Đại sư phong thủy Thái Bá Lệ (trái) và Tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành. (Ảnh tổng hợp)
Trước kia, người Trung Quốc thường nói: "Hong Kong là thiên đường mua sắm, là bảo địa ẩm thực, nhưng lại là sa mạc văn hóa”. Hong Kong có thực sự như vậy không?
Hong Kong là một đô thị quốc tế có nền kinh tế phát triển cao, những tòa nhà thương mại chọc trời san sát, có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, điều khiến người Trung Quốc khó tưởng tượng được là, mỗi một công trình kiến trúc mang dấu ấn ở Hong Kong đều để lại những dấu vết văn hóa truyền thống rất sâu sắc: Phong thủy.
Bất kể là những người giàu có hay những nhân vật quyền lực trong giới chính trị, thương mại, họ đều rất say mê phong thủy, và rất coi trọng phong thủy, trong đó bao gồm người giàu nhất Hong Kong - Lý Gia Thành.
Một đại sư phong thủy - ngôi sao Bắc Đẩu của Hong Kong, chỉ một câu nói khiến người giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành vui vẻ bỏ ra 2 triệu đô-la Hong Kong. Câu chuyện đằng sau sự việc này là như thế nào?
Hoa đẹp trăng không tròn
“Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì vạn sự không có khả năng”. Câu nói này thực ra vô cùng chính xác với người giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành.
Lý Gia Thành giàu nhất Hong Kong, nhưng trong cuộc đời ông có một mối nghi hoặc mà cả đời ông không thể giải thích, đó chính là việc nguyên phi, người vợ của ông là Trang Nguyệt Minh đột ngột qua đời.
Ngày cuối cùng năm 1989, Lý Gia Thành và vợ Trang Nguyệt Minh cùng tham gia dạ hội đón mừng năm mới. Khi đó, Lý Gia Thành đã là người giàu nhất nhì Hong Kong.
Không ngờ ngày hôm sau, tức sáng mùng 1 Tết dương lịch 1990, Trang Nguyệt Minh đột ngột qua đời. Nguyên nhân là gì thì đến ngày nay dường như vẫn còn là một bí ẩn.
Trương Nguyệt Minh vốn là em họ của Lý Gia Thành. Khác với Lý Gia Thành, người xuất thân nghèo khổ, Trương Nguyệt Minh từ nhỏ đã nhận được nền giáo dục tốt, từng du học ở nước ngoài, biết nhiều ngoại ngữ.
Năm 16 tuổi, cha của Lý Gia Thành qua đời, Lý Gia Thành theo mẹ đến nương tựa ở nhà người cậu là Trang Tĩnh Am, chính là cha của Trang Nguyệt Minh.
Trang Nguyệt Minh kém anh họ 4 tuổi, chưa bao giờ chê anh họ nghèo khổ, hai người từ nhỏ đã thân thiết, tâm đầu ý hợp. Mặc dù là họ hàng thân thích nhưng môn đệ khác biệt quá lớn, nên tình cảm hai người bị cha mẹ 2 bên phản đối. Điều này đã kích thích hùng tâm tráng chí của Lý Gia Thành, thề quyết làm nên sự nghiệp.
Thế là, Lý Gia Thành rời khỏi cửa hàng đồng hồ của người cậu, đi tìm được một công việc bán hàng. Rất nhanh chóng, anh đã trở thành người vô địch bán hàng. Năm sau đó, Lý Gia Thành khi ấy 20 tuổi, đã làm giám đốc nhà máy hoa nhựa. Năm 22 tuổi, Lý Gia Thành lấy ra tất cả tiền tích lũy, mở một nhà máy hoa nhựa, tự mình làm ông chủ.
Trên con đường sáng nghiệp, bất kể là tiền vốn hay tinh thần, Lý Gia Thành đều được Trang Nguyệt Minh dốc sức giúp đỡ, và cuối cùng đã giành được thị trường hoa nhựa Hong Kong.
