lý do kinh tế và văn hóa của Nhật Bản. Sau khi bong bóng kinh tế vỡ đầu thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản chuyển sang thời kỳ trì trệ kéo dài. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân hàng năm của giai đoạn 1991-2000 chỉ là 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với các thời kỳ trước.

Trong tình hình kinh tế chung như vậy, xã hội Nhật Bản không có nhiều đổi mới và cả sự "đam mê". Những người trẻ tuổi bắt đầu ủng hộ văn hóa "Hikikomori", tự thu mình trong nhà và xa lánh xã hội. Rõ ràng điều này không phù hợp với sự cạnh tranh quá khốc liệt.

Việc phát hành điện thoại di động tại Nhật Bản thường được kiểm soát bởi các nhà khai thác mạng.

Do đó, khi không thể thích ứng với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nước ngoài, các công ty điện thoại di động Nhật Bản chuyển sang tập trung vào việc phát triển và khai thác thị trường trong nước. Nhờ đó, họ đã phần nào giữ được phần "sân nhà" này khi đối mặt với làn sóng du nhập sản phẩm từ các quốc gia bên ngoài.

Lợi thế hiện tại của Nhật Bản về cơ bản là ngành sản xuất truyền thống, với tốc độ cập nhật chậm. Các công ty trong nước cũng phù hợp với mô hình này và hiện không có cách nào để họ có thể theo kịp thời đại Internet, smartphone và 5G.

Tham khảo Sina
Theo: Trí Thức Trẻ