Năm 35 tuổi, cha mẹ hai bên thấy Lý Gia Thành có sự nghiệp thành công thì đồng ý hôn nhân của hai người. Lý Gia Thành bỏ ra khoản tiền lớn mua biệt thự kiểu Tây có vườn hoa để báo đáp người vợ đã giúp đỡ mình trong bao nhiêu năm qua.
Sau khi cưới, Trang Nguyệt Minh đã sinh cho Lý Gia Thành 2 người con trai. Sự nghiệp của Lý Gia Thành cũng bắt đầu phất lên. Khi ông đầu tư bất động sản, đúng lúc kinh tế và bất động sản của Hong Kong tăng vọt, khiến giá trị tài sản của ông nhanh chóng tăng gấp mấy lần.
Đúng lúc này, Trang Nguyệt Minh đột nhiên qua đời, khiến mọi người thảng thốt kinh ngạc. Nhưng nhà họ Lý không giải thích nhiều về việc này.
Năm 2006, mộ của Trang Nguyệt Minh bị bọn trộm mộ đào bới phá phách, cảnh tượng rất thảm hại. Từ xưa, trộm mộ không chỉ là một hành vi phạm tội, mà về mặt truyền thống, tâm linh, đó còn là sự bất kính lớn đối với người đã chết. Điều này khiến Lý Gia Thành vô cùng phẫn nộ, và cũng vô cùng bất an.
Khi đó, có người đề xuất với Lý Gia Thành tìm đến một vị đại sư phong thủy nổi tiếng ở Hong Kong, thỉnh cầu ông ấy cách giải quyết.
Thế là câu chuyện truyền kỳ về phong thủy trong cuộc đời Lý Gia Thanh đã bắt đầu như thế này.
Một câu nói 2 triệu đô-la Hong Kong
Người xưa nói: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy”. Lý Gia Thành đến gặp vị đại sư phong thủy tên là Thái Bá Lệ (Choi Park Lai). Ở Hong Kong, nơi nào cũng có thể tìm thấy thầy phong thủy, nên cũng có rất nhiều thầy phong thủy danh tiếng. Tuy nhiên, những học giả nghiên cứu, thực hành phong thủy thì rất ít.
Thái Bá Lệ chính là một vị học giả tri hành hợp nhất, là một vị tuyệt đối khác biệt. Thái Bá Lệ có một câu phương châm rằng: “Nghe theo Thiên mệnh, càng nên làm trọn việc con người”. Cả cuộc đời ông luôn trên con đường tìm kiếm tri thức. Việc cầu tri thức của ông không phải vì mình, mà là để giúp người. Phong thủy chính là công cụ để Thái Bá Lệ giúp người.
Khi Lý Gia Thành đến gặp Thái Bá Lệ và nói rõ mục đích cuộc gặp, Thái Bá Lệ không nói năng câu nào, chỉ dửng dưng nói ra một con số: 2 triệu.
Lý Gia Thành bất giác ngây người, cho dù là thầy phong thủy giỏi nhất Hong Kong, thì đây cũng là cái giá trên trời khiến người ta lắc đầu lè lưỡi. Có thể nói, đây là cái giá cao chưa từng có tiền lệ trong giới phong thủy.
Năm 2006, Lý Gia Thành tuy đã là người giàu nhất châu Á, nhưng cái giá 2 triệu đô-la Hong Kong (gần 300.000 USD) vẫn khiến Lý Gia Thành khó tránh khỏi hồ nghi do dự trong lòng.
Dường như Thái Bá Lệ nhìn thấu tâm can Lý Gia Thành, thấy ông ta không phản ứng trước báo giá, Thái Bá Lệ lại hờ hững nói một câu: “Vợ ông chết thê thảm quá”.
Lý Gia Thành nghe xong lập tức mặt biến sắc, không nói năng gì, lập tức lấy quyển séc ra viết tấm séc 2 triệu đô-la Hong Kong.
Nguyên nhân chết của Trương Nguyệt Minh, mặc dù các thông báo chính thức đều nói là do bệnh tim đột phát, tuy nhiên trong dân gian vẫn đồn đoán xôn xao. Trên mạng cũng có rất nhiều tin, có người nói, Trang Nguyệt Minh u uất thành bệnh, có người nói Trang Nguyệt Minh bị bồ của Lý Gia Thành chọc tức mà chết… Tuy nhiên những tin này đều không được chứng thực.
Trang Nguyệt Minh, người vợ quá cố của Lý Gia Thành. (Nguồn wikipedia)
Vì vậy, hàm nghĩa cụ thể của câu mà Thái Bá Lệ nói khi đó rốt cuộc là gì, có lẽ chỉ có Lý Gia Thành và Thái Bá Lệ, hai người đang mặt đối mặt nhau, mới có thể đi guốc trong bụng nhau.
Nhưng bất kể thế nào, thì sau khi nghe xong câu nói này, Lý Gia Thành liền tâm phục khẩu phục, cam tâm tình nguyện bỏ ra 2 triệu đô-la Hong Kong trao cho đại sư phong thủy “sư tử mở miệng” này.
Hơn chục năm sau, người con trai thứ 2 của Lý Gia Thành là Lý Trạch Khải muốn xuất bản một cuốn tự truyện, nhưng không thành công. Nguyên nhân là bản quyền bị một phụ nữ mua với giá cao. Được biết, trong cuốn tự truyện có nguyên nhân cái chết của mẹ anh - Trang Nguyệt Minh.
Người phụ nữ này là ai? Cô ấy chính là Chu Khải Toàn (周凯旋) - là hồng nhan tri kỷ, là cánh tay, là đôi cánh trên thương trường của Lý Gia Thành.
Chu Khải Toàn
Tuy nhiên, Lý Gia Thành đã từng thề trước mộ vợ rằng, tuyệt đối không tái giá. Vì vậy đến ngày nay, Lý Gia Thành 90 tuổi, tuy có Chu Khải Toàn bầu bạn ở bên, nhưng ông vẫn luôn là người góa vợ độc thân.
Vậy tại sao Thái Bá Lệ lại nhìn ra được nguyên nhân cái chết của vợ Lý Gia Thành?
Đại sư phong thủy - ngôi sao Bắc Đẩu
Phong thủy trong thư tịch cổ gọi là kham dư, dân gian gọi là phong thủy, thực tế nó là một môn khoa học quan sát thiên tượng, quan sát địa lý, khoa học hiện đại gọi là khoa học môi trường (Environmental science), là một bộ phận của văn hóa truyền thống Á Đông.
Ông nội Thái Bá Lệ là Thái Tối Bạch, là học sinh xuất sắc về thiên văn số học của Học Hải Đường thời Vãn Thanh (trong khoảng từ năm 1840 đến 1912). Ông thông hiểu thiên văn lịch pháp, từng làm chức quan Khâm Thiên giám.
Người xưa cho rằng, quân quyền Thần thụ, biến hóa của thiên tượng liên quan đến sự thịnh suy của đế vương ở nhân gian, do đó, việc đặt lịch pháp và thụ thời, xác lập chính sóc có ý nghĩa chính trị trọng đại đối với mỗi triều đại. Do đó, hoàng gia đều thiết lập Khâm Thiên giám, cũng gọi là Tư Thiên giám để cai quản sự vụ có liên quan đến thiên tượng.
Năm 1892, ông nội của Thái Bá Lệ sáng lập “Chân bộ đường trạch nhật quán” ở Quảng Châu. “Chân bộ” có nghĩa là thực sự chiểu theo thiên tượng mà từng bước suy diễn tính toán lịch pháp. Chân Bộ Đường này vẫn luôn được truyền thừa đến ngày nay.
Thái Bá Lệ sinh năm 1922. So với người bình thường trong những gia đình bình thường, thì Thái Bá Lệ có điều kiện học tập huyền học đặc biệt. Tuy nhiên, mặc dù ông nội là nhà thiên văn lịch pháp nổi tiếng, nhưng Thái Bá Lệ ban đầu không hứng thú với huyền học.
Sau khi quân Nhật tiến vào Trung Quốc, thế đạo hỗn loạn, phụ thân khuyên ông học lịch pháp phong thủy của ông nội, để có thể trong thời loạn thế, có một bản sự để kiếm sống.
Năm 16 tuổi, Thái Bá Lệ bắt đầu theo học nhà số học nổi tiếng Quảng Châu Trương Triệu Tứ, và nghiên cứu số học với Trương Vân, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa thiên văn của Đại học Trung Sơn. Năm 22 tuổi, ông kế thừa gia nghiệp, trở thành chưởng môn đời thứ 3 của Chân Bộ Đường.
Năm 1952, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động phong trào chính trị Phá Tứ Cựu, Thái Bá Lệ bất đắc dĩ lựa chọn đưa cả nhà di cư sang Hong Kong, sống dựa vào xuất bản “Lịch pháp Chân Bộ Đường”.
Trải qua nhiều năm học tập và thực hành, Thái Bá Lệ phát hiện rằng, thế đạo hung cát là có quy luật nhất định, huyền học suy diễn tính toán thực sự không chỉ hiểu được quá khứ, mà còn có thể dự đoán tương lai. Ông bắt đầu thực sự say mê thiên văn lịch pháp, toán số. Cộng thêm học vấn gia truyền có cội nguồn sâu xa, cuối cùng, ông đã luyện thành công, trở thành đại sư phong thủy nổi tiếng.
Ông từng là thầy phong thủy số 1 của phủ thống đốc Hong Kong, là người lựa chọn ngày lành tháng tốt khai trương cho các công trình tiêu biểu của Hong Kong. Một số công ty quốc tế cũng mời ông chỉ dẫn phong thủy, ví như Tổng bộ Ngân hàng HSBC có đôi sư tử bằng đồng, vị trí đặt và thời gian khai trương, đều làm theo ý kiến của Thái Bá Lệ. Rất nhiều đại phú, thương gia lớn của Hong Kong đều tới tấp mời ông hoạch định cho họ về đầu tư, xây trụ sở, cho đến cuộc sống cá nhân.
Người như thế nào thì mới xứng danh đại sư? Đó chính là không chỉ phải có học vấn cao thâm, mà còn có nhân cách cao thượng.
Khác với các thầy phong thủy thông thường, Thái Bá Lệ cả đời hành thiện, dốc tâm vì ích lợi chung. Khi lần đầu tiên gặp Lý Gia Thành, sư tử mở miệng, đòi 2 triệu đô-la Hong Kong, ông lập tức liền quyên toàn bộ 2 triệu đô-la này cho tổ chức từ thiện, không lấy một xu. Sau khi biết chuyện, Lý Gia Thành vô cùng khâm phục, cho rằng, đại sư chân chính là phải như thế này, trong tâm nhân từ, tế thế độ nhân. Thế là Lý Gia Thành bắt đầu kết thân với Thái Bá Lệ, hai người trở thành bạn tốt cả cuộc đời.
Có người bạn và khách hàng giàu có như thế này, sự nghiệp làm từ thiện của Thái Bá Lệ cũng càng thêm thuận buồm xuôi gió. Ông lập một quỹ từ thiện dân gian, là “Quỹ Thuận Long Nhân Trạch Hong Kong”, chuyên cứu trợ người nghèo khó, thúc đẩy giáo dục.
Không lâu sau, Lý Gia Thành mời Thái Bá Lệ chuyên xem phong thủy cho mình.
Chỉ dẫn giang sơn
Theo ý kiến của Thái Bá Lệ, Lý Gia Thành xây dựng một tòa nhà Minh Nguyệt Lâu gần Đại học Hong Kong cho người vợ quá cố. Ngôi lầu này nghe nói có thể khiến cho trường khí mạnh mẽ của sinh viên làm tản âm khí của Trương Nguyệt Minh, có lợi cho sự phát triển sự nghiệp của gia tộc Lý Gia Thành.
Con trai trưởng của Lý Gia Thành, Lý Trạch Cự, là người nội tâm, hiếu biết, là người kế thừa tiếp quản đế quốc thương nghiệp gia tộc họ Lý. Vợ Lý Trạch Cự, Vương Phú Tín, là thiên kim tiểu thư của một đại gia.
Năm 1993, hai người kết hôn, Lý Gia Thành vô cùng hài lòng về người con dâu. Sau khi kết hôn, hai người sống hạnh phúc, chưa từng có điều tiếng gì, là mẫu mực của vợ chồng quyền quý.
Trong các gia tộc người Hoa truyền thống, con trai trưởng, cháu trai trưởng là cực kỳ quan trọng, liên quan đến tương lai của gia tộc. Nhưng sau khi kết hôn, Vương Phú Tín sinh liền 3 người con, đều là con gái. Điều này khiến Lý Gia Thành rất lo lắng.
Được Thái Bá Lệ chỉ dẫn, Lý Gia Thành cho con dâu Vương Phú Tín đổi tên thành Vương Lệ Kiều. Năm 2006, sau khi đổi tên chưa lâu, Vương Lệ Kiều quả nhiên sinh được cháu trai trưởng cho gia tộc họ Lý. Có thể thấy công lực của Thái Bá Lệ quả không tầm thường.
Lý Gia Thành không chỉ rất tín nhiệm đại sư về chuyện gia đình, mà trong sự nghiệp cũng như thế. Cuối năm 1995, Lý Gia Thành cạnh tranh mua được mảnh đất ở Trung tâm Hong Kong, muốn xây dựng trụ sở tổng bộ của Tập đoàn Trường Giang ở đây.
Khu Trung tâm Hong Kong là nơi tấc đất trăm tấc vàng, có được mảnh đất ở đây, tất nhiên Lý Gia Thành muốn xây dựng một công trình kiến trúc mang dấu ấn nổi bật, chiều cao kiến trúc càng cao, có nghĩa là sau này thu nhập từ tiền cho thuê càng nhiều, hơn nữa cũng sẽ trở thành kiến trúc tiêu biểu của Hong Kong.
Nhưng mảnh đất này lại nằm giữa 2 tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng HSBC. Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc khi ấy đã là kiến trúc tiêu biểu của khu Trung tâm. Khi đó, chính quyền Anh ở Hong Kong vì muốn lấy lòng ĐCSTQ nên đã cấp cho một mảnh đất đẹp, do kiến trúc sư nổi tiếng Bối Duật Minh (Ieoh Ming Pei) thiết kế. Sau khi xây dựng hoàn thành, nó trở thành kiến trúc cao nhất Hong Kong đương thời.
Nhưng nhìn từ bên ngoài, tòa nhà trông lại giống một con dao 3 cạnh, mỗi cạnh đều là lưỡi dao phát ánh sáng lạnh ra tứ phía, phát ra sát khí rất nặng ra bên ngoài.
Đối diện với tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc là tòa nhà Ngân hàng HSBC. Thấy lưỡi dao sắc của tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc trực tiếp nhằm chém vào mình, Ngân hàng HSBC không chịu thua, lắp 2 khẩu đại pháo trên nóc nhà, chiều dài mỗi khẩu pháo trên 10 mét, nòng pháo chĩa thẳng vào tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc, chống lại sát khí của tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc. Hai bên đối địch, giống như pháo Tây đấu đại đao.
Mảnh đất của Lý Gia Thành nằm giữa 2 tòa nhà kiến trúc phong thủy đối chọi nhau dao chém qua pháo bắn lại như thế này, thì nên xây tòa nhà như thế nào thì mới có thể không những bảo đảm bình an vô sự, mà còn phải kinh doanh hưng thịnh?
Lý Gia Thành mời Thái Bá Lệ xem giúp địa bàn. Sau khi xem xong, Thái Bá Lệ trực ngôn nói thẳng với Lý Gia Thành rằng, tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc sát khí rất nặng, xây dựng tòa nhà thì nhất định không được cao hơn nó, trừ khi xây dựng một tòa nhà tương đương với tấm lá chắn, nếu không sẽ đem lại những ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp sau này.
Xây dựng kiến trúc lá chắn ở khu Trung tâm Hong Kong là điều không thể được. Khi đó, Thái Bá Lệ đề nghị Lý Gia Thành, nếu xây tòa nhà tổng bộ Tập đoàn Trường Giang, về độ cao không được cao hơn tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc, cũng không được thấp hơn tòa nhà Ngân hàng HSBC, cần ở giữa 2 tòa nhà.
Tòa nhà trụ sở tổng bộ của tập đoàn Trường Giang, năm giữa tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc (bên trái) và Ngân hàng HSBC (bên phải). (Nguồn wikipedia/ CC BY SA 2.5)
Cuối cùng, chiều cao của tòa nhà trụ sở tổng bộ chỉ có 283 mét, hơn nữa, tạo hình kiến trúc cũng lựa chọn kiểu hình vuông cực kỳ bằng phẳng và vững chắc, nhưng rất giống những tấm lá chắn. Năm 1999, tòa nhà trụ sở tổng bộ tập đoàn Trường Giang khánh thành, văn phòng của Lý Gia Thành ở tầng cao nhất - tầng 70.
Tuy nhiên, Thái Bá Lệ có một ý kiến khác nữa với Lý Gia Thành, nhưng Lý Gia Thành vẫn mãi chưa thực hiện nổi.
Danh lợi như phù vân
Thái Bá Lệ đã từng nói, Lý Gia Thành có rất nhiều tiền, ngày ngày đều lo lắng sợ tổn thất tiền, do đó, có tiền nhưng lại không có phúc khí. Bản thân Thái Bá Lệ không có tiền, nhưng không có tiền thì cũng không có áp lực của vật ngoại thân, do đó cả thân và tâm đều thoải mái dễ chịu. Thế nên, ông cũng đã từng khuyên Lý Gia Thành chớ quá chú ý đến của cải.
Mặc dù Lý Gia Thành cũng đã quyên tặng rất nhiều tiền làm từ thiện, nhưng dường như mệnh của ông là người cuồng sự nghiệp, 80 tuổi vẫn bôn ba khắp nơi trên thế giới, cho đến 90 tuổi mới nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, cái tâm sự nghiệp của ông vẫn không thay đổi, vẫn say mê đầu tư bất động sản ở nước Anh, dường như kiếm tiền chính là sứ mệnh cả cuộc đời ông.
Trên bàn làm việc của Lý Gia Thành ở trụ sở tổng bộ tập đoàn Trường Giang có 2 miếng kính nhỏ, trong đó một miếng có khắc lời của Lý Gia Thành: “Tìm cầu vinh quang của trăm việc, không bằng tránh được cái nhục của một việc. Có được niềm vui của ngàn người, không bằng giải được mối oán hận của một người”.
Có thể thấy, Lý Gia Thành biết rõ bản thân vì tiền tài mà đã làm hại chết người vợ kết tóc xe duyên, nhưng vẫn không có cách nào dừng bước chân kiếm tiền được.
Mối giao hảo giữa Lý Gia Thành và đại sư Thái Bá Lệ rất sâu sắc, nhưng ông cũng vẫn không học được phong cách sống thanh cao của đại sư.
Trung Hòa
Theo xinbuxinyouni